Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

“TẾT TRỒNG CÂY” Của BÁC HỒ

Mùa xuân Canh tý 1960, lần đầu tiên nhân dân Miền Bắc XHCN thực hiện phong trào“Tết trồng cây” theo lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, mỗi khi tết đến, xuân về toàn dân tự nguyện, nô nức dấy lên phong trào làm theo lời Bác.“Tết trồng cây” không chỉ trở thành một tập quán tốt đẹp mà còn là một nét văn hóa trong đời sống mới của nhân dân Việt Nam.

bac_ho.jpg
 

     Vào giữa thế kỷ XX, khi loài người mặc nhiên khai thác “Rừng vàng, biển bạc” để phục vụ nhu cầu cuộc sống mà chưa ai nghĩ rằng nguồn tài nguyên thiên nhiên đó sẽ có ngày cạn kiệt. Thì chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn dân thực hiện “Trồng cây gây rừng” và “Tết trồng cây”. Càng cảm phục hơn khi Người đưa ra lý lẽ  giản đơn nhưng đó lại là những tư tưởng lớn, đi trước thời đại. Ngày 30/5/1959, kêu gọi nông dân trồng cây, Người nói: Để xây dựng nông thôn mới, nhà cửa của đồng bào nông dân phải thật đàng hoàng, vì vậy: “Ngay từ bây giờ… mỗi người phải trồng ít nhất là 5 cây. Và mỗi gia đình phải trồng một bụi tre…Muốn làm nhà cửa tốt/Phải ra sức trồng cây/Chúng ta chuẩn bị từ rày/Dăm năm sau, sẽ bắt tay dựng nhà”. Ngày 28/11/1959, chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Người phát động phong trào  “Tết trồng cây”. Theo Người: Việc làm này tốn kém ít mà  mang lại lợi ích lâu dài; lợi ích cho  đất nước, gia đình và  cho mỗi người dân. Trồng cây sẽ mang lại lợi ích to lớn trước hết là về kinh tế. Nói chuyện với thanh niên, Bác giải bài toán đơn giản: Toàn Miền Bắc có 8 triệu thanh niên, mỗi cháu trồng 3 cây và chăm sóc thật tốt thì sẽ có 24 triệu cây. 5 năm liền sẽ có 120 triệu cây. Tính giá rẻ, mỗi cây 3 đồng thôi, 5 năm sau các cháu sẽ thu một số tiền lớn là 360 triệu đồng. Số tiền đó có thể xây dựng được 8 nhà máy cơ khí loại khá. Trồng cây để thỏa mãn nhu cầu nhân dân về các loại quả để ăn, vật liệu làm nhà, củi để đun, các loại hoa, cây cảnh làm phong phú thêm đời sống tinh thần; trồng cây phục vụ cho công nghiệp phát triển và lợi ích cho môi trường: chắn gió, cát, bảo vệ ruộng, chống xói mòn, khí hậu điều hòa hơn, đất nước thêm xinh tươi, nhân dân ngày thêm giàu có.  Trồng cây còn có ý nghĩa quốc phòng và chính trị to lớn. Khi Mỹ, Diệm dùng thuốc độc phá hoại cây cối, núi rừng ở Miền Nam, Người dặn: Trồng cây cho ta và cho cả đồng bào Miền Nam nữa, phải tổ chức “Một tết trồng cây quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”.

     Bác dạy: “Trồng cây gây rừng” và “Tết trồng cây” phải trở thành phong trào liên tục, bền bỉ, lâu dài và vững chắc. Chính quyền các cấp phải có kế hoạch và chuẩn bị chu đáo mọi mặt. Trồng cây nào sống cây ấy, không nên tham trồng quá nhiều mà không ra sức bảo vệ, chăm sóc cây. Có lẽ không ai có thể cầm được nước mắt khi đọc lời yêu cầu của Người trong tác phẩm cuối cùng “Di chúc”: “Thi hài tôi được đốt đi…Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn…Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.

     Thời gian trôi đi, nhưng hình ảnh Bác Hồ tham gia “Tết trồng cây” mãi lắng sâu và là nguồn động viên to lớn cổ vũ các tầng lớp dân đi theo, làm theo. Tết Nguyên đán 1960 Bác tới công viên Lênin, 1961 đến vườn hoa Lý Tự Trọng, mùa xuân 1963 về huyện Đông Anh, xuân 1965 Người đến huyện Từ Liêm… để trồng cây cùng nhân dân. Nhiều địa phương, đơn vị, cá nhân được Bác biểu dương, khen ngợi và vinh dự được nhận huy hiệu của Người trong phong trào “Tết trồng cây”. Tuy nhiên Bác cũng nghiêm khắc phê bình và thường xuyên uốn nắn những thiếu sót đối với nơi làm chưa tốt: Trồng cây thiếu hướng dẫn, thiếu chăm sóc; khi phát động thì làm ào ạt, về sau nguội dần; thậm chí có nơi tính cả cây sú mọc ven biển đưa vào thành tích của địa phương…

     Xuân lại về, tết cổ truyền của dân tộc lại đến. Nhân dân ta mở hội đón xuân, thăm hỏi, chúc mừng, vui chơi -  “Áo em thêu chỉ biếc hồng/Mùa xuân ngày hội lùng tùng thêm tươi”… là những nét văn hóa quý cần gìn giữ. Nhưng “Vui tết, đón xuân” sẽ có ý nghĩa gấp bội lần nếu các cấp, các ngành, các địa phương chuẩn bị chu đáo, phát động các tầng lớp nhân  dân dành một ít thời gian thực hành “Tết trồng cây”. Làm theo lời Bác dạy thường xuyên, bền bỉ không chỉ ích nước, lợi nhà về kinh tế, môi trường, quốc phòng…mà chắc chắn sẽ còn: “Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”./.

Hoàng Bích Ngọc



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn