Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Làm thế nào để mẹ nhiễm HIV sinh con ra khỏe mạnh

Theo các nghiên cứu khoa học cho thấy, tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ sang con khi chưa tiến hành các can thiệp dự phòng là rất cao chiếm khoảng 35-40%, tuy nhiên nếu được can thiệp dự phòng thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con chỉ khoảng 2% thậm chí là thấp hơn.

bai HIV.jpg
BS.Vũ Thị Ngọc, Khoa Phòng chống HIV/AIDS, CDC Đồng Nai đang khám và tư vấn cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV.
 

     Tại Đồng Nai, theo báo cáo Khoa Phòng, chống HIV/AIDS Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện đang có 27 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được tư vấn và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại các Phòng khám điều trị ngoại trú HIV/AIDS (OPC) trên địa bàn tỉnh. Riêng tại phòng khám OPC của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có 6 trường hợp hằng tháng đến khám, lãnh thuốc và xét nghiệm theo định kỳ. Nhờ tuân thủ điều trị tốt, từ năm 2019 đến nay tất cả phụ nữ mang thai nhiễm HIV đều sinh con khỏe mạnh, không bị nhiễm HIV.   

     BS Vũ Thị Ngọc, khoa HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, HIV lây truyền từ mẹ sang con qua 3 giai đoạn: trong khi mang thai, lúc sinh và thời kỳ sau sinh. Để con sinh ra khỏe mạnh, không bị lây nhiễm HIV từ mẹ thì cần thực hiện tốt các bước sau: 

     Trước khi mang thai:

     Người mẹ chưa nhiễm HIV cần chủ động đến các cơ sở y tế để tư vấn và xét nghiệm HIV, đồng thời nên tư vấn bác sĩ chuyên khoa trước khi có ý định mang thai.

     Đối với những người mẹ đã nhiễm HIV cần phải điều trị ARV sớm và tuân thủ điều trị tốt để đạt được tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/1ml máu và nên tư vấn bác sĩ chuyên khoa về thời điểm mang thai. 

     Trong khi mang thai:

     Khám thai định kỳ ở cơ sở y tế chuyên khoa sản để được tư vấn, hướng dẫn về chăm sóc thai sản, chọn nơi sinh phù hợp.

     Người mẹ đang nhiễm HIV cần phải tuân thủ điều trị để tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/1ml nhằm giảm thiểu tối đa khả năng lây truyền HIV cho con. 

     Trong quá trình sinh:

     HIV từ nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo của mẹ xâm nhập vào trẻ qua niêm mạc mắt, mũi, hậu môn hoặc da bị sây sát của trẻ trong quá trình sinh. 

     HIV cũng có thể từ trong máu của mẹ thông qua các vết loét ở cơ quan sinh dục của mẹ xâm nhập vào cơ thể của trẻ sơ sinh. Vì vậy những người mẹ nhiễm HIV thường được tư vấn sinh mổ để hạn chế sây sát da em bé, giảm thiểu nguy cơ lây truyền HIV. 

    Sau khi sinh:

    Người mẹ cần đến cơ sơ điều trị HIV/AIDS để được tiếp tục theo dõi sức khỏe và điều trị ARV.

    Trẻ em ngay sau sinh (trong vòng 24 giờ) được uống thuốc ARV theo chỉ dẫn của bác sĩ để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

    HIV có thể lây từ mẹ sang con do HIV có trong sữa mẹ hoặc máu, dịch tiết từ các vết nứt ở núm vú người mẹ, vì vậy tốt nhất không cho trẻ bú mẹ.

    Nếu nuôi con bằng sữa thay thế thì cần phải đáp ứng cung cấp đủ sữa thay thế hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu, có nước sạch và chuẩn bị sữa ăn thay thế an toàn, hợp vệ sinh và đủ số lượng phù hợp với tuổi của trẻ.

    Nếu không có điều kiện, phải nuôi con bằng sữa mẹ, thì người mẹ phải được điều trị ARV và tuân thủ tốt để tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/1ml máu. Và cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, không nên kết hợp vừa bú mẹ vừa cho trẻ bú sữa ngoài.

Thanh Tú 



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn