Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Phòng chống bệnh dại - cần sự chung tay của cộng đồng

Những năm gần đây, bệnh dại trên người và động vật ở nước ta diễn biến phức tạp. Mỗi năm có khoảng 400 nghìn người bị chó cắn phải đi tiêm phòng và có hàng chục người tử vong vì bệnh dại.

     Các trường hợp tử vong vì bệnh dại đều do không đi tiêm phòng vắcxin và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn, nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắcxin cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về cách phòng chống bệnh dại.

Mắc bệnh dại nguy hiểm thế nào?

     ThS.BS Trần Minh Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virút dại có tên khoa học Rhabdovirus gây nên. Động vật bị bệnh dại truyền virút dại sang người qua vết cắn, vết cào, vết xước trên da và niêm mạc bị tổn thương do tiếp xúc trực tiếp với nước dãi từ vật nuôi bị bệnh dại. Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, vi rút nhân lên và di chuyển dọc theo các dây thần kinh tiến tới tủy sống và não phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động ở người bệnh. Người bị bệnh dại có những biểu hiện kích động như sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng; hoặc có trường hợp bị liệt dẫn tới hôn mê. Người bệnh thường tử vong sau 7-10 ngày.

     Diễn biến từ khi bị chó dại cắn thường có 2 thời kỳ: 

      - Thời kỳ đầu: khoảng 1-4 ngày, biểu hiện kín đáo và thất thường như sốt, đau đầu, mất ngủ, có cảm giác ngứa, kiến bò chỗ vết cắn; lo âu, căng thẳng.

     - Thời kỳ toàn phát: lúc này người bệnh đau nhức đầu nhiều, buồn nôn, chóng mặt, lo âu cực độ, trạng thái kích thích và tăng cảm giác biểu hiện là sợ nước, sợ gió, ánh sáng, mùi lạ. Ngoài ra còn có các biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, nước mắt, vã mồ hôi, hạ huyết áp…

     Người bệnh thường tử vong trong vòng vài ngày sau khi lên cơn dại. Ở giai đoạn này, người bệnh chỉ thoáng nhìn thấy hình ảnh nước đã có thể gây co thắt ở cổ và họng.

Tiêm phòng mới ngăn ngừa được bệnh dại

     Theo ThS.BS Trần Minh Hòa đến nay bệnh dại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó biện pháp hữu hiệu là thực hiện kiểm soát và dự phòng loại trừ bệnh dại ở động vật lẫn con người. Cụ thể là triển khai quản lý vật nuôi, tiêm vắcxin phòng ngừa và huyết thanh kháng dại cho vật nuôi càng sớm càng có hiệu quả.

     Trong trường hợp người bị vật nuôi (chó, mèo) nghi dại cắn, cào thì phải sơ cứu rửa ngay vết thương bị cắn bằng cách: xối rửa kỹ tất cả các vết cắn, cào với nước và xà phòng hoặc nước sạch trong vòng 10-15 phút (tốt nhất là rửa dưới vòi nước chảy); rửa lại bằng cồn hoặc cồn I-ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Sau đó đến ngay cơ sở y tế khám, tiêm ngừa bệnh dại và tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ. “Tuyệt đối không được tự ý chữa trị khi bị súc vật nghi dại cắn/cào, vì nếu điều trị không đúng mà để phát bệnh dại thì 100% tử vong”, bác sĩ Hòa khuyến cáo.

     Hiện nay Việt Nam đã nhập vắc xin phòng dại cho người thế hệ mới rất an toàn và hiệu quả, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe cho người sử dụng. Vắc xin phòng dại cho người được chỉ định cho hầu hết mọi người.

     Trong thời gian tiêm phòng dại (điều trị dự phòng bệnh dại) không được sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch như các thuốc dạng steroids, chloroquine (thuốc chống sốt rét) và các thuốc điều trị ung thư.

     Không hạn chế chế độ ăn hay loại thức ăn nào trong đợt điều trị bằng vắc xin.

Cùng nhau phòng chống bệnh dại

     Để phòng chống bệnh dại, tất cả các tổ chức, cá nhân nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển kinh doanh chó mèo, từng thôn xóm, xã, phường thực hiện tốt các biện pháp quản lý và phòng bệnh trên đàn chó nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y, cam kết thực hiện 5 không: Không nuôi chó, mèo không tiêm phòng dại; không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương; không nuôi chó thả rông; không để chó cắn người; không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường.

     Những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi rút dại hoặc nghi mắc bệnh dại cần thực hiện điều trị dự phòng bằng vắc xin, huyết thanh kháng dại theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

     Các hộ gia đình cần phối hợp cơ quan thú ý, chính quyền địa phương diệt ngay động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc bệnh dại trong khu ổ dịch. Thực hiện tiêu hủy động vật bị mắc bệnh hoặc chết vì bệnh dại, vệ sinh, khử trùng tiêu độc vùng ổ dịch.  

     Tất cả chó, mèo trong vùng dịch phải được nhốt, cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh dại. Không được vận chuyển đưa chó mèo ra, vào vùng có dịch. Những người trực tiếp làm vệ sinh, khử trùng tiêu độc phải thực hiện đầy đủ biện pháp phòng hộ theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Hoài An (ghi)



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn