Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị chấn thương sọ não tại bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai

Lúc 10 giờ ngày 10/09/2020, tại Khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, T3G Phòng CTXH đã tổ chức buổi Truyền thông giáo dục sức khỏe với chủ đề “Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị chấn thương sọ não”. Báo cáo viên: BS Nguyễn Văn Toàn, Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng.

Bs  Toan.jpg 

     Theo BS Toàn, Chấn thương sọ não (CTSN) là tình trạng người bệnh bị sang chấn vào đầu gây tổn thương hộp sọ và các cấu tạo khác bên trong hộp sọ. Đây là nguyên nhân gây tử vong cao, để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh. Đặc biệt chấn thương sọ não ở trẻ em luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng. Do da đầu và hộp sọ của trẻ đang trong quá trình phát triển nên mềm hơn, những ảnh hưởng do chấn thương sọ não vì thế cũng nặng nề hơn rất nhiều. Trẻ em hiếu động, chưa biết cách né tránh các chấn thương từ bên ngoài, vì vậy có nhiều nguyên nhân gây chấn thương sọ não ở trẻ như: Tai nạn sinh hoạt (té võng , té giường, đứng trên bàn ghế,  cầu thang, té lầu, té ngã sau xô đẩy…); Tai nạn do tham gia giao thông, do sự chủ quan của trẻ hoặc bố mẹ, người lớn (đi xe cho trẻ ngồi trước, không có dây an toàn, để trẻ ngồi trên xe tay ga, tự vặn ga vv…); Chấn thương do ẩu đả lẫn nhau (trẻ vị thành niên) hay bị người lớn tấn công… Ngoài ra, các hành động của người lớn cũng vô tình làm tổn thương trẻ như: rung lắc mạnh, đưa lên cao thả xuống… 

     Nhiều trường hợp bố mẹ trẻ không ở cùng lúc trẻ bị chấn thương, vì vậy khi thấy trẻ ói, đau đầu, sưng nề vùng đầu thậm chí trẻ rơi vào tình trạng lơ mơ hay hôn mê sâu thì cần đưa trẻ đến cơ sở có chuyên khoa thần kinh gần nhất. Cũng theo BS Toàn, việc điều trị chấn thương sọ não khá phức tạp, đòi hỏi yếu tố chuyên môn cao, các thiết bị máy móc hiện đại và thời gian hồi phục chức năng lâu dài. 

     Tại buổi truyền thông, BS Toàn đã khuyến cáo các bậc phụ huynh: Trong trường hợp bị chấn thương đầu, nếu thấy trẻ có một trong những dấu hiệu sau cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay: Ngay sau ngã, trẻ bất tỉnh hơn 01 phút; ngay sau ngã, trẻ vẫn tỉnh táo nhưng sau đó một thời gian lại xuất hiện những dấu hiệu tri giác bất thường (kích động khó dỗ, ngủ nhiều, lơ mơ, tiếp xúc kém hoặc bất tỉnh hoàn toàn). Sau chấn thương đầu, trẻ nôn trên 5 lần trong một thời gian ngắn hoặc nôn kéo dài hơn 6 giờ (mà trước đó trẻ bình thường). Thóp của trẻ sau một thời gian chấn thương bị phồng, căng lên, kèm theo vẻ mặt xanh xao. Trẻ bị chấn thương nhiều nơi, có máu chảy nhiều…

     Việc phòng CTSN ở trẻ cần có sự quan tâm của các bậc phụ huynh trong tất cả hoạt động của trẻ, nhất là trẻ ở độ tuổi chưa đi được. Bên cạnh đó, việc đội mũ bảo hiểm đúng quy định và đúng chất lượng khi tham gia giao thông sẽ là một biện pháp hữu hiệu phòng chống chấn thương sọ não.

     Buổi truyền thông, đã cung cấp cho các bậc phụ  huynh có con em đang điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng một số kiến thức cơ bản về cách chăm sóc trẻ bị chấn thương sọ não. Các bậc phụ huynh tham dự đã đặt nhiều câu hỏi về nội dung mà bác sỹ đã truyền đạt hoặc những thắc mắc về tình hình bệnh thực tế của con em mình, và được bác sĩ giải đáp cụ thể, đưa ra những lời khuyên bổ ích. 

Thanh Thuận


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn