Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Hiệu quả từ Đơn vị đột điều trị đột quỵ

Hiện nay, nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã triển khai đơn vị điều trị đột quỵ, nhờ đó đã giúp nhiều bệnh nhân đột quỵ được cứu sống, thoát khỏi di chứng bệnh tật, trở về cuộc sống bình thường.

Hinh DotQuy.jpg
Bác sĩ Nguyễn Quốc Thành, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện ĐKKV Long Khánh kiểm tra sức khỏe 
cho một bệnh nhân đang điều trị đột quỵ tại bệnh viện
 

Kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân

     Vào đầu tháng 10, bệnh nhân Ngyễn Phước (82 tuổi, Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) được người nhà đưa vào Bệnh viện ĐKKV Long Khánh trong tình trạng lơ mơ, liệt hoàn toàn nửa người trái. Tại đây, ông Phước được bác sĩ thăm khám, chụp CT với kết quả nhồi máu não giờ thứ 3. Các bác sĩ thuộc đơn vị điều trị đột quỵ của bệnh viện đã tiến hành cấp cứu điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết. Sau một giờ điều trị bệnh ông Phước tỉnh táo trở lại.

     Bác sĩ Nguyễn Quốc Thành, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện ĐKKV Long Khánh cho biết, rất may ông Phước vào viện trong thời gian vàng của điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết nên bệnh nhân đã tỉnh táo và phục hồi hoàn toàn. Trường hợp này nếu chuyển lên tuyến trên hay vào trễ thì cơ hội phục hồi sẽ giảm đi.

     Được biết, sau 6 tháng triển khai Đơn vị điều trị đột quỵ, Bệnh viện ĐKKV Long Khánh đã tiếp nhận gần 1.000 ca đột quỵ cấp, trong đó hơn 60 bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não cấp đến viện trong thời gian vàng (trước 4-5 giờ) đã được điều trị bằng thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch và mang lại kết quả khả quan, nhiều bệnh nhân phục hồi hoàn toàn, trở về cuộc sống hàng ngày.

     Hay như tại Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai, sau hơn 1 tháng triển khai Đơn vị đột quỵ, bệnh viện đã kịp thời cứu sống 2 bệnh nhân bị đột quỵ. Cụ thể, trường hợp bà Đ.T.H. (62 tuổi, ngụ tại phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa), ngày 17-10, bà H. vào viện trong tình trạng méo miệng, mất ngôn ngữ, yếu liệt nửa người phải. Qua thăm khám và chụp CT bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ não và được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết. Hơn 60 phút tích cực cấp cứu, bà H. đã tỉnh, cử động được tay chân, phản xạ tốt.

     Bác sĩ Hoàng Văn Tiến, khoa Nội thần kinh, đơn vị đột quỵ Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai cho biết, may mắn bệnh nhân được đưa đến bệnh viện sau khi có dấu hiệu 15 phút của đột quỵ não. Thời điểm này vẫn nằm trong khung giờ vàng nên khả năng phục hồi rất cao. 

     Còn tại Bệnh viện ĐK Đồng Nai, sau 2 năm thành lập Đơn vị đột quỵ trực thuộc khoa Nội thần kinh đã điều trị cho gần 5.000 trường hợp đột quỵ não. Trong đó có hơn 3.000 trường hợp nhồi máu não, hơn 300 trường hợp điều trị tiêu sợi huyết (chiếm hơn 10%).

     Với thành tích này, Bệnh viện ĐK Đồng Nai trở thành đơn vị thứ 3 ở khu vực phía Nam (sau Bệnh viện 115 và Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh được Hội Đột quỵ châu Âu trao “chứng nhận tiêu chuẩn vàng điều trị đột quỵ”.

Khung giờ vàng cấp cứu bệnh đột quỵ

     Bác sĩ Hồng Tuấn An, Giám đốc Bệnh viện ITO Hoàn Mỹ Đồng Nai cho biết, đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng não bị tổn thương, xảy ra khi máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể. Bệnh rất nguy hiểm, vì nó thường đến rất bất ngờ và có thể dẫn đến tử vong hoặc biến chứng suốt đời. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời trong thời gian vàng sẽ cứu sống được bệnh nhân, khả năng hồi phục cao và hạn chế tối đa di chứng. Thời gian vàng trong điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết là khoảng 4-5 giờ đầu.

     Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Thành, kết quả điều trị đột quỵ não phần lớn nhờ sự nhận thức của gia đình bệnh nhân, nếu đưa người bệnh vào viện trong thời gian sớm thì cơ hội cứu sống bệnh nhân, khả năng hồi phục cao và hạn chế tối đa di chứng. Tuy nhiên, trên thực tế không phải người dân nào cũng biết được biểu hiện của đột quỵ, do đó đã có đến 50% bệnh nhân vào viện đã hết thời gian vàng. Chính vì điều này nhiều bệnh nhân phải mang di chứng suốt đời. 

     “Đang sinh hoạt bình thường bỗng dưng méo miệng, khó nói, tê yếu nửa người… thì cần nhanh chóng đưa bệnh nhân vào bệnh viện để điều trị kịp thời, vì bệnh nhân vào viện càng sớm thì khả năng cứu sống càng cao và không để lại di chứng, sớm hòa nhập cộng đồng”, bác sĩ Thành nói.

     Còn bác sĩ Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện ĐK Đồng Nai cho hay, biểu hiện lâm sàng của đột quỵ là liệt nửa người, nói khó, không nói được hoặc hôn mê... Bệnh đột quỵ là hậu quả của các bệnh khác đưa tới chứ nó không tự xảy ra. Hiện nay, người dân đã có am hiểu nhất định về bệnh, song vẫn còn không ít người cho rằng bệnh đột quỵ là trúng gió và có những hành động sai như: châm vào đầu ngón tay để nặn máu, cạo gió... Điều này làm giảm cơ hội phục hồi cho người bệnh vì thời gian là yếu tố quyết định sự phục hồi của người bệnh.

Sao Mai


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn