Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam

Việt Nam hiện là một trong những nước mua, bán kháng sinh dễ dàng nhất mà không cần đơn của bác sĩ, điều này đã và đang để lại những hệ lụy cho sức khỏe người dân.

khang sinh.jpg
 

     Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Nguyên nhân chính là do lạm dụng kháng sinh: 88% kháng sinh tại thành thị được bán ra mà không cần kê đơn, ở nông thôn là 91%.

Thực trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam 

     Tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam ngày càng gia tăng khi xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại thuốc. Tại các tỉnh phía Nam, tỉ lệ Escherichia coli kháng kháng sinh là 74,6%; tỉ lệ kháng của vi khuẩn klebsiella pneumonia là gần 60%; vi khuẩn Acinetobacter baumannii (gây nhiễm khuẩn bệnh viện) có tỉ lệ kháng với hầu hết các loại kháng sinh là trên 90%. Với nhóm kháng sinh Carbapenem (nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay) cũng có tỉ lệ kháng lên tới 50%, đặc biệt là các vi khuẩn gram âm mang gen kháng thuốc như Beta lactamase.

     Việc các bác sĩ sử dụng kháng sinh không hợp lý cũng được cảnh báo dẫn đến kháng kháng sinh như: sử dụng kháng sinh cho các bệnh nhân không nhiễm khuẩn; sử dụng kháng sinh kéo dài và không cần thiết,...

     Ở trẻ nhỏ, tình trạng kháng kháng sinh cũng vô cùng nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân làm trẻ có vi khuẩn kháng thuốc là do nhiều trẻ được các ông bố bà mẹ áp dụng phương pháp hỏi “bác sĩ google” rồi tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị với liều lượng kháng sinh không hợp lý. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ, việc lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của trẻ. 

     Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng thuốc, không đến khám bác sĩ mà tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc về điều trị, mua thuốc theo đơn của người khác hoặc nghe theo sự mách bảo của người khác,… cũng góp phần làm gia tăng số lượng và mức độ các trường hợp kháng thuốc. 

Hậu quả của tình trạng kháng kháng sinh

     Hậu quả của việc lạm dụng thuốc dẫn đến kháng thuốc làm cho thời gian điều trị bệnh kéo dài, kéo theo sử dụng nhiều kháng sinh, ảnh hưởng đến kinh tế, giá thành điều trị tăng cao; đặc biệt, nhiều vi khuẩn đa kháng thuốc còn làm tăng nguy cơ tử vong, nhất là với nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn. 

     Dự báo đến năm 2050, chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu lên tới 100 nghìn tỷ đô la Mỹ và gây ra khoảng 10 triệu trường hợp tử vong thêm trong mỗi năm. 

Chiến lược phòng ngừa kháng kháng sinh

     Vào năm 2014, WHO tuyên bố: 

    * Mọi người có thể giúp giải quyết vấn đề kháng thuốc bằng cách:

     - Chỉ sử dụng kháng sinh khi được bác sĩ kê toa.

     - Sử dụng thuốc kháng sinh đúng và đủ liều, ngay cả khi họ cảm thấy tốt hơn.

     - Không bao giờ chia sẻ kháng sinh với người khác hoặc sử dụng các toa thuốc còn sót lại.

     - Uống thuốc đúng liều lượng bác sĩ đã kê, không bỏ dở thuốc đang uống khi cho là mình đã hết bệnh.

     * Đối với nhân viên y tế và dược sĩ:

     - Tăng cường công tác phòng, chống nhiễm khuẩn.

    - Chỉ kê toa và phân phát kháng sinh khi chúng thực sự cần thiết.

     - Kê toa và phân phát thuốc kháng sinh phải để điều trị bệnh.

      * Đối với các nhà hoạch định chính sách và ngành công nghiệp: 

     - Tăng cường khả năng theo dõi và khả năng phòng thí nghiệm.

     - Điều chỉnh và thúc đẩy việc sử dụng thuốc hợp lý.

     - Thúc đẩy đổi mới, nghiên cứu và phát triển các công cụ mới.

     - Thúc đẩy hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan.

 TS-BS. Nguyễn Trọng Nơi



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn