Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Một số điểm mới của Luật phòng chống ma tuý năm 2021

Luật phòng chống ma tuý 2021 được Quốc hội khoá XIV thông qua vào ngày 30-3-2021, chính thức có hiệu lực từ ngày 01-01-2022. So với Luật phòng chống Ma tuý năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008, thì Luật phòng chống ma tuý 2021 đã bổ sung thêm rất nhiều nội dung quan trọng như về trách nhiệm của cơ quan chức năng, công tác quản lí đối với người nghiện ma túy.

uong methadone1.jpg
Người sử dụng Heroin điều trị Methadone ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai.
 

     Nhiều thay đổi so với Luật phòng chống ma tuý năm 2000

     Chị Đỗ Thị Anh Đào – Trưởng phòng Phòng Xây dựng và Phổ biến, giáo dục pháp luật – Sở Tư pháp Đồng Nai cho biết: Luật phòng chống ma túy năm 2021 có 10 điểm thay đổi so với Luật phòng chống ma tuý năm 2000, sửa đổi bổ sung vào năm 2008, bao gồm về bố cục; phạm vi; giải thích từ ngữ, chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy; nguồn tài chính cho phòng, chống ma túy; các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm phòng, chống ma túy; cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; về cai nghiện ma túy. 

     Theo đó, Luật quy định rõ chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy là: Ưu tiên nguồn lực phòng, chống ma túy cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa,…và địa bàn phức tạp về ma túy. Cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, người làm công tác cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện ma túy công lập được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ, địa bàn hoạt động theo quy định của Chính phủ. Luật bổ sung quy định cụ thể về nguồn tài chính cho phòng, chống ma túy tại Điều 4, gồm: ngân sách nhà nước; nguồn tài trợ, viện trợ, đầu tư, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; chi trả của gia đình, người nghiện ma túy; các nguồn tài chính hợp pháp khác. 

     Thay đổi lớn nhất là Luật bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như: nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; Chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy; Hướng dẫn sản xuất, hướng dẫn sử dụng trái phép chất ma túy; quảng cáo, tiếp thị chất ma túy; kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy… 

     Công tác cai nghiện vẫn bao gồm 2 hình thức là cai nghiện chính (là cai nghiện ma túy tự nguyện) và cai nghiện ma túy bắt buộc. Trong đó quy trình cai nghiện ma tuý bao gồm các bước: Tiếp nhận, phân loại; Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác; Giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách; Lao động trị liệu, học nghề; Chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng. Và được bổ sung thêm những quy định: Cơ sở cai nghiện ma túy công lập; Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện; Áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy cho người Việt Nam bị nước ngoài trục xuất về nước do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy; người nước ngoài nghiện ma túy sinh sống tại Việt Nam; Quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú… 

     Công tác cai nghiện sửa đổi cơ bản và toàn diện

    Để khắc phục tình trạng bất cập trong công tác cai nghiện trong thời gian qua, Luật phòng chống ma tuý 2021 đã bổ sung các quy định đảm bảo công tác cai nghiện có hiệu quả. Đó là:

     -  Xác định tình trạng nghiện ma túy

     Quy định về xác định tình trạng nghiện, người có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện. Đây là quy định nhằm giúp phân biệt người nghiện với người sử dụng để có cách ứng xử phù hợp.

     Bổ sung quy định cho phép người lần đầu được xác định là nghiện ma túy có quyền lựa chọn biện pháp cai nghiện ma túy phù hợp (hoặc cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế).

     - Quy trình cai nghiện ma túy: Luật năm 2021 đã bổ sung quy trình cai nghiện ma túy gồm các bước: Tiếp nhận, phân loại; Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác; Giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách; Lao động trị liệu, học nghề; Chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng. 

     - Cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy: Bổ sung các quy định cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy theo hình thức hợp đồng cung cấp dịch vụ cai nghiện giữa các cơ sở đối với người nghiện. Thời gian cai nghiện thực hiện theo thỏa thuận giữa người nghiện, gia đình người nghiện với cơ sở cai nghiện, nhưng thời gian tối thiểu là 6 tháng.

     - Áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy cho người Việt Nam bị nước ngoài trục xuất về nước do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy; người nước ngoài nghiện ma túy sinh sống tại Việt Nam: Theo đó tạo điều kiện cho người nước ngoài cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện, nếu không đăng ký cai nghiện tự nguyện thì trục xuất về nước. Đối với người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy thì phải đến cơ quan chuyên môn xác định tình trạng nghiện, nếu có kết quả xác định là nghiện thì thực hiện theo các quy định về cai nghiện. 

Mai Liên



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn