Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Những bác sĩ trẻ hết lòng vì người bệnh

Trong tâm trí nhiều người, bác sĩ giỏi thường là những người “có tuổi”.Tuy nhiên, càng ngày càng có nhiều bác sĩ trong độ tuổi 30 - 40 nhưng rất giỏi và nhất là đều hết lòng vì người bệnh

web.jpg
BS. Trần Minh Thành trao đổi với bệnh nhân trước ca can thiệp.
 

Không chùn bước trước những ca bệnh nặng

     Ra trường với tấm bằng khá của Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, BS. Trần Văn Thanh Phong, sinh năm 1984, quê ở Bến Tre, tiếp tục học chương trình đào tạo bác sĩ nội trú (một chương trình đào tạo đặc biệt dành cho các bác sĩ mới ra trường, tốt nghiệp loại khá trở lên và phải thi tuyển rất gắt gao) vào năm 2009. “Ngay năm nhất đại học, tôi đã xác định mục tiêu rõ ràng là phải thi vào bác sĩ nội trú. Học bác sĩ đã khó và cực nhưng học bác sĩ nội trú còn vất vả hơn nhiều.Nhưng niềm đam mê với nghề đã giúp tôi thấy mọi vất vả đều chấp nhận được”, BS.Phong kể.

     Khi tham gia chương trình đào tạo nội trú, BS.Phong đã gặp được nhiều ca bệnh hay, lạ và diễn tiến bệnh vô cùng nhanh.  Các bác sĩ trẻ phải học trên bệnh nhân cụ thể. Họ hầu như phải “ở lì” trong bệnh viện cả ngày lẫn đêm và đọc sách ngay tại chỗ, thậm chí là ngay giường bệnh nhân. Mọi vấn đề nào còn thắc mắc sẽ được các đàn anh, người thầy họ chỉ dẫn nên khả năng nhớ, kinh nghiệm cũng dần được tích lũy rất nhiều. Ở thời điểm này, BS.Phong luôn được tiếp xúc, chứng kiến nhiều ca bệnh nặng nhưng cách hành xử của một gia đình bệnh nhân đã khiến vị bác sĩ trẻ này nhớ mãi. BS. Phong nhớ lại: “Bệnh nhân nữ, mới hơn 30 tuổi, nhập viện trong tình trạng nặng do viêm cơ tim. Dù được cứu chữa tích cực, nhưng bệnh nhân vẫn tử vong. Lạ là dù bệnh nhân tử vong nhưng người nhà vẫn viết một bức thư rất dài cảm ơn các bác sĩ. Giá mà người nhà nào của bệnh nhân cũng có cách cư xử như vậy, sẽ là động lực để các bác sĩ trẻ cống hiến nhiều hơn”.

     3 năm sau khi kết thúc chương trình đào tạo bác sĩ nội trú với tấm bằng giỏi, năm 2012, BS.Phong đã chọn Bệnh viện ĐK Đồng Nai là nơi gắn bó. Thời điểm đó, BS. Phong mang kiến thức, kinh nghiệm về ngành nội tim mạch để phục vụ bệnh nhân. Đến năm 2015, Bệnh viện ĐK Đồng Nai đã triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch và BS. Phong trở thành Phó trưởng khoa này.Đến nay, bệnh viện đã điều trị cho khoảng 1.500 ca. Riêng bản thân của BS.Phong đã thực hiện 800 - 900 ca, trong đó có nhiều ca bệnh nặng. Điển hình, sau khoảng 2 tháng triển khai kỹ thuật này tại bệnh viện, có một bệnh nhân nam 45 tuổi, nhập viện trong tình trạng đã ngưng tim, ngưng thở. Sau khi hồi sức tích cực, tim của bệnh nhân đập trở lại và phát hiện bị nhồi máu cơ tim cấp và phải can thiệp. Người nhà đã xin chuyển bệnh viện do chưa thực sự tin tưởng. “Tôi đã phân tích với người nhà bệnh nhân rằng, trình độ chuyên môn của bệnh viện tuyến trên được 10 điểm, chúng tôi chỉ được 8 điểm. Nhưng để mất 2 tiếng chuyển viện, cơ hội sống của bệnh nhân cũng không còn dù bác sĩ có giỏi đến đâu. Cuối cùng, họ đồng ý điều trị tại BV. Đến nay, bệnh nhân đã hồi phục và tái khám thường xuyên tại bệnh viện”, BS.Phong chia sẻ.

     “Điều mà tôi lo ngại nhất hiện nay là khi vào viện, mọi biến cố hay tai biến trong bệnh viện đều bị đổ hết lên đầu nhân viên y tế. Chúng tôi rất hoang mang. Điều này vô tình gây áp lực và kéo theo sự chùn bước, không dám điều trị cho bệnh nhân ở một số bác sĩ trẻ. Tâm lý thông thường của các bác sĩ đều muốn chữa hết bệnh cho bệnh nhân, không ai muốn điều ngược lại. Chúng tôi cần sự tin tưởng và cảm thông từ người bệnh”, BS.Phong tâm sự.

Tâm huyết với nghề

     Mùng 2 Tết năm 2017, khi đang đón Tết với gia đình, BS. Trần Minh Thành - Phó khoa Can thiệp tim mạch, BVĐK Thống Nhất Đồng Nai nhận được điện thoại phải vào BV gấp để cứu một bệnh nhân rất nặng. Bệnh nhân là ông Nguyễn Phú Nam, sinh năm 1958, ngụ tại xã Xuân Thiện, huyện Xuân Lộc. Khi vào viện, ông Nam đã ngưng tim, ngưng thở, tím tái. Sau khi cấp cứu, bệnh nhân đã thở lại và được đưa lên làm can thiệp tim mạch. Tuy nhiên, trong suốt 1 giờ ở phòng thông tim, bệnh nhân nhiều lần ngưng tim, huyết áp tụt và chúng tôi phải sốc điện ngoài lồng ngực. Dù vậy, bệnh nhân vẫn được cứu sống. “Đây là một ca bệnh rất nặng. Ở thời điểm đó, kỹ thuật này vẫn rất mới mà chúng tôi vẫn quyết định chữa trị cho bệnh nhân là một cả một quyết định khó khăn. Nhưng chúng tôi không đành để bệnh nhân tử vong trên đường chuyển viện nên đã cố gắng hết sức”, BS.Thành kể.

     Năm 2003, BS.Trần Minh Thành (sinh năm 1977, sinh ra và lớn lên tại TP. Biên Hòa) đã về làm việc tại Bệnh viện ĐK Thống Nhất. Hiện nay, BS. Thành là Phó khoa Can thiệp tim mạch của bệnh viện và chịu trách nhiệm điều trị những ca bệnh khó. Ngay khi mới ra trường, BS.Thành đã làm việc tại khoa chuyên điều trị những ca bệnh nặng, thập tử nhất sinh (Hồi sức - tích cực). “Vừa mới ra trường, tôi đã làm việc tại môi trường mà sự sống và cái chết rất mong manh. Điều kiện làm việc rất áp lực nhưng là môi trường lý tưởng để học hỏi và nâng cao chuyên môn. Tôi gắn bó với môi trường này cũng được 7 năm”, BS.Thành cho hay. Sau đó, BS. Thành làm Phó trưởng khoa Nội tim mạch (2011 - 2015); từ năm 2015 đến nay là Phó trưởng khoa Can thiệp tim mạch. Ngay khi BV có chủ trương phát triển kỹ thuật can thiệp tim mạch, BS. Thành đã dành 2 năm (2008 - 2010) để đi học.“Lúc đó, tôi rất háo hức để đi học cái mới”, BS.Thành nhớ lại. 

     BS.Thành cho rằng, đối với anh, người thầy lớn nhất là bệnh nhân. Họ đã cụ thể hóa những lý thuyết đã học thành thực tế. Mỗi bệnh nhân đều cho anh một kinh nghiệm quý, đôi khi cũng phải trả giá. Ngoài ra, BS. Thành luôn ghi nhớ công ơn của người đã dẫn dắt, truyền kinh nghiệm cho mình là BS. Phạm Quang Huy (Trưởng khoa). “Suốt những năm tháng làm việc cùng thầy, hình ảnh thầy (BS.Huy) luôn nhẹ nhàng, rất nhiệt tình và chưa bao giờ từ chối giúp đỡ bệnh nhân đã khắc sâu trong tôi.Thầy giống như một tấm gương không chỉ về chuyên môn mà còn về đạo đức”, BS.Thành xúc động nói.

     Hiện nay, hệ thống y tế tư nhân luôn thu hút những bác sĩ giỏi với mức lương cao hơn nhiều lần so với bệnh viện công. Tuy nhiên, BS. Thành cho rằng, đối với bác sĩ, ngoài vấn đề thu nhập, các bác sĩ trẻ vẫn rất cần “được làm”. Mà những kỹ thuật cao, khó lại chỉ phát triển ở các bệnh viện công. Các bác sĩ trẻ vẫn muốn được cống hiến với sự “truyền lửa” của thế hệ đi trước.  Hơn nữa, mỗi lần chứng kiến và cứu sống bệnh nhân rất nặng, thậm chí đã chết lâm sàng (ngưng tim, ngưng thở) đã cho anh những bài học, cảm xúc đặc biệt. “Phải thức cả đêm hay đứng rất lâu trong phòng can thiệp tim, tập trung tinh thần cao độ để thực hiện kỹ thuật cứu bệnh nhân là chuyện thường ngày. Khi thấy bệnh nhân dần hồi phục và xuất viện, lần nào, tôi cũng có cảm giác hạnh phúc không thể tả nổi”, BS.Thành nói.

     BS. Phạm Quang Huy, Trưởng khoa Can thiệp tim mạch đánh giá, ngoài được đào tạo trong nước về kỹ thuật này tại BV Chợ Rẫy, BS. Thành còn được bệnh viện đưa đi tu nghiệp tại Thái Lan 6 tháng. “Hiện nay, BS.Thành chịu trách nhiệm các ca khó của khoa. Tôi hoàn toàn yên tâm về học trò của mình. Họ sẽ vượt xa thế hệ chúng tôi về mặt chuyên môn. Lớp bác sĩ trẻ hiện nay sẽ bị tác động bởi cơ chế thị trường nhưng vẫn còn nhiều người có tâm huyết với nghề”, BS.Huy nói.  

Bích Nhàn



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn