Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Phòng và điều trị bệnh hen ở trẻ em

Hen phế quản (suyễn) là bệnh hô hấp mạn tính thường gặp nhất ở trẻ em, tỉ lệ trẻ em mắc bệnh hen cao gấp đôi người lớn (10% so với 5%). Hen là bệnh có tính chất gia đình, di truyền và hoàn toàn không phải là bệnh lây lan, truyền nhiễm.

​     Thực tế giữa hen và dị ứng có mối quan hệ mật thiết với nhau: 60% bệnh nhân hen do dị ứng hoặc sốt gây ra. Trẻ em bị các loại dị ứng trong thời kỳ sơ sinh như chàm hay dị ứng thức ăn thường mang nguy cơ cao mắc bệnh hen. Viêm đường hô hấp trên hoặc không khí lạnh chính là nguyên nhân làm bộc phát các cơn hen. 

Chẩn đoán bệnh hen ở trẻ em 

     Chẩn đoán thường dễ dàng khi trẻ đang lên cơn ho, có cảm giác nặng ngực, thở khò khè, khó thở (thở nhanh, thở co kéo lồng ngực, co kéo cơ vùng cổ, cánh mũi phập phồng,…). Cần nghi ngờ trẻ mắc bệnh hen khi trẻ bị ho tái đi tái laị nhiều lần (đặc biệt là ho về đêm), khò khè, khó thở xuất hiện hay nặng hơn khi trẻ tiếp xúc với các yếu tố khởi phát (khi thay đổi thời tiết, khi trẻ gắng sức, hay khi ăn một thức ăn nào đó,...). Có khi trẻ mắc bệnh hen chỉ biểu hiện bằng những cơn ho về đêm mà không hề có triệu chứng gợi ý nào khác và ban ngày trẻ lại hoàn toàn bình thường. Một số nhà chuyên môn thường goị đây là “hen dạng ho” – một thể khá đặc biệt của bệnh và thường bị bỏ sót. Ở trẻ dưới 2 tuổi, cần nghĩ đến hen khi trẻ bị khò khè tái phát ít nhất 3 lần ngay cả khi trong gia đình không có ai bị hen, dị ứng.  

    Trong một số trường hợp nghiêm trọng, hen có thể khiến bé khó thở. Bố mẹ nên gọi cấp cứu ngay nếu trẻ có những dấu hiệu sau: khó thở, môi hoặc móng tay tím tái, trẻ gặp rắc rối trong việc hít thở, các vùng dưới xương sườn, giữa xương sườn và trong cổ rút lại khi trẻ hít thở.

Điều trị bệnh hen ở trẻ em 

     Mục tiêu của việc điều trị hen là giúp trẻ loại bỏ những triệu chứng cản trở việc thở để trẻ có thể tham gia tất cả hoạt động thể chất dễ dàng mà không cần lo lắng quá nhiều về sức khỏe. Các thuốc điều trị gồm: 

    - Thuốc có tác dụng nhanh sử dụng mỗi khi lên cơn: Albuterol là loại thuốc phổ biến giúp làm giảm triệu chứng hen. Loại thuốc này có thể được sử dụng dưới dạng uống. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt nhất, bạn nên cho trẻ sử dụng thuốc thông qua máy xông khí dung hoặc ống hít cầm tay. Thuốc albuterol có tác dụng giúp mở phổi và giảm co thắt dường dẫn khí để trẻ có thể dễ dàng hấp thu nhiều khí hơn. Nếu cơn hen đặc biệt nghiêm trọng, bạn nên cho trẻ sử dụng loại thuốc khác như corticosteroid (dạng uống hoặc tiêm thuốc vào tĩnh mạch  

    - Thuốc ngăn ngừa các kích ứng và viêm nhiễm đường dẫn khí lâu dài: là loại thuốc dự phòng có vai trò quan trọng trong việc giúp phổi tránh khỏi tổn thương và viêm sưng. Hai loại thuốc được sử dụng ở trẻ em là cromolyn sodium và corticosteroid dạng hít. Để chúng phát huy tác dụng, bạn nên cho trẻ sử dụng mỗi ngày bất kể trẻ có bộc phát các triệu chứng bệnh hay không. Cromolyn sodium thường phát huy tác dụng sau 4 tuần sử dụng và corticosteroid là sau 2 tuần. Nếu trẻ mắc bệnh hen nghiêm trọng, bạn cần cho trẻ sử dụng corticosteroid dưới dạng hơi. Chúng sẽ đi trực tiếp đến phổi của trẻ và có ít tác dụng phụ hơn thuốc dạng viên hoặc lỏng.

Phòng ngừa hen ở trẻ em 

     Phòng ngừa hen sẽ giúp cho trẻ giảm hoặc không còn lên cơn hen, trẻ có thể sinh hoạt – học tập - vui chơi bình thường. Để phòng ngừa hen cần tránh xa những nguyên nhân khởi phát cơn hen và sử dụng thuốc phòng ngừa lâu dài. 

     - Tránh những nguyên nhân có thể làm khởi phát cơn hen: không nuôi thú vật (chó, mèo,…) trong nhà, không hút thuốc lá trong nhà và ở nơi gần trẻ, không để những chất nặng mùi trong nhà, tránh dùng các loại thuốc xịt (như nước hoa xịt phòng , thuốc xịt muỗi, côn trùng), tránh nhang khói. Nơi ngủ của trẻ cần được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, không nên trải thảm. Thường xuyên giặt khăn trải giường và chăn mền bằng nước nóng, phơi khô ngoài nắng. Không nên cho trẻ chơi thú nhồi bông cũng như không cho thú vật vào nơi trẻ ngủ. Dùng cửa sổ (đóng hay mở) để duy trì không khí sạch và trong lành. 

     - Sử dụng thuốc phòng ngừa lâu dài: 2 loại thuốc được sử dụng ở trẻ em là cromolyn sodium và corticosteroid dạng hít. Thời gian dùng thuốc phải đủ dài (thường nhiều tháng) để có đủ khả năng cải thiện được tình trạng viêm đường thở. Cần phải tuân thủ đúng hướng dẫn của thầy thuốc, tái khám đúng hẹn và không bao giờ được tự ý ngưng thuốc ngay cả khi trẻ có vẻ đã tốt hơn. 

Phòng ngừa ban đầu hen phế quản 

     Phòng ngừa ban đầu là phòng ngừa sự khởi phát bệnh. Một cách tổng quát, hen được cho là một bệnh lý đa dạng, sự bắt đầu và kéo dài của bệnh là do các tương tác gen - môi trường. Tương tác quan trọng nhất trong số này có thể xảy ra lúc đầu đời và thậm chí trong tử cung. Dữ liệu ủng hộ vai trò của các yếu tố nguy cơ môi trường đối với sự phát triển hen ở trẻ em tập trung vào: dinh dưỡng, dị nguyên, chất ô nhiễm, vi khuẩn và các yếu tố tâm lý – xã hội.

     - Dinh dưỡng: nuôi con bằng sữa mẹ, cung cấp Vitamin D qua thức ăn. Một nghiên cứu dịch tễ học khác gợi ý việc cung cấp không đầy đủ các chất dinh dưỡng như kẽm, vitamin A, C, D, E, chế độ ăn ít rau và trái cây thường liên quan đến sự phát triển hen và dị ứng ở trẻ.  

     - Chất ô nhiễm: mẹ hút thuốc lá trong thai kỳ là đường trực tiếp nhất của phơi nhiễm khói thuốc lá môi trường trước sinh. Hít khói thuốc lá thụ động từ cha hoặc những người sống trong gia đình ở giai đoạn trước và sau sinh có liên quan tới hen. Ngày nay tần suất hen ngày càng gia tăng, đặc biệt ở trẻ em do quá trình thay đổi khí hậu toàn cầu, quá trình đô thị hoá gây ô nhiễm môi trường.

    - Tác dụng vi sinh: những trẻ được nuôi ở trang trại, tiếp xúc với chuồng ngựa  và uống sữa tươi có nguy cơ hen thấp hơn. Phơi nhiễm ở trẻ đối với vi khuẩn âm đạo của mẹ lúc sinh qua ngã âm đạo cũng có thể có lợi. Tỉ lệ mắc bệnh hen ở trẻ sinh mổ cao hơn so với trẻ sinh qua ngã âm đạo. 

    - Thuốc: việc sử dụng kháng sinh lúc mang thai, sử dụng thuốc giảm đau, paracetamol. Việc thai phụ sử dụng thuốc này thường xuyên đi cùng với hen ở con cái của họ.

     Yếu tố tâm lý: tình trạng căng thẳng trong suốt những năm đầu đời và trước đó của trẻ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển hen.  

​TS.BS Nguyễn Trọng Nơi - Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn