Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Tại sao bạn không thể so sánh các loại vaccin phòng COVID-19?

Hiện nay, đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới, số mắc và tử vong do COVID-19 vẫn tiếp tục gia tăng. Mặc dù đã có nhiều loại vaccin được sử dụng, tuy nhiên độ bao phủ vaccin trên toàn cầu vẫn còn rất thấp. Điều đáng quan tâm là hiện nay vẫn có nhiều băn khoăn không biết vaccin nào là hiệu quả nhất. Để giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này, tác giả đã lược dịch một số ý kiến của những chuyên gia có uy tín gửi tới bạn đọc quan tâm.

tiem CDC.jpg
 Đội tiêm chủng lưu động của CDC Đồng Nai tiêm vắc xin COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên trên địa bàn tỉnh

     Trước hết, chúng ta hãy nhìn vào chỉ số hiệu quả của một số loại vaccin phòng COVID-19 hiện đang được sử dụng:

     95% là chỉ số hiệu quả của vaccin Pfizer/BioNtech (7 ngày sau liều thứ II)

     94% là chỉ số hiệu quả của vaccin Moderna (14 ngày sau liều thứ II)

     92% là chỉ số hiệu quả của vaccin Sputnik 5 (21 ngày sau liều thứ I)

     89% là chỉ số hiệu quả của vaccin Novavax  (7 ngày sau liều thứ II)

     67% là chỉ số hiệu quả của vaccin Oxford/Astrazeneca (15 ngày sau liều thứ II)

     66% là chỉ số hiệu quả của vaccin  Johnson & Johnson (28 ngày sau liều đơn)

     Nếu nhìn vào thông tin trên thì vaccin Astrazeneca và Johnson & Johnson có vẻ kém hiệu quả hơn so với Pfizer và Moderna. Nhưng điều đó là sai. Những con số này không phải là chỉ số quan trọng nhất để so sánh hiệu lực vaccin. 

    Để hiểu được cái gì quan trọng nhất, đầu tiên ta phải tìm hiểu công dụng của vaccin là gì, được đo lường thế nào.

    Cách đo lường hiệu quả vaccin  

    Chỉ số hiệu quả của vaccin được tính toán dựa trên những thử nghiệm lâm sàng qui mô lớn khi vaccin được tiêm cho hàng ngàn người. Trong những thử nghiệm lâm sàng đó sẽ có 2 nhóm đối tượng: 1 nửa được nhận vaccin, 1 nửa được nhận placebo (giả dược). Tiếp theo họ được đưa ra cộng đồng và được các nhà khoa học theo dõi trong vòng vài tháng xem họ có mắc COVID-19 hay không.

    Ví dụ: Trong thử nghiệm của Pfizer/BioNtech có 43 ngàn người tham gia, cuối cùng có 170 người bị nhiễm COVID-19. Cách mà những người này nằm trong nhóm nào sẽ quyết định chỉ số hiệu quả của vaccin. Nếu mà số 170 người này được chia đều cho 2 nhóm thì tức là bạn cũng sẽ dễ mắc bệnh như người không được tiêm và hiệu quả vaccin = 0. Còn nếu mà tất cả 170 người này nằm trong nhóm giả dược mà không có người nào tiêm vaccin thì hiệu quả vaccin là 100%.  

    Trong thử nghiệm của Pfizer có 162 người trong nhóm giả dược mắc COVID-19 và 8 người trong nhóm vaccin bị mắc COVID-19. Suy ra, hiệu quả vaccin là 95%. Có nghĩa là những người tiêm vaccin sẽ có 95% ít khả năng mắc bệnh hơn so với những người không được tiêm. 

    Trong trường hợp này không có nghĩa là 100 người tiêm thì 5 người bị bệnh. Mà thay vào đó số 95% này áp dụng với từng cá nhân một.

    Nghĩa là, 1 người được tiêm vaccin sẽ có ít hơn 95% khả năng mắc bệnh so với 1 người không được tiêm. Tất cả hiệu lực vaccin đều được tính theo cách này, nhưng mỗi thử nghiệm lâm sàng của mỗi vaccin có thể được thực hiện trong những hoàn cảnh rất khác nhau.

    Deborah Fuller – khoa Vi sinh vật học, Đại học Washington: “Điều chúng ta cần chú ý nhất đối với những thử nghiệm lâm sàng này chính là thời điểm mà nó được tiến hành. Hãy nhìn vào đồ thị biểu diễn số ca mắc COVID-19 trong 1 ngày ở Mỹ từ đầu mùa dịch tới nay và thời điểm các vaccin được thử nghiệm để rõ hơn". 

    Thử nghiệm của Moderna hoàn toàn tại Mỹ và vào mùa hè (tháng 8 đến tháng 11 năm 2020). Thử nghiệm của Pfizer cùng được thực hiện trong thời gian này (lúc dịch ở mức thấp). Tuy nhiên, thử nghiệm của Johnson & Johnson lại được thực hiện từ tháng 10/2020 đến tháng 02/2021 là thời điềm mà số mắc COVID-19 tại Mỹ lên cao nhất và nhiều khả năng người tham gia bị nhiễm COVID-19 nhiều hơn. Ngoài ra, hầu hết những thử nghiệm của Johnson & Johnson được thực hiện ở nhiều nơi khác nhau, trong đó chủ yếu ở Brazil và Nam Phi. Trong 2 nước này, không chỉ số ca mắc cao ở thời gian thử nghiệm mà chính virus cũng đã biến đổi khác trước (Nam Phi: biến thể B.1.351), (Brazil: biến thể P2).  

    Thử nghiệm này (của Johnson & Johnson) được thực hiện lúc có nhiều biến thể khác nhau và những biến thể này có khả năng gây bệnh cao hơn cho những người tham gia.Trong thử nghiệm của Johnson & Johnson ở Nam Phi thì người mắc bệnh đều mắc biến thể B.1.351 không phải là loại virus ban đầu ở Mỹ. Mặc dù vậy, vaccin của Johnson & Johnson vẫn có tác dụng tốt trong việc giảm thiểu mức độ lây bệnh. 

    Theo Amesh Adalja – Trung tâm an toàn sức khỏe tại Đại học John Hopkin: “Để so sánh 2 vaccin thì 2 vaccin này phải được thử nghiệm trong cùng 1 điều kiện, tại cùng 1 thời điểm và cùng 1 khu vực trên thế giới”.

    Theo Deborah Fuller: “Nếu chúng ta lấy vaccin của Pfizer và Moderna và đem thử nghiệm trong cùng hoàn cảnh của Johnson & Johnson thì chúng ta sẽ có những con số rất khác nhau”.

    Những chỉ số hiệu quả của vaccin chỉ thực sự cho ta thấy được kết quả của thử nghiệm lâm sàng đó chứ không phải là những gì có thể xảy ra ngoài thực tế. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng con số này không phải là con số tốt nhất để chúng ta đánh giá 1 vaccin. 

    Tác dụng của vaccin

    Theo Amesh Adalja: “Mục đích của vaccin COVID-19 không nhất thiết phải là tiêu diệt hoàn toàn virus mà mục đích chính là làm suy yếu, giảm độc lực của virus và loại bỏ bớt khả năng khiến cho bệnh nhân có những triệu chứng nặng phải nhập viện hoặc tử vong”.  

    Trong trường hợp tốt nhất, vaccin giúp bảo vệ đến mức không nhiễm nhưng thực tế mục đích của vaccin COVID-19 không phải vậy mà là giúp cho cơ thể tạo ra đủ kháng thể để loại bỏ khả năng tử vong, nhập viện, triệu chứng nặng để khi bị bệnh ta cảm thấy như bị cảm chứ không phải nhập viện (giảm 3 mức độ nặng trong số 6 mức độ diễn tiến của bệnh: không nhiễm, nhiễm không triệu chứng, triệu chứng thông thường, triệu chứng nặng, nhập viện, tử vong). 

    Và đây là điều mà vaccin COVID-19 nào cũng làm rất tốt. Trong tất cả các thử nghiệm lâm sàng, mặc dù có những ca phải nhập viện và tử vong trong số tiêm giả dược nhưng lại không có ca nào phải nhập viện hoặc tử vong trong số những người được tiêm vaccin rồi. 

    Theo Deborah Fuller, tất cả những loại vaccin COVID-19 đều có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa tử vong. Chỉ số hiệu quả không phải là thứ quan trọng nhất mà câu hỏi được đặt ra là vaccin đó có thể giúp bạn không phải nhập viện hay không và vaccin nào có thể giúp bạn sống.   

    Cũng theo Deborah Fuller: “Loại vaccin tốt nhất bây giờ chính là tất cả những cái đang có hiện nay”. 

    Amesh Adalja cho rằng: “Cứ mỗi loại vaccin được tiêm chúng ta lại càng gần hơn tới kết thúc đại dịch”.

    Tóm lại, vũ khí đặc hiệu để chống lại bệnh truyền nhiễm, chống lại đại dịch là vaccin. Các loại vaccin hiện có đều đảm bảo tính sinh miễn dịch, tính an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, độ bao phủ vaccin trên qui mô toàn cầu có ý nghĩa quyết định trong việc tiến tới việc khống chế và kết thúc đại dịch COVID-19. 

TS.BS Trần Minh Hòa 

Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Đồng Nai

Nguồn: VOX, WHO

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn