Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Hóc dị vật ở trẻ: Hậu quả khó lường

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết bệnh viện thường xuyên ghi nhận nhiều ca hóc dị vật ở trẻ nhỏ và để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Do đó, các bậc phụ huynh cần để ý trẻ nhiều hơn trong lúc chơi, lúc ăn uống để phòng ngừa trẻ hóc dị vật.

hai-cach-so-cuu-nhanh.jpg
 

Mất con do hóc dị vật

     Ngày 10-8, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã tiếp nhận và cấp cứu cho bé trai N.Đ.A. (6 tuổi, ngụ TP. Biên Hòa) bị ngưng tim, ngưng thở do hóc dị vật đường thở trong lúc ăn bún mọc. Bé Đ.A nhập viện vào lúc 8 giờ cùng ngày, trong tình trạng hôn mê sâu, chi lạnh, mạch và huyết áp bằng 0, đồng tử giãn, tim ngừng đập…

     Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết thời điểm nhập viện, bé Đ.A thiếu oxy não từ 20-30 phút, phổi bị tổn thương nặng, máu trào ra rất nhiều, dị vật lớn chiếm hoàn toàn đường thở khiến bé không thở được, từ đó làm cho bệnh diễn tiến nhanh hơn. 

     Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhi được cấp cứu khẩn cấp. Các bác sĩ nhanh chóng luồng ống nội khí quản vòng qua mép dị vật vào phổi để cung cấp khí ôxy cho não, tiến hành nâng huyết áp, nâng tim. Khi bệnh nhi ổn định hơn, các bác sĩ mới tiến hành gắp dị vật (viên mọc to bằng ngón tay cái) ra khỏi đường thở. Sau gần 1 ngày chữa trị tích cực, phổi của bé đã ổn định. Tuy nhiên, do bệnh nhi bị thiếu ô xy não trong thời gian quá dài, đến 0 giờ ngày 11-8, bé Đ. A. trở nặng, huyết áp tụt và rơi vào hôn mê sâu. Trước tình trạng đó, bé được gia đình xin đưa về nhà và tử vong sau đó.

     “Đây là 1 trong 2 ca hóc dị vật nặng nhất mà bệnh viện từng tiếp nhận và điều trị. Trước đó, vào năm 2017, bệnh viện cũng đã tiếp nhận 1 trường hợp trẻ bị hóc thạch rau câu và đã tử vong trên đường đến bệnh viện. Các loại hóc dị vật cũng rất đa dạng, tại bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những ca hóc dị vật như các loại hạt trái cây sapôchê, mãng cầu…; các loại quả có cấu tạo hình tròn như nho, nhãn; các loại hạt (đậu, đậu phộng, hạt bí…); thạch rau câu, trân châu, cháo, sữa; đồng xu, đinh ốc…”, bác sĩ Nghĩa cho biết. 

     Cũng theo bác sĩ Nghĩa, hóc dị vật thường để lại hậu quả nặng nề, với trẻ bị thiếu ôxy não khi hóc dị vật trên 10 phút sẽ để lại nhiều di chứng như yếu, liệt chi, phát triển chậm và nặng nhất là tử vong.

Phòng tránh hóc dị vật ở trẻ 

     Bác sĩ Nghĩa cho hay, khi không may bị hóc dị vật cần sơ cấp cứu kịp thời, hạn chế tối đa thời gian trẻ bị thiếu ô xy não. Đối với trẻ nhỏ sặc sữa hoặc cháo nên dùng biện pháp vỗ lưng ấn ngực, để tống cháo, sữa ra ngoài. Đối với trẻ lớn thì nên dùng biện pháp Heimlich để cấp cứu. Cụ thể, người nhà đứng đằng sau trẻ, 2 tay vòng về phía trước bụng trẻ. Một tay nắm lại đặt sát trên rốn trẻ, tay còn lại nắm lấy tay kia, dùng lực mạnh đẩy theo hướng từ dưới lên để dị vật thoát ra ngoài. Nếu dị vật không thể thoát ra ngoài, cần hà hơi thổi ngạt, ấn ngực liên tục cho đến khi đưa trẻ vào bệnh viện.

     Để tránh cho trẻ bị hóc dị vật, phụ huynh không nên cho trẻ ăn các thức ăn quá tròn và trơn, nhất là không được nói chuyện, cười đùa trong lúc ăn nhằm tránh cho trẻ bị hóc dị vật. Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ hóc, không nên hoảng hốt, la mắng trẻ vì làm như vậy khiến trẻ sợ hãi càng dễ bị hóc. Không cho trẻ dưới 4 tuổi chơi các đồ chơi có kích thước và nhiều chi tiết nhỏ, các đồ chơi trẻ có thể nắm vừa trong lòng bàn tay. Không để các vật dụng nhỏ như đinh ốc, hạt cườm, thuốc... trong tầm với của trẻ. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ bị hóc dị vật đường thở cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu lấy dị vật ra ngoài. 

Gia Nhi



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn