Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Đừng để trẻ sinh non

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) sinh non được tính khi trẻ sinh từ tuần thứ 22 đến dưới 37 tuần tuổi thai.

tre.jpg
Trẻ sinh non được điều trị, chăm sóc tại khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
 

     Tại KhoaHồi sức tích cực sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang điều trị cho rất nhiều trẻ sinh non. Số trẻ sinh non chiếm 43,7% trên tổng số trẻ nằm viện tại khoa. Đặc biệt nhiều trẻ có cân nặng từ 700 đến 1000g đang được chăm sóc đặc biệt với sức khỏe rất yếu, phải thở máy và nuôi ăn qua tĩnh mạch…

Đối diện với nhiều hiểm nguy

     Bác sĩ Trần Thị Bích Phượng – Trưởng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho hay trẻ sinh non được chia ra 4 độ tuổi. Dưới 28 tuần tuổi thai gọi là cực non. Từ 28 đến dưới 32 tuần tuổi thai gọi là rất non. Từ 32 đến dưới 34 tuần gọi là non vừa và từ 34 đến 37 tuần tuổi thai gọi là non muộn. Độ tuổi mà trẻ sơ sinh nhập viện tại bệnh viện chiếm nhiều nhất là từ 28 đến 32 tuần, độ tuổi cực non chiếm ít hơn. 

     Theo BS. Phượng trẻ sinh non không may mắn như trẻ sinh đủ tháng vì tất cả các bộ phận trong cơ thể đều chưa hoàn chỉnh. Càng ra đời sớm thì càng đối diện với nhiều nguy cơ về sức khỏe. Cụ thể: Trẻ sinh non mạch máu rất mong manh, dễ vỡ, do đó rất dễ bị xuất huyết não. Cộng với tình trạng gan chưa hoàn chỉnh, chưa tổng hợp được các yếu tố đông máu nên trẻ dễ bị rối loạn đông máu. Một vấn đề khác là phổi ở trẻ sinh non rất non, khi trẻ ra đời sớm quá các phế nang chưa hoàn thành, hoàn chỉnh được, tiểu phế quản chưa phát triển được. Vì vậy trẻ rất dễ bị xẹp phổi. Do phổi chưa phát triển, các cơ hô hấp yếu nên hầu hết trẻ sinh non đều bị suy hô hấp. “Ở đây chúng tôi chụp phim phổi xác định đó là bệnh màng trong, tức là do phổi chưa trưởng thành, tuỳ mức độ trẻ bị suy hô hấp từ vừa đến rất nặng. Nhiều trẻ phải thở máy”, BS. Phượng nói.

     Ở trẻ sinh non, tim cũng chưa hoàn chỉnh, khi ra đời ống động mạch chưa đóng và tồn tại khá lâu khiến ảnh hưởng huyết động học. Một số trẻ suy hô hấp kéo dài không cai được CPAP hoặc máy. Chứng bệnh này làm cho máu đến các cơ quan không đầy đủ, ảnh hưởng trong việc dinh dưỡng của trẻ, trẻ ăn sữa khó tiêu do lượng máu đến nuôi dạ dày kém. Ngoài ra, mắt của trẻ đang trong giai đoạn phát triển, chưa hoàn chỉnh, trẻ có nguy cơ mắc bệnh võng mạc (gọi tắt là ROP). 

     Trẻ sinh non ra đời sớm chưa thích nghi được môi trường bên ngoài, sức đề kháng kém, khi phải nằm trong môi trường bệnh viện cũng rất dễ bị nhiễm trùng. Chính những nguy cơ trên, thời gian điều trị cho trẻ sinh non kéo dài từ 1 đến 2 tháng trở đi. Đối với trẻ cực non thời gian càng dài hơn trẻ rất non. Việc điều trị kéo dài nên chi phí cao, ngoài ra do phổi trẻ còn non không thể điều chỉnh được sự hô hấp nên nhiều trường hợp phải bơm thuốc để phổi nở ra. Giá của một lọ thuốc trung bình khoảng 11-12 triệu, 1 trẻ có thể sử dụng từ 2 đến 4 lọ trong khi điều trị. Mặc dù chi phí thuốc được BHYT thanh toán nhưng do thời gian nằm viện kéo dài đòi hỏi tốn rất nhiều gian, công sức của y, bác sĩ cũng như gia đình.

Để giảm nguy cơ sinh non

     Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan – Trưởng khoa Sản, Bệnh viện ĐK Đồng Nai cho hay, sinh non là một trong những vấn đề quan trọng trong sản khoa, là nguyên nhân gây tử vong ở trẻ sơ sinh. Có nhiều yếu tố dẫn đến sinh non như: Sản phụ mang đa thai, thai lớn; do bất thường tử cung, tử cung có u xơ lớn, hở eo tử cung, chiều dài cổ tử cung ngắn, chất lượng tử cung kém; mẹ mang các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp; béo phì hoặc suy dinh dưỡng; mẹ làm việc gắng sức, công việc nặng nhọc; không khám thai định kỳ; quan hệ tình dục 3 tháng cuối thai kỳ… 

     “Trong năm vừa qua chúng tôi có làm khảo sát tại Bệnh viện ĐK Đồng Nai về nguyên nhân gây sinh non, thì tỷ lệ sinh non tại bệnh viện chiếm khoảng 6,4%. Các yếu tố nguy cơ gây sinh non chiếm tỷ lệ cao nhất đó là phụ nữ lao động nặng nhọc, mang vật nặng từ 5 kg trở lên. Nguyên nhân đứng thứ 2 là do chiều dài cổ tử cung ngắn, dưới 25mm thường sinh trước tuần 31”, BS. Hoan cho biết.

     Để phòng tránh sinh non, theo BS. Hoan, người mẹ cần có chế độ sinh hoạt hợp lý, tránh làm công việc nặng nhọc, đừng gắng sức, tránh thức đêm, hạn chế quan hệ tình dục trong 3 tháng cuối thai kỳ.

     Thăm khám thai thường xuyên để tìm ra nguyên nhân bệnh học gây sinh non như: Cao huyết áp, cổ tử cung bị ngắn, bất thường tử cung… Đây là những nguyên nhân có thể dự phòng được. Nếu có nguy cơ sinh non sẽ được bác sĩ cảnh báo và tư vấn, cho dùng thuốc chống sinh non đến khi thai trưởng thành. 

     Ngoài ra, phải bổ sung đủ 4 nhóm dưỡng chất: Đạm, tinh bột, chất béo và các vitamin. Trong thai kỳ các thai phụ nên tăng từ 12-15kg, không nên tăng cân quá lớn. Cần chú ý tăng cân trong thai kỳ dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI), nếu những thai phụ có chỉ số khối cơ thể bằng 30 nên tăng từ 9-11kg, những người nhẹ cân, có chỉ số khối thấp có thể tăng ký nhiều hơn, từ 15-18 kg. 

Box: Điều trị cứu sống được trẻ cực non, cực nhẹ cân 

     Theo BS.Trần Thị Bích Phượng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, những năm qua số trẻ sinh non được tiếp nhận điều trị tại khoa tăng lên. Cụ thể năm 2016 là 458 trẻ, năm 2017 là 462 trẻ, 4 tháng đầu năm 2018 là 145 trẻ. Tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai trước đây độ tuổi thai cực non, cực nhẹ cân tử vong cao thì những năm gần đây các trẻ 27-28 tuần, thai có cân nặng thấp nhất 700g đã cứu sống được. Tuy nhiên tỷ lệ sống ở độ tuổi này chưa cao và còn phải theo dõi suốt thời gian dài về sự phát triển tâm thần, vận động, thị lực, thính lực. Điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sinh non đỏi hỏi kiên trì, nhẫn nại và tốn rất nhiều công sức để trẻ có thể hoà nhập và bắt nhịp được với cuộc sống đời thường.

Bài, ảnh:  Gia Nhi – P. Thanh



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn