Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Trạm y tế xã Hóa An: Góp phần nâng cao chất lượng dân số

Trong những năm gần đây, Trạm Y tế xã Hóa An, TP. Biên Hòa đã có nhiều nỗ lực trong công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), qua đó làm thay đổi nhận thức người dân, góp phần nâng cao chất lượng dân số toàn xã.

HoaAn.jpg
Cán bộ chuyên trách dân số của trạm đang tư vấn về các chế độ ăn uống và khám thai định kỳ cho phụ nữ mang thai.
 

Hiệu quả từ mô hình “Câu lạc bộ không sinh con thứ 3”

Với mục tiêu giảm sinh con thứ 3 và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, trong những năm qua, trạm phối hợp với UBND xã, Hội phụ nữ xã, ấp và các cộng tác viên (CTV) dân số đến từng hộ gia đình có ý định sinh con thứ 3 để tuyên truyền, vận động tham gia vào Câu lạc bộ (CLB) không sinh con thứ 3. Mục đích giúp họ thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, tập trung nuôi dạy con cái thật tốt, xóa đói giảm nghèo để phát triển kinh tế.

CLB không sinh con thứ 3 được thành lập năm 2009, đến nay thu hút 25 hội viên tham gia sinh họat. CLB sinh hoạt mỗi tháng một lần, với những nội dung rất phong phú và đa dạng như: cách thức sử dụng các biện pháp tránh thai; phòng, chống HIV/AIDS; kỹ năng nuôi con khỏe, dạy con ngoan; Pháp lệnh dân số; Luật hôn nhân, gia đình; Luật bình đẳng giới... Nhờ vậy, có nhiều cặp vợ chồng đã tự nguyện thực hiện tốt các chính sách về DS-KHHGĐ, nhiều cặp vợ chồng sinh con một bề là gái cam kết không sinh thêm con. 

Điển hình như gia đình chị Trần Thị H. (37 tuổi, ở ấp Cầu Hang, xã Hóa An), mặc dù chồng của chị H. là con trai trưởng trong gia đình, nhưng khi vợ chồng chị H. sinh được hai người con gái, chồng chị H. vẫn quyết định dừng lại không sinh thêm. “Gái hay trai không quan trọng, quan trọng là vợ chồng có sức khỏe để chăm lo, nuôi dạy con cái tốt hơn và có điều kiện phát triển kinh tế”, chị H. nói.

Bên cạnh việc nâng cao kiến thức về việc sinh đẻ có kế hoạch, CLB còn giúp các hội viên làm kinh tế. Nếu gia đình hội viên nào có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo đều được đưa vào chính sách hỗ trợ từ UBND và Hội phụ nữ xã. Cụ thể, thông qua Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (Quỹ trợ vốn CEP) cho những gia đình khó khăn trên địa bàn xã được hỗ trợ vay vốn để làm ăn, tăng thu nhập cho gia đình. Nhờ đó, nhiều gia đình có thêm tiền sửa sang lại nhà cửa, có tiền nuôi con đi học đại học…

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, chuyên trách DS-KHHGĐ, Trạm y tế xã Hóa An cho biết, CLB không sinh con thứ 3 không chỉ mang lại nhiều kiến thức bổ ích cho các hội viên mà còn trở thành ngôi nhà chung để chị em trong CLB giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Trước đây, Hóa An là xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao, nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và hiệu quả từ CLB không sinh con thứ 3 nên tỷ lệ sinh con thứ 3 ngày càng giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2019, có 5 trẻ sinh ra là con thứ 3/130 trẻ, chiếm chưa đến 4%, thấp hơn so với chỉ tiêu ở trên giao 5%.

Nâng cao nhận thức người dân

     Theo chị Thủy, xã Hóa An hiện có 6 ngàn cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, trong  đó có 870 cặp vợ chồng sinh con một bề. Trước đây, đa phần tư tưởng của nhiều người chồng muốn có con trai để nối dõi và làm trụ cột gia đình, do đó, khi đến nhà tuyên truyền, vận động rất khó khăn. 

     Cuối năm 2012, khi nắm bắt được gia đình chị T.N.K. (34 tuổi, ở ấp Cầu Hang, xã Hóa An) có con một bề là gái, qua tìm hiểu biết được chị K. bị bệnh tim nếu dùng thuốc tránh thai sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, còn dùng bao cao su hay đặt vòng sợ chồng biết. Trước tình hình đó, chị Thủy cùng CTV đến nhà gặp người chồng giải thích về những khó khăn khi sinh đông con, đồng thời hướng dẫn các biện pháp tránh thai. Chồng chị K. không đồng ý mà còn lớn tiếng nói con tôi đẻ được thì nuôi được, các cô lo chuyện bao đồng. 

     Sau nhiều lần đến nhà thuyết phục và đưa ra những gia đình sinh con một bề, con cái ngoan ngoãn, học giỏi, kinh tế ổn định, gia đình hạnh phúc thì chồng chị K. dần dần thay đổi suy nghĩ. Chồng chị K. đã hiểu được hậu quả của việc sinh đông con và cùng vợ sử dụng các biện pháp tránh thai để giữ gìn sức khỏe cho vợ.

     Còn anh Hoàng Trọng L. (40 tuổi, ở ấp Đồng Nai, xã Hóa An) chia sẻ, cách đây 5 năm khi gia đình tôi sinh cháu thứ 2 cũng là con gái, cán bộ dân số và CTV thường xuyên đến nhà trao đổi về việc dừng lại 2 con để nuôi dạy cho tốt. Mới đầu, tôi thấy khó chịu khi có người khác đến nhà nói về vấn đề KHHGĐ, nhiều lần tôi đã lớn tiếng với họ. Sau nghĩ lại, thấy cán bộ dân số phân tích hợp lý, tôi không dám nghĩ đến chuyện phải có con trai nữa, quan trọng mình sống hạnh phúc, vui vẻ để có điều kiện chăm lo cho các con.

     BS. Đậu Ngọc Trung, Trưởng Trạm Y tế xã Hóa An, TP. Biên Hòa cho biết, có được kết quả này là nhờ sự quan tâm của UBND xã và các ban ngành, đoàn thể khác. Khi có khó khăn hay vướng mắc gì đều được giải quyết kịp thời, nhờ vậy, khi thực hiện các chương trình, đề án không chỉ dân số mà các chương trình khác đều dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, trạm có chuyên trách và đội ngũ CTV nhiệt tình, nhiều kinh nghiệm và luôn đoàn kết, cùng nhau hướng tới mục tiêu dân số khỏe, thông minh.

Sao Mai



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn