Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Không nên chủ quan bệnh vàng da ở trẻ

Vàng da là hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh. Vàng da sinh lý sẽ tự khỏi trong một thời gian ngắn. Ngược lại, vàng da bệnh lý nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ.

vangda.jpg
Bác sĩ tái khám cho trẻ bị vàng da tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
 

Cần được phát hiện sớm

     Theo bác sĩ Trương Thị Sang, Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, có 2 dạng vàng da, đó là vàng da sinh lý và bệnh lý. Vàng da sinh lý sẽ tự khỏi và không cần điều trị. Vì bệnh thường ở mức độ nhẹ, vàng da chủ yếu xuất hiện ở mặt, ngực, trẻ vẫn khỏe, bú giỏi và những biểu hiện này thường xuất hiện sau 24 đến 72 giờ. 

     Đối với vàng da bệnh lý xuất hiện sớm trong vòng 24 giờ đầu, vàng da ở mức độ nhiều, sang ngày thứ 2 vàng da xuất hiện ở lòng bàn tay, chân và kèm theo trẻ bú kém, sốt, giật li bì. Nếu tình trạng kéo dài và không được điều trị kịp thời sẽ làm tăng chất bilirubin gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ như: chậm phát triển, ảnh hưởng đến học hành, nặng gây biến chứng não và thậm chí là tử vong. Do đó, việc theo dõi và phát hiện trẻ bị vàng da là rất quan trọng. 

     “Không nên quan sát dưới ánh đèn, vì sẽ không xác định được rõ trẻ có vàng da hay không. Để phát hiện, các bà mẹ dùng ngón tay ấn nhẹ từ trên mặt da giữ vài giây sau đó quan sát độ vàng của da ở vùng da vừa mới ấn nhẹ ngón tay xuống. Nếu vàng da nhiều và quá rốn, bàn chân thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời”, bác sĩ Sang nói. 

     Theo bác sĩ Sang, hiện có 2 phương pháp điều trị vàng da hiệu quả nhất là chiếu đèn và thay máu. Chiếu đèn dùng cho trường hợp vàng da ở mức độ nhẹ, còn trong quá trình chiếu đèn vàng da không hết, kèm theo trẻ bú kém, li bì, co giật dẫn đến nguy cơ biến chứng não thì phải thay máu. 

Phòng ngừa vàng da ở trẻ

     Nguyên nhân vàng da bệnh lý do bất đồng nhóm máu mẹ con, chẳng hạn như mẹ nhóm máu O, con nhóm máu A hoặc B, bị nhiễm trùng trước, trong bào thai và sau khi sinh.

     Để phòng bệnh vàng da ở trẻ, theo bác sĩ Sang trong quá trình mang thai người mẹ cần theo đúng lịch khám của bác sĩ. Nếu bị các bệnh như: nhiễm trùng, tiểu đường thì cần được theo dõi và điều trị, vì đó là một trong những nguy cơ thúc đẩy vàng da ở trẻ nặng hơn. Đặc biệt, các tháng cuối cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để không bị sinh non. Cho trẻ bú mẹ nhiều, vì bú mẹ giúp trẻ tiêu phân su sẽ giảm được vàng da.

     Theo bác sĩ Thiều Thị Hương, đơn nguyên sơ sinh, khoa Sản, Bệnh viện ĐK Đồng Nai, đối với các trẻ mới chớm vàng da thì có thể tắm nắng ấm mỗi sáng, nhưng nếu trẻ đã vàng da nhiều thì cần đưa trẻ đi khám ở bác sĩ chuyên khoa nhi để được điều trị ngay. Không nên theo quan niệm cho trẻ mới sinh ra nằm trong phòng kín, vì khi trẻ bị vàng da sẽ khó phát hiện và khi bệnh đã nặng điều trị khó khăn hơn.

Sao Mai



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn