Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Phòng ngừa ngộ độc Botulinum

Bộ Y tế vừa ban hành quyết định số 3875/QĐ-BYT về việc Hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum. Theo đó, ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum thường do ăn uống các thực phẩm có sẵn độc tố Botulinum từ các chủng vi khuẩn Clostridium sinh ra.

Kiem tra ATTP.jpg
Đoàn Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cửa hàng ở huyện Long Thành.
 

     Ngộ độc xảy ra không thường xuyên, có thể thành vụ với nhiều người bị ngộ độc. Có các trường hợp ngộ độc riêng lẻ, không rõ yếu tố dịch tễ, diễn biến nhanh, không thể khai thác bệnh cảnh đặc trưng, dẫn tới dễ bỏ sót hoặc nhầm với nhiều bệnh khác.

     Trong thời gian gần đây đã xuất hiện rải rác các ca bệnh ngộ độc botulinum phải điều trị tại các bệnh viện lớn trên cả nước như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh và Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai,... với triệu chứng buồn nôn, nôn, sụp mi mắt, nhìn mờ, đau họng, khó nói, khó nuốt, thở yếu, sau đó yếu cơ và liệt tứ chi,… Qua điều tra cho thấy nhiều bệnh nhân đã sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới. Kết quả kiểm nghiệm ban đầu một số sản phẩm Pate Minh Chay ở các lô khác nhau của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm 

     Quốc gia và Viện Y tế công cộng TP.Hồ Chí Minh đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum typ B. Độc tố botulinum của vi khuẩn này có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong. 

Loại thực phẩm nào gây ngộ độc botulinum

     Thực phẩm gây ngộ độc botulinum có thể gặp cổ điển nhất là thịt hộp. Ngoài ra, các vụ ngộ độc trên thế giới cho thấy tất cả các loại thực phẩm từ rau, củ quả, hải sản,… được sản xuất không đảm bảo và đóng gói kín (ví dụ đồ hộp, can, lon, chai, lọ,…) cùng môi trường bảo quản bên trong không đảm bảo dẫn tới bào tử phát triển thành vi khuẩn và sinh ngoại độc tố gây ngộ độc. Đặc biệt là thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo như sản phẩm Pate Minh Chay là một ví dụ điển hình.

     Ngoài ra các thực phẩm không được nấu chín trước khi ăn hoặc nấu chín nhưng để lâu dẫn đến bị ôi, thiu cũng có thể gây ngộ độc.

     Ngày nay, xu hướng ngộ độc botulinum tăng lên trên thế giới là do: trào lưu sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm, bảo quản thực phẩm không đảm bảo, sử dụng tủ lạnh không đúng, đun lại không đủ chín trước khi ăn.

Triệu chứng nghi ngờ ngộ độc Botulinum

     Người bị ngộ độc botulinum thường khởi phát sau 12-36 giờ sau ăn, phần lớn trong ngày đầu tiên, có thể trong khoảng 6-8 ngày sau ăn.

     Xuất hiện sớm triệu chứng về tiêu hóa như buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, sau đó liệt ruột cơ năng, táo bón. Tiếp đó là các triệu chứng về thần kinh: liệt đối xứng hai bên, xuất phát từ vùng đầu mặt cổ lan xuống chân. Đầu tiên là sụp mi, nhìn đôi, nhìn mờ, đau họng, khó nói, khó nuốt, khàn tiếng, khô miệng. Sau đó là liệt tay, liệt các cơ vùng ngực, bụng và liệt hai chân.

Cách phòng ngộ độc Botulinum  

     - Khi chọn các sản phẩm đóng gói sẵn cần chọn sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận. 

    - Thận trọng với các thực phẩm đóng kín nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi hoặc có vị thay đổi khác thường (ví dụ sữa chua không còn vị chua bình thường). 

     - Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá (chỉ có nhiệt độ đông đá mới làm vi khuẩn ngừng phát triển và không sinh độc tố). 

     - Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Lưu ý nấu chín sẽ phá hủy độc tố botulinum (nếu không may có trong thực phẩm).

     - Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối,…): đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn. 

     Để chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm nói chung, hạn chế các bệnh do ăn uống, người tiêu dùng cần thực hiện một số hướng dẫn chủ yếu sau: Lựa chọn thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, còn tươi, vẫn giữ được trạng thái vốn có của nó; để cách ly nguyên liệu, thực phẩm tươi sống với thức ăn đã nấu chín; giữ vệ sinh bàn tay và dụng cụ ăn uống, rửa tay với xà phòng và nước sạch trước khi ăn và sau khi chế biến thực phẩm tươi sống (cá, trứng, thịt gia cầm, gia súc và phủ tạng), sau khi đi vệ sinh hoặc làm việc khác gây bẩn tay; ăn chín, uống sôi, bảo quản hợp vệ sinh an toàn, không ăn tiết canh, thịt tái, cá gỏi, trứng chưa nấu chín; rửa sạch rau quả dưới vòi nước trước khi sử dụng, không ăn cá nóc, nấm lạ hoặc các loại thực phẩm đã có lần gây dị ứng. 

     Ngay từ bây giờ, tuyệt đối ngừng sử dụng các sản phẩm thực phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới, đặc biệt là sản phẩm Pate Minh Chay. Những người đã sử dụng cần theo dõi sức khỏe, nếu có xuất hiện triệu chứng nghi ngờ bị ngộ độc kể trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời. 

BS. Hồ Hồng

 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn