Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Vất vả nghề bác sĩ chống lao

Làm việc trong môi trường độc hại với nguy cơ lây nhiễm rất cao, bệnh nhân dễ phản ứng, chế độ ưu đãi còn khá thấp… Đó là những vất vả của các bác sĩ thuộc Bệnh viện Phổi Đồng Nai trong cuộc chiến chống bệnh lao.

bs phoi.jpg

 Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân

Không ngại khó, ngại khổ

     BS. CKI Bùi Văn Thịnh, Trưởng khoa Lao nam và lao kháng, 47 tuổi, quê ở Phú Thọ làm việc tại Bệnh viện Phổi hơn 10 năm nay. Trước đây, đã có nhiều lần anh muốn bỏ về quê do phải làm việc trong môi trường dễ lây nhiễm bệnh, cơ sở vật chất xuống cấp. Thế nhưng với tấm lòng vì bệnh nhân, anh quyết tâm bám trụ cho đến nay.

     Chia sẻ về công việc hiện tại, anh quan niệm “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng – gian khổ sẽ dành phần ai”. Vì thế, anh được ban giám đốc giao nhiệm vụ quản lý khoa lao nam và lao kháng thuốc. Đây là công việc khá vất vả trong việc điều trị cho bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân mặc dù bị lao nhưng vẫn hút thuốc, uống rượu bia, không tuân thủ điều trị. Một số bệnh nhân còn bị thêm lao kháng thuốc, hoặc mắc các bệnh liên quan như tiểu đường, huyết áp, nên việc điều trị khá khó khăn. Hiện khoa đang quản lý và điều trị cho khoảng 100 ca lao kháng thuốc. Bản thân anh đã chứng kiến nhiều bệnh nhân không chịu hoặc không tuân thủ trong điều trị, coi thường sức khỏe, như bệnh nhân H.N.K là nhân viên của 1 trạm y tế ở huyện Nhơn Trạch bị lao tái phát và bị viêm gan nhưng không đến cơ sở y tế để điều trị mà tự mua thuốc để uống. Đến khi bị suy gan nặng mới đến Bệnh viện Phổi thì bệnh viện phải chuyển lên Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch điều trị, nhưng không qua khỏi.  

     Trường hợp khác, đó là  một bác sĩ công tác tại Bệnh viện ĐK Thống Nhất Đồng Nai. Bác sĩ này 35 tuổi bị lao kháng thuốc nhưng không tin, đi điều trị nhiều nơi không khỏi, sau khi đến Bệnh viện Phổi cho làm xét nghiệm và có kết quả là lao kháng thuốc. Không tin mình bị mắc lao, bác sĩ này lại tiếp tục đi xét nghiệm lao ở tuyến cao hơn. Chỉ khi có kết quả tái khẳng định, vị bác sĩ này mới chấp nhận nhận mình là bệnh nhân lao nên mới đồng ý tham gia điều trị...

     “Đau khổ nhất là nhiều bệnh nhân không cho người nhà lên chăm sóc, hoặc có những bệnh nhân bị người nhà bỏ mặc. Đến khi bệnh nhân tử vong, bệnh viện gọi lên đưa về an táng nhưng người nhà cũng không lên mà nhờ bệnh viện... chôn dùm!”, bác sĩ Thịnh xót xa kể.

     Để hạn chế sự lây nhiễm, các bác sĩ khám bệnh lao đều phải trang bị cho mình những công cụ cần thiết như khẩu trang, đồ bảo hộ. Mấy năm gần đây bệnh viện cũng đã cấp khẩu trang chuyên dụng N95 nhưng cũng phải dùng tiết kiệm 3-5 lần mới bỏ. Vất vả là thế nhưng chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này còn thấp. Ngoài ưu đãi ngành 70% thì hàng tháng người trực tiếp làm công tác tư vấn được hỗ trợ 200 nghìn đồng. BS. Bùi Văn Thịnh cho biết tổng lương hiện nay của anh là khoảng 11 triệu đồng, trong khi ở các bệnh viện tư, lương bác sĩ mới về được trả 20 triệu đồng. Cũng có nhiều nơi mời anh về làm việc nhưng anh quan niệm, giúp người là giúp đời, thấy nhiều bệnh nhân nghèo khổ, anh cũng không đành lòng bỏ họ.

Còn BS. Nguyễn Hữu Hạnh, 50 tuổi, Trưởng khoa Lao nữ chia sẻ anh có nguyện vọng muốn làm công tác khám chữa bệnh nên xin về Bệnh viện Phổi từ năm 2010 cho đến nay. Thời gian đầu chưa quen với công việc điều trị, lại là một bác sĩ trẻ nên BS. Hạnh cũng khá bở ngỡ. Thế rồi qua thời gian thực tế điều trị, nhờ sự hướng dẫn, chỉ bảo và học hỏi từ đồng nghiệp anh đã quen dần với công việc. Theo anh, đa số bệnh nhân ở khoa Lao nữ đều là người lao động nghèo có cuộc sống khó khăn, nhiều trường hợp không có người thân nên khi đến bệnh viện điều trị, bác sĩ phải nhờ các bệnh nhân giường bên mua cơm cho, còn hộ lý thì hỗ trợ cho cho trong sinh hoạt hàng ngày. 

     BS. Hạnh cũng cho hay, quá trình tiếp xúc với bệnh nhân mặc dù đã có các biện pháp bảo vệ nhưng vẫn có nguy cơ bị lây, nhất là lao kháng thuốc. Vất vả là thế nhưng chế độ đãi ngộ vẫn còn thấp. Kinh phí cho việc điều trị một ca lao kháng thuốc từ 4-5 triệu đồng nhưng bệnh nhân nghèo không có tiền nên thường trốn viện, bỏ trị gây thất thoát kinh phí cho bệnh viện, còn bác sĩ điều trị thì bị bệnh viện kiểm điểm.

     Tuy công việc nhiều vất vả, nhưng theo bác sĩ Hạnh bản thân anh cũng như y, bác sĩ khác luôn nỗ lực hết lòng điều trị cho bệnh nhân. Ngoài việc nâng cao năng lực chuyên môn, trong mỗi lần thăm khám cho bệnh nhân, BS. Hạnh luôn dịu dàng thăm hỏi, động viên để người bệnh không còn kỳ thị với bệnh tật và tuân thủ điều trị tốt hơn. Chính vì vậy tỷ lệ điều trị khỏi bệnh lao tại khoa của anh ngày càng cao. “Mỗi khi thấy bệnh nhân khỏi bệnh, đó là niềm vui lớn nhất trong nghề đối với tôi”, BS. Hạnh nói.

Đối mặt với nguy cơ nhiễm lao

     Theo BS. Nguyễn Ngọc Khánh, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Nai, để chương trình phòng chống lao mang lại hiệu quả cần có sự phối hợp đồng bộ từ trung ương đến địa phương, trong đó quan trọng nhất là tuyến cơ sở bởi đa số nguồn bệnh đều nằm ở đây. Nếu tuyến cơ sở làm tốt công tác này thì sẽ phát hiện hầu hết các trường hợp nhiễm lao để điều trị, giúp giảm nguy cơ tử vong, giảm chi phí điều trị, giảm các trường hợp lao kháng thuốc và mang lại sức khỏe cho người bệnh.

     Theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế, thời gian điều trị đối với bệnh nhân lao khá dài. Thời gian điều trị lao thông thường là 6 tháng, 8 tháng đối với bệnh nhân điều trị lại, 12 tháng đối với lao màng não và 20 tháng với lao kháng thuốc. Ngoài thuốc lao được miễn phí thì các thuốc khác bệnh nhân đều phải trả tiền trong khi nhiều bệnh nhân không có BHYT, bệnh nhân nghèo thì chi phí điều trị rất cao. Từ đó dẫn đến bệnh nhân bỏ trị, trốn điều trị. Điều này là rất nguy hiểm bởi sẽ làm gia tăng nguy cơ lao kháng thuốc, dẫn đến chi phí điều trị  tăng rất nhiều lần.

     Cũng theo BS. Khánh, công tác điều trị lao rất vất vả, nguy cơ lây nhiễm rất cao do vi trùng lao có thể ở ngoài không khí, lây qua đường dung môi, giọt bắn…. Tuy nhiên chế độ đãi ngộ cho đội ngũ y, bác sĩ lại rất thấp. Theo quy định của Nghị định 56/NĐ-CP thì bác sĩ, nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân ngoài lương được hưởng, các phụ cấp độc hại là 0,7 cùng với chế độ hỗ trợ bằng hiện vật bằng 0,4 lần lương tối thiểu. Các bộ phận khác như kiểm soát nhiễm khuẩn, đa khoa, hành chính thì chế độ còn thấp hơn. Hệ thống cơ sở hạ tầng xây dựng và bố trí chưa hợp lý cũng là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ nhiễm lao của nhân viên Y tế.

Hoàn Lê



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn