Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Cần quan tâm khi bị phơi nhiễm HIV

Không phải tất cả các trường hợp khi tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch cơ thể người nhiễm HIV đều bị nhiễm HIV. Thế nhưng, nếu không hiểu biết đầy đủ và bỏ qua khoảng “khoảng thời gian vàng” trong điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

tuvan.jpg
Nhân viên y tế tư vấn cho một bệnh nhân nghi ngờ phơi nhiễm HIV do quan hệ tình dục không an toàn
 

Biết nhưng không đề phòng

     Mặc dù biết nguyên nhân và cách phòng tránh lây nhiễm HIV, thế nhưng nhiều người vẫn không hề quan tâm cho đến khi vào Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh uống thuốc điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV thì mới lo lắng. 

     Trường hợp anh Đ.V.H, 30 tuổi, ở Vĩnh Cửu là một ví dụ điển hình. Chính vì quan hệ tình dục không an toàn với gái mại dâm nên tháng 8 vừa rồi anh phải đến Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tư vấn, xét nghiệm và phải uống thuốc phơi nhiễm HIV. Anh H. cho biết, trong một lần đi nhậu rồi theo bạn tìm đến gái mua vui, không biết do say xỉn hay do thích “của lạ” nên khi gái đưa bao cao su sử dụng anh đã từ chối. Sau lần đó, anh thấy hoang mang nên đến Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh xét nghiệm và được y, bác sĩ tư vấn uống thuốc phơi nhiễm HIV. “Thực tế tôi cũng biết nguyên nhân và cách phòng tránh khỏi bị nhiễm HIV, nhưng chỉ vì một lần ham vui nên giờ phải sống trong sự lo sợ, hoang mang”, anh H. lo lắng.

     Còn anh N. T. L, 27 tuổi (TP. Biên Hòa), dù được các y, bác sĩ Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tư vấn uống thuốc phơi nhiễm nhưng do tác dụng phụ của thuốc gây nôn ói, mệt mỏi khiến cơ thể anh L. khó chịu nên uống được 2 ngày anh L. bỏ thuốc. Kết quả sau 6 tháng anh L. trở lại xét nghiệm thì mới biết mình đã nhiễm HIV và phải uống thuốc điều trị ARV.

     Theo điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Lam, phòng Tư vấn xét nghiệm tự nguyện thuộc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, phần lớn những người đến trung tâm tư vấn, xét nghiệm và uống thuốc phơi nhiễm HIV là do quan hệ tình dục không an toàn, trong khi gái mại dâm yêu cầu sử dụng bao cao su nhưng khách hàng không đồng ý. Nhiều người khi vào đây ngại ngùng và đổ lỗi do say xỉn không kiềm chế được hay là rách bao cao su... Thực tế những người bị phơi nhiễm HIV không chỉ là đối tượng ăn chơi, nghiện chích thiếu sự hiểu biết mà ngay cả những người làm kinh doanh, công nhân, viên chức nhà nước cũng bị phơi nhiễm HIV vì biết mà không đề phòng. 

     Thực tế không chỉ riêng gì trường hợp anh H., L., mà nhiều người tìm đến trung tâm để tư vấn, xét nghiệm và uống thuốc phơi nhiễm HIV cũng trong tình trạng lo lắng như vậy. 

“Khoảng thời gian vàng” điều trị phơi nhiễm HIV

     Theo báo cáo từ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh, từ đầu năm đến nay tỷ lệ người bệnh đến tư vấn, xét nghiệm và uống thuốc phơi nhiễm HIV ngày càng nhiều. Cụ thể, trung bình mỗi tháng có khoảng 17 người phải uống thuốc phơi nhiễm HIV, ngoài ra còn nhiều người gọi điện thoại đến tư vấn về các vấn đề có liên quan. Tình trạng phơi nhiễm HIV tập trung chủ yếu vào những đối tượng quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ đồng giới. 

     Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hằng, phụ trách phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho hay, khi nghi ngờ bị phơi nhiễm HIV, người bệnh cần đến các cơ sở y tế có điều trị dự phòng HIV để tận dụng “khoảng thời gian vàng” và tuân thủ theo phác đồ điều trị sẽ không bị nhiễm HIV. Về nguyên tắc, những người bị phơi nhiễm HIV phải được điều trị dự phòng càng sớm càng tốt, nhất là trong vòng 72 giờ, tối ưu là 3-6 giờ đầu, sau 72 giờ, việc điều trị dự phòng không còn giá trị và uống thuốc trong vòng 28 ngày. 

     “Trong quá trình uống thuốc sẽ có những tác dụng phụ với các triệu chứng mệt mỏi, nôn ói, có thể tăng men gan do nóng…  Do đó, người bệnh không tự ý ngưng điều trị, nếu có tác dụng phụ nặng cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn. Đồng thời, cần có chế độ ăn uống dinh dưỡng đầy đủ, hạn chế ăn các loại chất béo. Đặc biệt trong thời gian này người bệnh không được cho máu, phải có quan hệ tình dục an toàn, thực hành tiêm chích an toàn và không cho con bú đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính HIV”, bác sĩ Hằng lưu ý.

     Cũng theo bác sĩ Hằng, hiện nay nhiều người biết đến hiệu quả thuốc điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV, uống trong vòng 72 giờ đầu, thời gian uống 28 ngày và sau 1 đến 3 và 6 tháng làm xét nghiệm lại, nếu âm tính với HIV thì có thể khẳng định chắc chắn là họ không nhiễm HIV. Thế nhưng, bệnh nhân cứ nghĩ uống thuốc là được, nên không chủ động sử dụng các biện pháp phòng tránh HIV, chính điều này sẽ dẫn đến lạm dụng thuốc, bị lờn thuốc và sau này nguy cơ sẽ kháng thuốc nếu bị nhiễm HIV. Vì vậy, mọi người cần tự ý thức bảo vệ bản thân và biết cách phòng ngừa HIV, tránh để lại hậu quả không mong muốn.

     Những trường hợp nên uống thuốc phơi nhiễm HIV như: Quan hệ tình dục với gái mại dâm không an toàn, chầy xước máu với người nhiễm HIV, rủi ro nghề nghiệp đối với nhân viên y tế, công an. Trong trường hợp bị chầy xước máu với người nhiễm HIV nên để vết thương dưới vòi nước chảy, không được lấy tay chà, nặn máu, vì làm như vậy sẽ tạo cơ hội cho vi rút dễ dàng xâm nhập và sau đó cần đến cơ sở y tế có điều trị dự phòng HIV/AIDS để được tư vấn. 

     “Do hiểu biết không đầy đủ, một số người bị phơi nhiễm HIV thường bỏ qua “khoảng thời gian vàng” trong điều trị nên dẫn đến bị nhiễm HIV là khó tránh khỏi”, bác sĩ Hằng nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Minh Châu


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn