Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Phát hiện sớm bệnh tâm thần phân liệt

Hiện nay, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, hậu quả chất độc dioxin do chiến tranh để lại cùng với những áp lực trong cuộc sống, công việc đang làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tâm thần. Trong đó, bệnh tâm thần phân liệt chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng ngày càng tăng ở giới trẻ.

hinh 2.jpg
 

    Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), sức khỏe tâm thần có tầm quan trọng đứng thứ tư sau các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường. Hiện nay trên thế giới, có khoảng 400 triệu người bị một trong các rối loạn tâm thần. Tại Đồng Nai, hiện đang quản lý 3.823 bệnh nhân tâm thần, trong đó bệnh tâm thần phân liệt (TTPL) chiếm 1.801 người và tập trung từ độ tuổi từ 18 – 25 tuổi.

Các dấu hiệu sớm của bệnh

    Hiện nay, nguyên nhân của bệnh TTPL vẫn chưa được xác định rõ, các yếu tố có nguy cơ gây bệnh bao gồm: gen, các tổn thương tổ chức não, tổn thương tâm lý. Bệnh diễn tiến từ từ, có khuynh hướng mạn tính và hay tái phát. Các dấu hiệu sớm để nhận biết bệnh như: Khả năng học tập và làm việc dần dần giảm sút, đầu óc mù mờ khó suy nghĩ; người bệnh có những suy nghĩ, hành vi kỳ dị, khó hiểu, lạnh nhạt và thiếu quan tâm với người thân trong gia đình và dần tách khỏi cuộc sống bên ngoài, thu vào thế giới bên trong. Một số bệnh nhân biểu hiện trạng thái giống suy nhược thần kinh, đau đầu, mất ngủ, chóng mệt mỏi, khó tiếp thu cái mới, bồn chồn lo lắng, dễ nổi nóng, dễ bùng nổ. Có bệnh nhân trở nên say sưa đọc các loại sách triết học, lý luận viễn vông không phù hợp với thực tế.

    Bên cạnh đó, người bệnh cần chú ý đến các dấu hiệu tái phát bệnh, người có tiền sử gia đình về bệnh TTPL như: bố mẹ, anh chị em ruột, đặc biệt là những trường hợp sinh đôi cùng trứng. Bị stress trầm trọng khi gặp những sang chấn căng thẳng trong gia đình, cuộc sống gia đình không vui vẻ, hòa thuận hay ở cơ quan hoặc môi trường sống có nhiều mâu thuẫn, áp lực… Từ đó dẫn đến những rối loạn sau stress, căng thẳng ngày một tăng, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, dễ kích thích nổi cáu, hoảng sợ không lý do và không tự chăm sóc bản thân… 

Phát hiện sớm đóng vai trò quan trọng

    Tất cả các bệnh nói chung và bệnh tâm thần nói riêng trong đó có TTPL, việc phát hiện sớm là hết sức quan trọng. Đối với bệnh TTPL việc phát hiện sớm góp phần đóng góp trên 50% kết quả điều trị, còn lại 50% phụ thuộc vào các yếu tố như thầy thuốc giỏi, thuốc tốt, sự hợp tác điều trị giữa bệnh nhân và thầy thuốc. Qua đó, sẽ giúp cho việc điều trị nhẹ nhàng và hiệu quả hơn, giảm khả năng dẫn đến mãn tính, tàn phế và giảm nhẹ gánh nặng cho gia đình, xã hội. 

Phương pháp điều trị

    Do nguyên nhân của bệnh vẫn chưa được biết rõ nên việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và phục hồi chức năng tâm lý xã hội. Việc điều trị phải kết hợp nhiều liệu pháp khác nhau tùy theo giai đoạn phát triển của bệnh. Có thể sử dụng liệu pháp tâm lý và dùng các thuốc chống loạn thần.

    - Dùng thuốc chống loạn thần:  Các thuốc chống loạn thần chủ yếu gồm 2 loại: loại có tác dụng an thần mạnh và an thần dịu êm, tùy vào trường hợp từng bệnh nhân để có liệu pháp điều trị phù hơp. Tác dụng chính của thuốc là chống loạn thần như: chống hoang tưởng, ảo giác; gây tác dụng an thần, làm dịu cơn khi bị kích động và giải ức chế.  Đối với trường hợp người bệnh lên cơn TTPL cấp tính, phải cho bệnh nhân uống thuốc chống loạn thần và cố gắng nhanh chóng đưa người bệnh ra khỏi tình trạng loạn thần nặng như: kích động, hoang tưởng, ảo giác...  Bệnh nhân uống thuốc phải có sự chỉ định của bác sĩ và có phác đồ điều trị phù hợp, không nên tự ý cho bệnh nhân ngưng uống thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ điều trị, đồng thời cần theo dõi chặt chẽ trong quá trình uống thuốc. Quá trình điều trị, người bệnh cần lưu ý đến những tác dụng phụ của thuốc như hạ huyết áp, bồn chồn, vã mồ hôi, vàng mắt. Khi thấy bệnh nhân ngủ lâu, đánh thức không dậy, chậm phản ứng với kích thích đau là biểu hiện của ngộ độc cấp tính do sử dụng thuốc quá liều, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. 

    - Về liệu pháp tâm lý: Cần tập trung truyền thông giáo dục sức khỏe để làm cho gia đình người bệnh có được sự hiểu biết cần thiết, nhận thức được bệnh lý TTPL. Mọi người cần cảm thông, chấp nhận, quan tâm trong việc đối xử và chăm sóc người bệnh, đặc biệt là những gia đình có người mắc bệnh.

    Ngoài ra, mọi người nên lưu ý, không đưa bệnh nhân đến thầy bùa, thầy pháp vì bệnh TTPL không phải do ma quỷ gây ra. Không nên tranh luận với bệnh nhân về sự vô lý của hoang tưởng. Đặc biệt, không nên xiềng xích, trói hay nhốt bệnh nhân vì thuốc chống loạn thần có thể làm cho bệnh nhân không còn hung hăng, kích động.

BSCKI. Đặng Thị Kim Thanh 

Trưởng Khoa bệnh không lây và dinh dưỡng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn