Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Bệnh sởi và cách phòng ngừa

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi (thuộc họ Paramyxoviridae) gây bệnh. Nguyên nhân gây bệnh sởi Siêu vi sởi có ở mũi và cổ họng của bệnh nhân. Bệnh sởi lây qua đường hô hấp, lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc lây gián tiếp (ít gặp vì virus sởi dễ bị diệt ở ngoại cảnh). Bệnh hay lây đến nỗi 90% những người tiếp xúc với bệnh nhân sẽ bị lây sởi nếu chưa chích ngừa. Họ thường đã có thể lây bệnh cho người khác 4 ngày trước khi ban sởi xuất hiện. Khi bệnh nhân ho, hắt xì, hay nói chuyện, những giọt nước nhỏ xíu có chứa siêu vi sẽ bắn ra không khí (bán kính khoảng 1 mét) và người khác có thể hít vào hoặc những giọt này có thể rơi xuống một nơi nào đó như mặt bàn, điện thoại…, khi ta sờ vào những nơi này và đưa tay lên mũi hay miệng thì sẽ bị lây bệnh.

soi.jpg
 

Bệnh sởi thông thường diễn tiến qua các giai đoạn sau:

     - Giai đoạn ủ bệnh: kéo dài 7 đến 10 ngày, tính từ khi tiếp xúc với nguồn lây đến khi có triệu chứng đầu tiên của bệnh. 

     - Giai đoạn khởi phát: kéo dài 1 – 2 ngày; biểu hiện bằng nhiễm siêu vi đường hô hấp trên như: sốt cao 39 – 400C, mắt đỏ, hắt hơi, chảy nước mắt nước mũi, ho, ói, tiêu lỏng. Khoảng 2-3 ngày sau nổi nhiều nốt màu trắng, đường kính 1mm ở niêm mạc má đối diện răng hàm trên và biến mất sau 24 giờ. Đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh sởi, gọi là dấu Koplik. 

     - Giai đoạn toàn phát: khi hết sốt là thời kỳ ban sởi mọc vào ngày 4 đến ngày 6 của bệnh. Ban sởi xuất hiện theo một trình tự nhất định: đầu tiên là ở chân tóc -> sau tai  -> mặt  -> cổ, gáy  -> ngực, lưng  -> bụng  -> đùi  -> tay, chân. Ban sởi có đặc điểm: đường kính 3 – 6 mm, màu hồng nhạt, dày, nổi ghồ trên da, căng da thì biến mất, có hình bản đồ và liên kết nhau thành từng mảng lớn. Trong giai đoạn này bệnh nhân có thể ho nhiều do viêm long đường hô hấp, tiêu lỏng nhiều do viêm long đường tiêu hóa.

     - Giai đoạn phục hồi: vào ngày thứ 6 của bệnh, ban sởi bắt đầu bay theo một trình từ nhất định như khi ban mọc, để lại các nốt thâm sẫm màu có tróc da mỏng, mịn kiểu bụi phấn hay vảy cám. Những chỗ da thâm của ban bay và chỗ da bình thường tạo nên màu da loang lổ gọi là dấu hiệu “vằn da hổ”, đó là dấu hiệu để truy tìm chẩn đoán. Toàn thân bệnh nhân hồi phục dần nếu không biến chứng. 

Thể sởi ác tính

     Các dấu hiệu ác tính thường xuất hiện nhanh chóng trong vài giờ trên những cơ địa quá mẫn, trẻ nhỏ dưới 6 tháng, suy dinh dưỡng, còi xương, bệnh lý bẩm sinh, suy giảm miễn dịch. . . với các triệu chứng sau: sốt cao 40 – 410C, li bì, vật vã, mê sảng, hôn mê, co giật, mạch nhanh, huyết áp tụt, thở nhanh, tím tái, nôn ói, tiêu lỏng, tiểu ít, xuất huyết dưới da hay phủ tạng. Bệnh rất nặng, tỉ lệ tử vong cao.

Các biến chứng của bệnh sởi  

     Trong giai đoạn khởi phát có thể có giả ho gà, gây cơn khó thở do co thắt thanh quản. Trong giai đoạn phục hồi, có thể bị bội nhiễm gây: viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, viêm màng não, viêm tủy, viêm ruột, cam tẩu mã, viêm mũi họng, viêm tai xương chũm, …  

Phân biệt bệnh sởi với các bệnh phát ban khác

     - Bệnh Rubella (hay bệnh sởi Đức): bệnh nhân sốt nhẹ, ít có triệu chứng viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa. Không có hạt Koplick. Ban dát sẩn dạng sởi nhưng thường nhỏ hơn, mọc thưa hơn và mọc sớm ngay từ ngày thứ 1 – 2, mọc cùng lúc, không theo trình tự như bệnh sởi và khi bay không để lại vết thâm, không có “vằn da hổ”. Kèm theo sưng hạch sau tai. 

     - Ban dị ứng (mề đay): Ban toàn thân không theo thứ tự, thường ngứa, có nguyên nhân dùng thuốc, thời tiết, thức ăn…

     - Sốt phát ban: trẻ sẽ phát ban sau khi giảm sốt. Ban có kích thước nhỏ 1-2 mm, nổi đồng loạt không theo trình tự như sởi, sau khi bay thường không để lại dấu tích gì.

Cách phòng bệnh

     Tiêm chủng vắc xin sởi cho trẻ 9 tháng tuổi là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh sởi.  Với dự báo dịch sởi sẽ bùng phát trong năm 2018 thì vacxin sởi được đề nghị tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. 

     Không cho trẻ tiếp xúc với nguồn lây. Nếu trẻ suy dinh dưỡng hoặc đang mắc một bệnh khác mà có tiếp xúc với trẻ bị sởi thì cho dùng Gramma globulin 40mg/kg để phòng bệnh khẩn cấp.

     Các biện pháp hỗ trợ khác, như: giữ ấm, vệ sinh thân thể, tăng cường dinh dưỡng.

TS.BS Nguyễn Trọng Nơi 

Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn