Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Cảnh báo tai nạn do pháo nổ dịp Tết

Bác sĩ Trần Văn Trí, Khoa chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện ĐK Đồng Nai cho biết, mới đây bệnh viện đã tiếp nhận 02 ca tai nạn do pháo nổ. Trong đó có một bệnh nhân 25 tuổi, ngụ ở phường Tam Phước, TP. Biên Hòa, nhập viện với một vết thưởng phức tạp ở góc bàn tay trái và vết bỏng ở đùi do pháo nổ. Sau khi thăm khám, các bác sỹ phải tiến hành phẫu thuật ở bàn tay, xử lý vết thương bỏng ở đùi cho bệnh nhân. Đáng lưu ý có một bệnh nhân 14 tuổi bị vết thương ở thành bụng do làm pháo tự chế, sau khi tiến hành sơ cấp cứu, bệnh viện đã chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Đó là em N.V.T cũng cư ngụ tại phường Tam phước, TP. Biên Hòa.

phao 1.jpg
Em N.V.T điều trị do tai nạn pháo nổ tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
 
 
     Em N.V.T kể lại, sau khi xem các clip trên YouTube về cách chế tạo pháo hoa sinh nhật. Em đã đặt mua các nguyên liệu ở trên mạng với số tiền là 100 ngàn đồng. Khi đang thực hiện các bước theo hướng dẫn thì đã xảy ra sự cố. Em bị vết thương ở thành bụng, các bác sĩ phải phẫu thuật cắt lọc bỏ những phần mô mềm do pháo gây ra.

     Theo bác sĩ Trí, vết thương do pháo nổ là loại hỏa khí, gây tổn thương mô mềm rất nhiều. Chăm sóc sau phẫu thuật thường phức tạp do nhiễm trùng lớn và quá trình điều trị lâu dài; hồi phục chức năng khá lâu. 

    Tai nạn do pháo nổ đặc biệt rất nguy hiểm bởi ngoài sức công phá gây ra các vết thương ở tất cả vị trí trên cơ thể, pháo còn gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng lớn. Ngoài ra, pháo có những hóa chất như phốt pho, lưu huỳnh…, khi hít phải sẽ ảnh hưởng đến phổi. Còn người đốt tiếp xúc gần sẽ dễ bị các tổn thương nặng ở đầu, mặt, cổ, mắt, tay...

    Khi gặp chấn thương ở mắt do bỏng hay dị vật vào mắt khi đốt pháo, nên lập tức rửa mắt bằng dòng nước sạch liên tục trong vòng ít nhất 10 phút. Đồng thời, khi rửa mắt nên chớp mắt liên tục để cho dị vật trôi ra, không cố gắng lấy dị vật ra khỏi mắt sau đó băng mắt lại bằng gạc sạch. Trường hợp nạn nhân có vết thương chảy máu cần băng ép cầm máu ngay; nếu bị gãy xương, dập nát bàn tay, cần cố định chỗ xương gãy và băng vết thương cẩn thận. Ngay sau khi thực hiện các bước sơ cứu trên, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

    Hiện nay, tình trạng chế tạo pháo diễn ra ngày càng nhiều, nhất là ở lứa tuổi học sinh. Chỉ cần gõ từ khóa “cách chế tạo pháo” trên Google hay YouTube, bên cạnh những clip giải thích thắc mắc về pháo hoa thì có hàng trăm kết quả hướng dẫn cách chế tạo pháo. Trong khi đó, quy trình sản xuất pháo hoa phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định, được giám sát chặt chẽ của cơ quan, đơn vị chức năng.   

    Để phòng tránh những tai nạn do pháo nổ, bác sĩ Trí khuyến cáo, người dân không nên tự mua pháo trên Internet; không cho trẻ con sử dụng pháo, phụ huynh nên quan tâm, kiểm soát những nội dung trên mạng Internet, không để con xem các clip hướng dẫn làm pháo tự chế và làm theo sẽ rất nguy hiểm. 

    Ngày 11-01-2021, Nghị định 137 về quản lý, sử dụng pháo chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, người dân có thể sử dụng pháo hoa không nổ, “được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ”.

    Thế nhưng, nhiều người không phân biệt đâu là pháo hoa nổ và pháo hoa không nổ. Trong khi đó, Nghị định 137 nghiêm cấm hoàn toàn việc sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ, đồng thời quy định chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa. Tuy nhiên, những ngày cận kề và trong Tết, người dân vẫn lén lút đốt pháo nổ.

Mai Liên



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn