Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Hiệu quả từ báo động đỏ bệnh viện

Trong những năm qua, quy trình báo động đỏ được triển khai tại nhiều bệnh viện trong tỉnh và đến nay đã trở thành hoạt động thường quy. Nhờ triển khai quy trình này đã rút ngắn thời gian, huy động nhanh mọi nguồn lực để cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân, nhờ đó đã có nhiều trường hợp nguy hiểm tính mạng được cứu sống ngoạn mục.

baodongdobvdn.jpg
Điều dưỡng khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện ĐK Đồng Nai thực hiện truyền máu 
cho một bệnh nhân đa chấn thương được phẫu thuật cứu sống nhờ quy trình báo động đỏ.
 

Rút ngắn thời gian cấp cứu bệnh nhân

     BSCKI Nguyễn Quang Hinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, quy trình báo động đỏ bệnh viện được triển khai từ 4 năm nay, để cấp cứu ngay những trường hợp đến bệnh viện trong tình trạng có vết thương thấu cổ, ngực, bụng, ảnh hưởng đến tính mạng.

     Theo đó, khi tiếp nhận người bệnh, tại khoa Cấp cứu sẽ tiến hành hồi sức cấp cứu, lấy máu xét nghiệm cho bệnh nhân, bác sĩ trực cấp cứu sẽ kích hoạt báo động đỏ thông báo toàn viện, trong vòng 5 phút yêu cầu các bác sĩ ở các khoa liên quan như: Ngoại tổng quát, Chấn thương chỉnh hình-Bỏng, Hồi sức tích cực chống độc, Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh… có mặt để hội chẩn và sẽ chuyển bệnh nhân lên phòng mổ. Song song đó, khi có tín hiệu báo động đỏ, các bộ phận liên quan cũng chuẩn bị phòng mổ, các dụng cụ, chế phẩm máu trong vòng 15 - 20 phút để sẵn sàng cho ca mổ. 

     “Quy trình báo động đỏ giúp bác sĩ tận dụng được thời gian một cách nhanh nhất để hồi sức và cứu chữa cho bệnh nhân, vì có những trường hợp càng tận dụng được thời gian sớm thì tỷ lệ cứu sống bệnh nhân càng cao. Hoặc những trường hợp vượt khả năng của bệnh viện thì bệnh nhân cũng được hồi sức ổn định rồi mới chuyển viện” – BS Hinh nói.

     Tại Bệnh viện ĐK Đồng Nai, quy trình báo động đỏ được bệnh viện triển khai từ năm 2017 và đến nay đã trở thành hoạt động thường quy. Trung bình mỗi năm bệnh viện kích hoạt cho 35-45 trường hợp.

     Theo BS Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện ĐK Đồng Nai, quy trình báo động đỏ bệnh viện áp dụng cho các trường hợp ngoại khoa cần phải mổ ngay để giữ tính mạng cho bệnh nhân. Nếu như trước đây khi tiếp nhận bệnh nhân nặng, trước tiên phải làm thủ tục tiếp nhận, sau đó bác sĩ cấp cứu khám, cho làm các chỉ định cận lâm sàng như chụp CT, Xquang, siêu âm… sau khi có kết quả sẽ mời bác sĩ trực của chuyên khoa bệnh đó xuống cấp cứu, khám và hội chẩn với trưởng khoa của họ hoặc hội chẩn với trực lãnh đạo, hội chẩn xong nếu bệnh nhân cần phải mổ thì báo phòng mổ chuẩn bị và chuyển bệnh nhân lên phòng mổ. Còn khi triển khai báo động đỏ, ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ trưởng tua trực cấp cứu nhận thấy bệnh nhân có tình trạng nguy kịch là ngay lập tức phát tín hiệu báo động đỏ qua hệ thống loa toàn bệnh viện. Song song với tín hiệu phát qua hệ thống loa này, điều dưỡng trưởng tua trực sẽ gọi điện trực tiếp cho các khoa liên quan. Trong vòng 5 phút, tất cả các bác sĩ, chuyên gia ở các khoa liên quan bắt buộc có mặt để hội chẩn ngay, không cần chờ thủ tục xét nghiệm, thủ tục hành chính, cận lâm sàng hay phải đi chỗ này chỗ khác hội chẩn. Sau khi hội chẩn và thực hiện siêu âm hoặc chụp X-quang, CT- Scan tại giường, bệnh nhân được đẩy thẳng lên phòng mổ luôn. Đối với bộ phận phòng mổ khi nghe tín hiệu báo động đỏ họ phải chuẩn bị phòng mổ ngay, bệnh viện cũng quy định trong vòng 15 phút bắt buộc phải có máu để truyền cho bệnh nhân, chứ không phải chờ hơn 1 tiếng mới có máu như trước.

     “Trước đây khi chưa có quy trình báo động đỏ phải hơn 1 tiếng sau bệnh nhân mới lên được phòng mổ, bây giờ trong vòng 15 phút là bệnh nhân đã được mổ rồi. Quy trình báo động đỏ rút ngắn được 60-80% thời gian, trong một khoảng thời gian ngắn tập trung được đủ được tất cả nguồn lực để cấp cứu cho bệnh nhân” – BS Hoàng cho hay.

Tăng tỷ lệ bệnh nhân nặng được cứu sống

     Nhờ kích hoạt báo động đỏ, mới đây Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã cứu sống 2 bệnh nhi vỡ gan nguy kịch. Điển hình nhất là trường hợp bé N.A.Đ (4 tuổi, ngụ xã An Phước, H.Long Thành) nhập viện do tai nạn giao thông vào đêm 11-8 trong tình trạng sốc, trụy mạch, diễn tiến rất nặng, tiên lượng xấu. 

     Nhận thấy bệnh nhân rất nguy kịch, bệnh viện đã kích hoạt báo động đỏ. Trong vòng 30 phút, các nhân viên y tế vừa lấy ven, truyền dịch, truyền máu cho bệnh nhân, các bác sĩ hội chẩn và đưa bệnh nhân lên phòng mổ khẩn cấp. 

     Trong quá trình mổ, các bác sĩ đã thám sát ổ bụng, phát hiện bệnh nhân bị vỡ gan bên phải, dập nát phân thùy 7-8, máu chảy rất nhiều trong ổ bụng khiến việc khâu gan càng khó khăn hơn. Các bác sĩ phải tấn gạc cầm máu nhằm tăng huyết áp và tiến hành khâu gan một cách tỉ mỉ. Lần đầu khâu xong, máu vẫn còn chảy rỉ rả, các bác sĩ đã tiến hành khâu gan thêm lần nữa. Tuy nhiên, do bé bị tràn khí màng phổi phải, tụ máu ở thành ruột non nhiều gây biến chứng tắc ruột nên các bác sĩ buộc phải cắt bỏ 50cm ruột của bé. 

     Sau ca mổ, diễn biến bệnh nhi vẫn hết sức phức tạp, sốt kéo dài, nhiễm trùng nhiều hơn, men gan tăng cao hơn… Các bác sĩ đã dồn mọi nguồn lực để cứu chữa cho bé. Trước, trong và sau mổ bé cũng được truyền 12 đơn vị máu.

     “Ngoài các bác sĩ huy động ở bệnh viện, chúng tôi đã huy động thêm ThS-BS Chu Văn Lai và BS CKII Phan Trần Đức đang ở nhà vào bệnh viện để hỗ trợ thực hiện ca mổ. Ca mổ bắt đầu từ 23 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, 8 người trong ê-kíp phẫu thuật gồm điều dưỡng, gây mê, bác sĩ phẫu thuật phải tập trung cao độ, khâu gan tỉ mỉ, cẩn trọng vì gan giập quá nhiều. Chúng tôi tưởng chừng như bé không thể qua khỏi nhưng rất may, sau 2 lần thực hiện phẫu thuật và được hồi sức tích cực, bé đã dần hồi phục, không có nhiễm trùng, không sốt, không ói, miệng nối chỗ ruột bị cắt liền nhanh, không còn tràn khí màng phổi, tất cả các nguy cơ được kiểm soát. 2 tuần sau phẫu thuật, sức khỏe của bé đã ổn định, trở về sinh hoạt bình thường” – BSCKI. Bùi Đình Hà, Khoa Ngoại tổng hợp phẫu thuật viên chính cho bệnh nhân cho biết.

     Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã 3 lần kích hoạt hệ thống báo động đỏ thành công, cứu sống 3 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Không chỉ thực hiện báo động đỏ trong bệnh viện, thời gian qua bệnh viện cũng triển khai báo động đỏ ngoại viện. Theo đó, khi tuyến dưới có ca bệnh khó, nặng báo cáo lên bệnh viện, bệnh viện sẽ ngay lập tức điều xe và nguồn nhân lực để xuống các đơn vị cùng hỗ trợ, cấp cứu bệnh nhân.

     Cũng theo BS Hà, sau mỗi lần kích hoạt báo động đỏ cho thấy việc phối hợp giữa các khoa, phòng, các y, bác sĩ trong bệnh viện ngày càng tiến bộ, hiệu quả. Tất cả đều phối hợp rất tốt, nhanh, nhịp nhàng, rút ngắn thời gian chuẩn bị các khâu. Trong vòng 15 đến 30 phút đã chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực để bắt đầu cuộc mổ cho bệnh nhân. Nhờ sự chuẩn bị tốt, đã giúp nhiều bệnh nhân được phẫu thuật kịp thời, bớt phải truyền máu do phải chờ đợi quá lâu và tránh được biến chứng sau mổ như suy gan, suy thận…

     Còn BS. Nguyễn Xuân Hoàng cho hay, khi đã kích hoạt quy trình báo động đỏ, các bác sĩ liên quan được điều động vào hết, bất kể ngày hay đêm, huy động mọi nguồn lực để cứu sống bệnh nhân. Nhờ quy trình này, tỷ lệ ca nặng được cứu sống tại bệnh viện tăng lên 40% so với thời gian khi chưa triển khai.

Gia Nhi



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn