Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Đừng chủ quan khi trẻ bị tăng động giảm chú ý

Không tập trung vào bất cứ việc gì, chạy nhảy liên tục không nghỉ ngơi, nói quá nhiều và khó chơi trong yên lặng, phá phách… đó là những triệu chứng khi trẻ bị tăng động giảm chú ý. Phụ huynh cần phát hiện sớm và đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa khám, điều trị kịp thời để hồi phục các kỹ năng cơ bản giúp trẻ sớm hòa nhập.

​Tỷ lệ mắc cao

     Thời gian gần đây, số lượng trẻ đến khám, điều trị tăng động giảm chú ý tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 quá nhiều. Cụ thể, trung bình một tháng có khoảng 1.600 lượt trẻ đến khám, trong đó tăng động giảm chú ý chiếm đến 1.000 lượt và tập trung ở độ tuổi từ 5-12.

     Đang ngồi chờ con là L.V.T., 5 tuổi học lớp giáo dục đặc biệt tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, chị Nguyễn Thị H, 31 tuổi (Long Thành) cho biết, khi bé T. mới 3 tuổi hay phá phách, té không biết đau, không tập trung chú ý khi người lớn nói và đặc biệt bé không nói được. Lo lắng gia đình đưa bé T. lên Bệnh viện Nhi đồng 1 khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị tăng động giảm chú ý. Nghe lời mọi người chị cho bé T. vào Trung tâm Rồng Việt TP. Biên Hòa điều trị và học nhưng bệnh tình không khỏi. Đến đầu năm 2017, chị mới đưa bé T. vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 khám, điều trị, sau 2 tháng điều trị và được các cô giáo dạy một số kỹ năng nên bệnh của bé đỡ hơn, giờ đây bé đã biết chào cô giáo và ba mẹ.

     Tương tự, bé H.T.P., 6 tuổi (Vĩnh Cửu) cũng là một trong những trường hợp điển hình của tăng động giảm chú ý. Ở lớp học bé P. không chịu ngồi yên theo hướng dẫn của cô giáo, nghịch ngợm mọi lúc mọi nơi, không tập trung. Cô giáo phàn nàn nhiều lần gia đình mới đưa bé P. đi khám thì mới biết bé bị tăng động giảm chú ý. Từ đó, việc học tập của bé P. cũng bị gián đoạn, một buổi học ở trường buổi còn lại phải vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 điều trị. 

     Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hòa, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, tùy theo mỗi gia đình, khi nào không dạy nổi con, hoặc cô giáo phản hồi con lên lớp không học, phá phách, ngồi ngơ ngác thì mới chịu đem con đi khám. Những trường hợp này nếu phát hiện, điều trị sớm thì khả năng đáp ứng và học tốt, nếu bé không đáp ứng điều trị thì thường kèm theo các bệnh khác nữa. Bởi vậy các bậc phụ huynh khi nhận thấy con mình có dấu hiệu bệnh thì không nên chủ quan, mà cần đưa đến cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời.

    Cô giáo Nguyễn Thị Yến Loan, chuyên ngành giáo dục đặc biệt, Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 cho biết, bé nào bị ở thể nhẹ vào đây uống thuốc điều trị kết hợp với học giáo dục đặc biệt thì khả năng hòa nhập mọi người xung quanh rất nhanh và có thể đi học lại. Bên cạnh đó, bé vừa đi học ở trường vừa phải vào đây học thêm các kỹ năng để theo kịp các bạn. “Riêng lớp tôi dạy một ngày 6 bé về các bệnh tự kỷ, tăng động giảm chú ý, chậm phát triển trí tuệ, trong đó tăng động giảm chú ý là chiếm nhiều nhất”, cô Loan nói.

 Cần phát hiện, điều trị sớm 

     Bác sĩ Kim Hòa cho biết, nguyên nhân của bệnh tăng động giảm chú ý chưa rõ, các yếu tố nguy cơ có thể là do di truyền, môi trường, quá trình ăn uống… Các dấu hiệu thường gặp ở trẻ đó là: khó khăn trong việc duy trì sự chú ý vào công việc hoặc trò chơi; không lắng nghe, không hoàn thành công việc, bài tập đã được hướng dẫn; làm mất đồ đạc, các dụng cụ học tập; hay quên trong các hoạt động hàng ngày. Ngồi một chổ không yên, thường hay nhấp nhỏm trên ghế, vận động chân tay, vặn vẹo người; chạy leo trèo quá mức trong tình huống khi các hoạt động đó không thích hợp; nói quá nhiều và bận rộn với mọi hoạt động thường ở trong trạng thái “không ngưng nghỉ”…

     Dó đó, khi trẻ bị tăng động giảm chú ý cần áp dụng điều trị bằng thuốc và kết hợp với giáo dục đặc biệt giúp cho trẻ hồi phục các kỹ năng cơ bản để hòa nhập. Ngoài ra, phải có sự phối hợp giữa phụ huynh và cô giáo để giám sát, quan tâm để bé phục hồi các kỹ năng cơ bản, từ đó việc học tập sẽ không bị gián đoạn. “Quá trình uống thuốc song song với việc học tập của bé và cho đến lúc bé trưởng thành, nếu không điều trị bé không học được”, bác sĩ Kim Hòa lưu ý.

     Cô Loan cũng cho hay, khi các bé vào đây chúng tôi sẽ tập cho bé cách điều chỉnh hành vi, tập nói, tập cầm bút, chú ý tập trung vào một ví trí cụ thể và kỹ năng tiền học đường để ra hòa nhập với mọi người. Đồng thời, tư vấn cho phụ huynh cần kiên trì và ở nhà phải quan tâm chú ý đến bé. Để giúp trẻ sớm phục hồi các kỹ năng, phụ huynh nên sử dụng các hình ảnh, câu chuyện, trò chơi để khích lệ bé nói, chơi đùa với trẻ giống như người bạn.

    Bác sĩ Kim Hòa khuyến cáo, việc phát hiện và can thiệp, điều trị sớm tăng động giảm chú ý ở trẻ là rất cần thiết, giúp bé có khả năng đáp ứng tốt và không bị gián đoạn học. Khi bệnh đã nặng không điều trị, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân bé mà còn ảnh hưởng đến những xung quanh. Do đó, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến bé, đồng thời cô giáo cần phản ánh với phụ huynh khi thấy các bé có những triệu chứng trên, giúp phát hiện bệnh sớm và điều trị bệnh kịp thời.

Sao Mai

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn