Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Áp dụng thành công kỹ thuật Maze chữa bệnh tim

Rung nhĩ hay rối loạn nhịp tim là bệnh khó chữa. Thế nhưng mới đây, Bệnh viện ĐK Thống Nhất Đồng Nai đã áp dụng thành công kỹ thuật Maze (dùng nguồn năng lượng như siêu âm, laze… để cắt và khâu tâm nhĩ) cứu sống 3 trường hợp mắc bệnh. Sau mổ, các bệnh nhân đều hồi phục tốt, trở lại cuộc sống bình thường.

kt maze.jpg
 ​Bệnh nhân tái khám sau ca mổ van tim và rung nhĩ

Dễ tử vong khi tim đập loạn nhịp 

     Bà Ðinh Thị Quý, 43 tuổi, ngụ tại xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu bị hẹp hở van tim 2 lá và rung nhĩ. Suốt nhiều năm, bà Quý sống trong cảnh thường xuyên mệt mỏi, không làm được việc nặng, thỉnh thoảng lại xuất hiện cơn khó thở. Gần đây, bà Quý đã phải nhập viện cấp cứu và rơi vào cơn nhịp nhanh, rối loạn nhịp tim. Khi siêu âm tim, bác sĩ phát hiện bà Quý bị hẹp van 2, còn rối loạn nhịp là hậu quả của bệnh tim này. Rối loạn nhịp tim nếu không phẫu thuật sẽ khiến cho bệnh nhân bị suy tim tiến triển, rơi vào nhịp nhanh, tạo huyết khối trong tim có thể gây đột quỵ não, hoặc nhồi máu thận, chân… tùy thuộc vào vị trí cục máu này rớt vào đâu. Trước tình trạng của bà Quý, các bác sĩ phải điều trị nội khoa ổn định, sau 2 tuần mới mổ để giải quyết cả vấn đề tim 2 lá và cắt đốt rung nhĩ bằng phương pháp Maze.

     Trước đó, chị Bùi Thị Thảo, 40 tuổi ngụ tại TP. Biên Hòa cũng đã được các bác sĩ Bệnh viện ÐK Thống Nhất điều trị rung nhĩ bằng phương pháp tương tự. Từ năm 20 tuổi, chị Thảo đã được phát hiện bị bệnh tim bẩm sinh hẹp van 2 lá. 13 năm trước, chị Thảo đã phẫu thuật nong van 2 lá bằng can thiệp tim mạch. Theo tiến trình, van 2 lá hẹp lại và 4 năm nay, chị Thảo bắt đầu thấy những cơn mệt, khó thở trở lại và tăng dần. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị chứng “trống ngực”, không làm việc được do cơn trống ngực gây hồi hộp. Ban đêm, chị Thảo cũng phải tự theo dõi nhịp tim của mình. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật để sửa van tim và chữa rung nhĩ. “Ðây là bệnh nhân đầu tiên chúng tôi sử dụng phẫu thuật Maze. Khi mổ cho bệnh nhân Thảo, chúng tôi phải tính toán các giải pháp tốt nhất cho cuộc sống sau này của bệnh nhân, nhất là khi bệnh nhân còn trẻ, muốn lập gia đình, sinh con”, BS. Ðỗ Trung Dũng, Phó khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện ĐK Thống Nhất, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân chia sẻ.

Đưa nhịp đập tim trở về bình thường

     Phẫu thuật Maze thực hiện trên nguyên tắc tạo những đường rạch xung quanh các tĩnh mạch phổi của tim và rạch nhiều đường ở tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải nhằm làm gián đoạn các xung điện gây ra rung nhĩ. Trước đây, các bác sĩ sử dụng phương pháp “cắt và khâu” khiến thời gian phẫu thuật kéo dài, nguy cơ chảy máu nhiều. Hiện nay, việc áp dụng các nguồn năng lượng (sóng siêu âm, laser, nhiệt lạnh, phổ biến nhất là sóng cao tần...) có tính an toàn và hiệu quả cao thay thế cho việc “cắt - khâu” đã giúp phẫu thuật Maze trở nên thuận lợi, hiệu quả hơn. Tỷ lệ thành công của kỹ thuật Maze tại Bệnh viện ĐK Thống Nhất Ðồng Nai là 84%. 

     Theo BS. Dũng, phẫu thuật Maze là kỹ thuật khó và không phải ai cũng thành công. Bác sĩ thực hiện kỹ thuật này phải đối mặt với rất nhiều thử thách. “Chúng tôi phải đọc rất nhiều y văn về phẫu thuật này. Chỉ khi hiểu, nắm được kỹ thuật này mới mong mang lại thành công cho bệnh nhân”, BS. Dũng cho hay. Áp dụng phương pháp này, các bác sĩ phải lựa chọn kỹ bệnh nhân bởi không phải bệnh nhân bị rung nhĩ nào cũng có thể áp dụng. Theo đó, khi siêu âm tim, thành quả tim mỏng sẽ không thực hiện được kỹ thuật này.

     Theo các bác sĩ, ca mổ tim mất khoảng 4 tiếng nhưng thời gian căng thẳng là khoảng tim ngừng đập (khoảng 1 - 1,5 tiếng). Nếu chỉ mổ van 2 lá, bệnh nhân phải ngưng tim trong 1 tiếng. Nhưng làm thêm kỹ thuật này, bệnh nhân phải ngưng tim thêm 30 phút. Càng kéo dài ca mổ, ngưng tim lâu sẽ khiến bệnh nhân đối mặt với nhiều nguy cơ sau mổ do tim đập lại sau mổ rất yếu ớt nếu ngưng quá lâu. “Sau khi thực hiện kỹ thuật Maze, bệnh nhân sẽ bị suy tim nhiều hơn bệnh nhân khác, bác sĩ phải theo dõi rất kỹ triệu chứng suy tim. Ngoài ra, nhịp tim của bệnh nhân sẽ rất thấp (có khi chỉ 30 lần/phút), chúng tôi phải đặt điện cực lâu hơn. Việc sử dụng thuốc cũng khó khăn sau mổ, bác sĩ phải rất căng thẳng để đưa ra y lệnh”, BS. Dũng cho biết.

     Tuy nhiên, 3 ca mổ được các bác sĩ sử dụng kỹ thuật Maze tại Bệnh viện ĐK Thống Nhất đều phục hồi tốt. Sau khi mổ, các bác sĩ đã tái khám và theo dõi sát tình trạng của bệnh nhân cho thấy nhịp đập của tim đã trở lại bình thường.

Tình trạng rối loạn nhịp tim thường gặp nhất

     Rung nhĩ là tình trạng rối loạn nhịp tim thường gặp nhất, chiếm tỷ lệ 0,4- 2% dân số, khoảng 5% bệnh nhân trên 69 tuổi. Rung nhĩ là tình trạng buồng nhĩ đập không đều và hỗn loạn, không đồng bộ với nhịp đập của hai buồng thất, có thể tạm thời, thoáng qua rồi hết, có thể là mãn tính.

     Nguyên nhân gây rung nhĩ có thể do lớn tuổi (là nguyên nhân phổ biến nhất), mắc bệnh tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, bệnh van tim (thường nhất là do bệnh hẹp van hai lá), sau phẫu thuật tim… Để xác định rung nhĩ, bác sĩ đo điện tim và đôi khi sử dụng điện tâm đồ nhật ký nếu cần thiết.

     Rung nhĩ thường làm cho nhịp tim không đều và nhanh khiến tim bơm máu không hiệu quả ở mỗi nhịp đập. Rung nhĩ có thể đưa đến một số biến chứng nguy hiểm, nhất là tai biến mạch máu não và suy tim.

Khánh Ngọc



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn