Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm từ hàng rong

Theo BS.CKI Lê Thị Đẹp, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, mặc dù thời gian qua Đồng Nai chưa xảy ra trường hợp ngộ thực phẩm từ quán hàng rong, song nguy cơ mất an toàn thực phẩm luôn rình rập. Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, người dân cần hạn chế sử dụng những thức ăn ở quán hàng rong, nên chọn những cửa hàng uy tín chất lượng, sạch sẽ tránh xảy ra những hậu quả đang tiếc.

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm

     Với ưu điểm ngon, rẻ, tiện lợi,… thức ăn, nước uống từ những quán hàng rong luôn được nhiều người lựa chọn vì chúng rất bắt mắt, hấp dẫn, giá cả phải chăng và lại tiết kiệm được thời gian nấu nướng ở nhà. Song, lợi bất cập hại, thức ăn hàng rong luôn tiềm ẩn nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm ở mọi lứa tuổi.

     BS Đẹp cho biết, thức ăn hàng rong rất dễ bắt gặp ở các tuyến đường lớn, đông dân cư (các khu công nghiệp, trường học, bệnh viện…), đây là những loại thức ăn đã được chế biến sẵn, ít được bảo quản chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và dễ bị nhiễm khuẩn, từ đó sẽ gây ra các nguy cơ mất an toàn. 

     Đối với những thực phẩm bị nhiễm khuẩn thường gây ra ngộ độc cấp tính. Đó là có thể phản ứng tức thời sau khi ăn. Trường hợp nhanh là từ 10 -15 phút sau ăn và chậm nhất là 6 giờ sau khi ăn. Những triệu chứng dễ gặp nhất là đau đầu, nôn ói, chóng mặt, có thể ớn lạnh, nổi mề đay. Thường gặp nhất là sau vài giờ ăn, bệnh nhân đau quặn bụng, nôn ói, sốt tiêu chảy. Có những trường hợp không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. 

     Về hậu quả lâu dài, việc tích tụ những thực phẩm không an toàn sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa của cơ thể, gây ra những bệnh về tim mạch, đái tháo đường, gan, béo phì… Đặc biệt, các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng… còn tồn dư trong các loại thực phẩm không nguồn gốc sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, sau đó tích tụ lại gây bệnh ung thư.

Phòng ngộ độc thực phẩm hàng rong

     Theo BS Đẹp, khi bị ngộ độc thức ăn bệnh nhân sẽ có những triệu chứng nôn ói, cách xử trí cũng rất quan trọng. Vì ói càng nhiều sẽ tống hết thức ăn có hại trong cơ thể ra ngoài. Lưu ý, khi gặp những trường hợp này cần kích thích vùng hầu họng để tạo cơn ói đẩy thức ăn ra ngoài. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ phải tránh làm cho trẻ không bị sặc đường thở.

     Khi bị nôn ói, tiêu chảy, bệnh nhân thường hay bị mất nước, rối loạn tuần hoàn. Bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế gần nhất (không nhất thiết phải đến bệnh viện lớn) để được xử trí. Nếu, chậm trễ trong việc sơ cứu ban đầu sẽ gây nhiều hậu quả trong việc cứu sống bệnh nhân.

     BS Đẹp khuyến cáo, để phòng ngừa ngộ độc thức ăn từ hàng rong, người dân nên chọn những cửa hàng có uy tín sạch sẽ. Vì thực phẩm hàng rong để ngoài một thời gian dài, không được bảo quản đúng nhiệt độ, thêm vào đó là khói bụi cũng tác động không ít đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với thức ăn đã chế biến thì qua 4 tiếng đồng hồ là đủ để thức ăn có thể bị nhiễm khuẩn. Nếu để thực phẩm càng kéo dài thì nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao và càng dễ gây ngộ độc. Tốt nhất người dân cần nghiêm túc thực hiện ăn chín, uống chín, chỉ sử dụng các sản phẩm, thực phẩm và các nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

​Mai Liên



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn