Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Mùa mưa, “mùa” của sốt xuất huyết

Mùa mưa, dịch sốt xuất huyết (SXH) có xu hướng gia tăng ở nhiều tỉnh, thành phía Nam. Tại Đồng Nai ghi nhận bệnh SXH qua các tuần đều tăng, người dân cần tích cực phòng chống, không xem thường, không chủ quan với bệnh.

TUYENTRUYENSXH.jpg
Cộng tác viên y tế tuyên truyền cho người dân về cách phòng chống SXH
 

Nguyên nhân gia tăng bệnh SXH

     SXH là bệnh nhiễm trùng cấp tính, có quanh năm. Tuy vậy, vào mùa mưa nó có khả năng lây lan nhanh và bùng phát thành dịch. Ở các tỉnh phía Nam là vùng lưu hành dịch bệnh SXH cho nên virut Dengue gây bệnh SXH lúc nào cũng có. Vào mùa mưa, muỗi truyền bệnh SXH (muỗi vằn) có khả năng phát triển mạnh, nhất là vào thời gian từ tháng 6 - 11 do nhiệt độ, môi trường, độ ẩm thích hợp cho sự phát triển của chúng. Theo nhận định của các nhà chuyên môn thì dịch SXH thường phát triển theo chu kỳ, cứ 3-4 năm lại có một lần dịch bùng phát.  

     Lý do làm cho dịch SXH gia tăng mạnh là vì mùa mưa, muỗi có điều kiện đẻ trứng và thời tiết cũng rất thuận lợi để trứng muỗi phát triển thành lăng quăng. Theo Cục Y tế dự phòng thì để phòng ngừa bệnh SXH vẫn chưa có biện pháp gì mới, chủ yếu là phun thuốc diệt muỗi khi phát hiện ổ dịch và tuyên truyền, vận động người dân diệt lăng quăng, diệt muỗi. Tuy nhiên, cho dù tuyên truyền mạnh mẽ nhưng ý thức của người dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là xem thường bệnh SXH. Nhiều nơi không thường xuyên phát quang bụi rậm hoặc không khơi thông cống rãnh, các vũng nước quanh nhà, ao tù, nước đọng, các vật dụng ứ đọng nước mưa (lốp xe hỏng, vỏ dừa...), không đậy nắp bể nước nên lăng quăng vẫn phát triển. Việc chống muỗi đốt (nằm màn) vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để. Đối với tác nhân gây bệnh (virut Dengue) cũng làm cho việc phòng, chống bệnh khó khăn thêm. Ngoài ra, hiện chưa có vắc xin phòng chống SXH nên đây cũng lý do gia tăng ca bệnh mắc SXH.

Sự nguy hiểm của bệnh SXH  

     Bệnh SXH ngày nay được xem là bệnh nguy hiểm vì vừa mang tính cấp tính vừa mang tính truyền nhiễm (bệnh dịch). Đi cùng với sự biến đổi khí hậu, dịch sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp tại khu vực phía Nam trong 3 tháng đầu năm 2019. 

     Theo báo cáo của 20 tỉnh thành của khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng, đến hết tuần thứ 12 năm 2019, số ca mắc SXH được ghi nhận tăng cả số lượng mắc và tử vong. Theo đó, có tổng cộng 27.159 trường hợp mắc SXH, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Như vậy, số ca mắc tăng 319,3% so với cùng kỳ năm 2018 (6.476 ca), tăng 2 trường hợp tử vong so với cùng kỳ năm 2018 (2 trường hợp). 

     Trước đây, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đây là bệnh của trẻ em, bởi vì 90% các trường hợp mắc SXH xảy ra ở trẻ dưới 15 tuổi và thường mang tính chu kỳ. Tuy vậy, ở Việt Nam trong những năm gần đây, tình hình SXH diễn biến rất phức tạp, không những ở trẻ em mà người lớn cũng mắc, với tỷ lệ gần tương đương nhau. Đặc biệt, bệnh không diễn tiến theo chu kỳ, gần như số ca mắc ngày càng tăng và diễn tiến theo chiều hướng phức tạp. SXH là nguyên nhân làm cho khoảng 100 ngàn trường hợp phải nhập viện mỗi năm. SXH cũng đã được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia và các ngành chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống. Sự nguy hiểm của bệnh SXH còn có lý do là diễn biến lâm sàng của bệnh rất phức tạp, nhất là trẻ nhỏ, đặc biệt trong những ngày đầu của bệnh. Một số trường hợp bị xuất huyết dưới da không điển hình rất dễ nhầm với sốt phát ban hoặc có trường hợp trẻ sốt 5 ngày không có biểu hiện gì đáng kể, nhưng vài ngày sau đó thấy chảy máu trong hoặc men gan tăng rất cao (chứng tỏ tế bào gan bị hủy hoại nhiều) hoặc viêm cơ tim cấp...  

Nguyên tắc phòng SXH 

     Trước hết cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền cho người dân biết tác hại và các biện pháp phòng SXH để họ hiểu, không còn chủ quan, xem thường và tích cực phòng chống. Bởi vì việc phòng chống dịch SXH là công việc của toàn dân, không riêng gì một ngành nào, cấp nào, nếu người dân còn chủ quan, lơ là hoặc chưa hiểu hết mối nguy hiểm của dịch bệnh SXH thì rất khó cho việc khống chế, dập tắt dịch. Diệt muỗi, lăng quăng bằng mọi biện pháp và nằm màn khi đi ngủ (cả ban ngày và ban đêm) là 3 biện pháp cần đặc biệt quan tâm hàng đầu trong việc chống dịch SXH.

BS. Đồng Minh Hùng



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn