Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Cần sự phối hợp của doanh nghiệp trong khám, điều trị bệnh nghề nghiệp

Nhằm nâng cao hơn nữa hoạt động khám phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động, nhất là người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tháng 8/2017 Sở Y tế Đồng Nai đã cấp phép cho Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và Môi trường Đồng Nai thành lập phòng khám đa khoa điều trị bệnh nghề nghiệp theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.

Kham benh NN1.jpg
 

     Là một trong những tỉnh trọng điểm công nghiệp của khu vực phía nam, Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp và 01 khu công nghệ cao đã đi vào hoạt động. Với hơn 24.693 doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, thu hút hơn 942 ngàn lao động. Trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe người lao động trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, trong đó Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và Môi trường Đồng Nai là đơn vị thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm nâng cao chất lượng sức khỏe công nhân, giúp các công ty, xí nghiệp cải thiện môi trường làm việc ngày càng tốt hơn.  

     Theo số liệu thống kê từ năm 2012 đến tháng 6/2017, trung tâm đã thực hiện khám cho trên 52 ngàn lượt người lao động ở các cơ sở lao động có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp. Có 255 trường hợp được giám định bệnh nghề nghiệp và hưởng bảo hiểm xã hội; đã quản lý và thực hiện lập hồ sơ quản lý sức khỏe và bệnh tật người lao động cho 105 cơ sở. Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động trong các nhà máy xí nghiệp thì việc chăm sóc sức khỏe cán bộ trong ngành y tế cũng được chú trọng. Trung tâm đã hướng dẫn thực hiện các quy định về vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp đến các đơn vị trong ngành y tế như: hướng dẫn lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động; quan trắc môi trường lao động; hướng dẫn khám sức khỏe định kỳ; khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; tập huấn sơ cấp cứu phòng chống bệnh nghề nghiệp; hướng dẫn sử dụng phần mềm tai nạn thương tích; báo cáo công tác y tế lao động… cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, đã có 17 cán bộ, viên chức trong ngành y tế được giám định mắc bệnh nghề nghiệp và được hưởng bảo hiểm xã hội, gồm 13 trường hợp do viêm gan virut, 04 trường hợp do bệnh lao nghề nghiệp.          

     BS CKI. Phan Hải Nam, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và Môi trường Đồng Nai cho biết, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người lao động nói chung, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp nói riêng là một yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở lao động được pháp luật quy định. Các cơ sở có sử dụng lao động trong các lĩnh vực, ngành nghề, môi trường làm việc có yếu tố nguy cơ gây bệnh cho người lao động ngoài việc khám sức khỏe định kỳ còn phải tổ chức khám phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động; được hưởng các chế độ trợ cấp bảo hiểm có liên quan. Cho đến nay, đã có 34 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm theo luật định. Hiện trung tâm có khả năng khám, phát hiện các bệnh nghề nghiệp như: bệnh điếc; bụi phổi Silic; viêm phế quản mạn tính; viêm gan virut; rung toàn thân; sạm da; bệnh da nghề nghiệp; lao nghề nghiệp… 

     Công tác phối hợp với các sở ban ngành cũng được chú trọng, đã thực hiện 03 cuộc điều tra khảo sát liên quan đến khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, tuân thủ và thực hiện chế độ cho người lao động; hàng năm tổ chức tuần lễ quốc gia về An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ; phối hợp Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh tổ chức 10 buổi tọa đàm trực tiếp trên đài PTTH Đồng Nai...

     Tuy nhiên, hiện nay công tác khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều cơ sở lao động, chủ sử dụng lao động nhận thức chưa đúng, cộng với những khó khăn về tài chính đã dẫn đến né tránh thực hiện khám sức khỏe định kỳ, bệnh nghề nghiệp hoặc chỉ khám mang tính hình thức. Về phía người lao động, do chưa hiểu biết đầy đủ về các quyền lợi của mình, chưa nhận thức được tầm quan trọng và hiệu quả của khám phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp, dẫn đến chưa phối hợp tốt với chủ doanh nghiệp trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người lao động. Báo cáo công tác y tế lao động của một số phòng khám tư nhân, doanh nghiệp … chưa thực đầy đủ theo quy định…

     Theo bác sĩ Phan Hải Nam, để công tác khám sức khỏe, bệnh nghề nghiệp cho người lao động đạt chất lượng tốt,  rất cần sự phối hợp tốt giữa các doanh nghiệp có sử dụng nguồn lao động và người lao động. Ngoài ra, trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở ban ngành như: Sở Lao động thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Liên đoàn lao động tỉnh… nhằm tăng cường các hoạt động trong thông tin tuyên truyền, truyền thông cho các doanh nghiệp, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát, tư vấn cho các cơ sở có sử dụng nguồn lao động trên địa bàn thực hiện công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; tiếp tục thực hiện dự án phòng chống bệnh nghề nghiệp và triển khai, nhân rộng các mô hình phòng chống bệnh nghề nghiệp…

Hoàn Lê



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn