Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Diệt lăng quăng, bọ gậy là biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết (SXH) một cách hiệu quả và bền vững nhất. Thế nhưng thói quen vứt rác bừa bãi, không dọn dẹp vệ sinh môi trường thường xuyên của một số người dân đã tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, muỗi phát triển. Để chủ động phòng bệnh SXH, ngoài nỗ lực của ngành Y tế, sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể, rất cần sự chủ động của người dân để đẩy lùi dịch bệnh này.

hinhsxh.jpg
 

Phòng chống SXH không của riêng ai

     Theo báo cáo Sở Y tế Đồng Nai, trong tháng 11-2020 toàn tỉnh nghi nhận 738 trường hợp mắc SXH, giảm 33% so với tháng trước (trong đó số ca trẻ em dưới 15 tuổi là 395 trường hợp, chiếm tỷ lệ hơn 53%). Tích lũy số ca mắc SXH từ đầu năm đến hết tháng 11 là 4.986 trường hợp, không nghi nhận trường hợp tử vong.

     BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, các yếu tố nguy cơ để SXH phát sinh, phát triển thành dịch luôn hiện hữu, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng chứa nước, tạo thành nơi muỗi đẻ trứng. Thêm vào đó, thời tiết lúc giao mùa nền nhiệt và độ ẩm tăng, mưa nhiều... là điều kiện lý tưởng cho muỗi truyền SXH phát triển.  

     Để nâng cao ý thức phòng bệnh của người dân về căn bệnh SXH, thời gian vừa qua ngành Y tế đã đẩy mạnh truyền thông dưới nhiều hình thức như, truyền thông qua báo đài, truyền thông trực tiếp thông qua lực lượng cộng tác viên y tế, tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng nhằm huy động toàn dân tham gia phòng chống dịch… Các nội dung tuyên truyền nhằm hướng dẫn người dân diệt muỗi, diệt lăng quăng bằng cách thường xuyên dọn dẹp, giữ vệ sinh môi trường trong sạch, chú ý đậy kín những dụng cụ chứa nước là nơi loài muỗi đẻ trứng như: chum, vại, bể nước, xô, chậu; loại bỏ những đồ vật đọng nước khi để ngoài trời như lốp xe, vỏ chai, vỏ dừa…; nhắc nhở người dân ngủ mùng, mặc quần áo dài để không bị muỗi đốt, sử dụng kem chống muỗi, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành… 

     “Các biện pháp phòng bệnh SXH rất đơn giản, dễ làm, điều quan trọng là người dân hợp tác, luôn chủ động thực hiện phòng tránh thì hiệu quả mới cao. Việc phòng chống dịch SXH là công việc của toàn dân, không riêng ngành nào, cấp nào, nếu người dân còn chủ quan, lơ là hoặc chưa hiểu hết mối nguy hiểm của dịch bệnh SXH thì rất khó cho công việc khống chế, dập tắt dịch”- BS Phúc nói. 

     Còn BS Trần Thị Hải Yến, Trưởng Trạm y  tế phường Hóa An chia sẻ, đa phần người dân phường Hóa An là công nhân lao động, nên việc tiếp xúc để tuyên truyền cũng có phần hạn chế, chủ yếu là gặp vào buổi tối, mặc dù đã được tuyên truyền vận động về dọn dẹp vệ sinh tuy nhiên ý thức của người dân vẫn chưa cao. Thông thường người dân chỉ tham gia dọn dẹp vào những ngày cuối tuần, tuy nhiên khoảng thời gian 1 tuần cũng đủ cho muỗi sinh sôi, nẩy nở. Do đó, người dân cần vệ sinh nhà cửa, môi trường thường xuyên, không tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi, trú ngụ. 

Thường xuyên diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh

     BS. CKI Phan Văn Phúc cho biết, vi rút gây bệnh SXH luôn tồn tại trong cộng đồng. Đây là loại bệnh truyền nhiễm có sức lây lan mạnh. Bệnh được lây vào con người thông qua vật trung gian là muỗi vằn. Do đó, khi đã gặp điều kiện thuận lợi, nhất là vào mùa mưa, cống rãnh tù đọng nước, muỗi có điều kiện sinh trưởng thì dịch bệnh càng có cơ hội để bùng phát một cách nhanh chóng. Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, đặc biệt tập trung vào đối tượng chính là trẻ em do khả năng đề kháng của cơ thể các em còn yếu. 

     Cho đến nay, bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Để chủ động phòng chống dịch bệnh, ngoài việc tăng cường các biện pháp phòng bệnh SXH của các cấp, các ngành, mọi người dân cần chủ động phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng ngay tại nhà, khu dân cư, trong các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình; vệ sinh môi trường xung quanh, ngủ màn, diệt muỗi, lăng quăng, làm sạch các vật dụng chứa nước… nhằm cắt đứt môi trường sinh sản của muỗi vằn gây bệnh SXH. Ngoài ra, để hạn chế số ca bệnh diễn biến phức tạp và tử vong ở loại bệnh truyền nhiễm SXH, người dân cần theo dõi những dấu hiệu bệnh sớm như: sốt liên tiếp, mệt mỏi, li bì, đau nhức mình mẩy, nôn mửa, chảy máu chân răng… và sớm đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị kịp thời. 

     ThS. BS Nguyễn Hữu Tài, Phó Giám đốc Sở Y tế cũng cho hay, công tác phòng chống dịch SXH muốn thành công ngoài sự chung tay góp sức của các cơ quan, ban ngành, thì sự hợp tác, ý thức phòng bệnh của mỗi người dân vô cùng quan trọng và mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, các đơn vị y tế cần nắm bắt rõ tình hình thực tế tại địa phương để có những kế hoạch cụ thể, những biện pháp phòng chống dịch mới nhưng hiệu quả. 

Thanh Tú



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn