Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Tăng huyết áp gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm

Tăng huyết áp là bệnh không lây nhiễm nhưng lại gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm như: suy thận, tai biến mạch máu não, các bệnh lý tim mạch... Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong.

Do huyet ap.jpg
 

Tăng huyết áp dẫn đến nhiều bệnh

     Đang trong giờ làm việc anh Trần Hữu Phước 35 tuổi (Hố Nai), bỗng lên cơn đau thắt ngực và khó thở. Sau khi đưa vào bệnh viện khám, các bác sĩ kết luận anh bị bệnh suy tim có nguyên nhân từ cao huyết áp. Hay như trường hợp của ông Ngô Tấn L. 60 tuổi, ở xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, do điều trị tăng huyết áp không  đều  dẫn  đến mới đây, ông  L. phải vào Trung tâm y tế huyện Trảng Bom sơ cứu, sau đó được chuyển lên Bệnh viện ĐK Thống Nhất. Tại đây, ông L. được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp thành dưới với các triệu chứng: đau ngực trái dữ dội, vã mồ hôi, khó thở. Ông L. được hồi sinh tim, phổi và sốc điện ngoài lồng ngực đến 20 lần mới tạm qua cơn, nhưng sau đó bệnh nhân lại ngưng tim, cuối cùng phải can thiệp mạch vành cấp cứu để cứu sống bệnh nhân.

     Tăng huyết áp gây ra các tổn thương ở các bộ phận của cơ thể. Cụ thể, tổn thương ở não, tim mạch, thận (viêm cầu thận, suy thận…),  xơ vữa động mạch toàn thân… Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Vân, Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện ĐK Ðồng Nai cho biết, hiện nay, bệnh tăng huyết áp khá phổ biến trong bệnh lý tim mạch.  Huyết áp cao sẽ gây ra các biến chứng về tim mạch như: nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim… Hầu như ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân bị đột quỵ do tăng huyết áp gây ra.

     Bác  sĩ  Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện ĐK Thống Nhất cho hay, trong đơn thuốc của bệnh nhân suy thận, có đến 90% là thuốc tăng huyết áp. Có nhiều nhóm nguyên nhân suy thận, trong đó, tăng huyết áp dẫn đến suy thận và ngược lại suy thận gây tăng huyết áp chiếm tỷ lệ lớn. Đáng ngại nhất là chỉ khi phát bệnh người dân mới đi khám. Lúc đó, có người phát hiện mình mang nhiều bệnh cùng lúc như bị suy thận kèm tăng huyết áp…  

Phát hiện sớm bằng cách đo huyết áp

     Theo bác sĩ Đinh Đức Hòa, Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện ĐK Thống Nhất, tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong cao trong các bệnh không lây nhiễm. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng phù phổi cấp, suy tim do bệnh tăng huyết áp. Nếu không được xử lý kịp thời, những bệnh nhân này sẽ tử vong rất nhanh. Nguy hiểm nhất vẫn là những biến chứng đột ngột tại nhà, không được xử lý kịp thời.

     Đa phần người bị tăng huyết áp không có triệu chứng điển hình, một số người thường có triệu chứng đau đầu vùng sau gáy, chóng mặt thường xuyên, tim đập nhanh, đau tức vùng ngực, vã mồ hôi, chân tay lạnh, mất ngủ, dễ nóng giận, gặp vấn đề về tầm nhìn… Vì thế chúng ta không thể căn cứ vào triệu chứng đau đầu, chóng mặt để uống thuốc hạ huyết áp, bởi vì nhức đầu, chóng mặt không phải thường xuyên xuất hiện và là triệu chứng của rất nhiều bệnh khác nữa. Chính vì không có dấu hiệu rõ ràng, tốt nhất để biết tình trạng về huyết áp, người bệnh phải thường xuyên đi kiểm tra huyết áp định kỳ. 

     “Để phòng bệnh tăng huyết áp, ngoài việc tập thể dục và có chế độ ăn uống thích hợp thì phương pháp đơn giản nhất là đo huyết áp tại nhà. Khi đo huyết áp, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, không sử dụng chất kích thích và lấy chỉ số huyết áp cả hai tay. Ðể kết luận mắc bệnh cao huyết áp, cần phải đo huyết áp 3 lần ở 3 thời điểm khác nhau mà chỉ số huyết áp vẫn cao”, bác sĩ Hòa khuyến cáo. 

     Bác sĩ Vân cho hay, bệnh tăng huyết áp được phát hiện và điều trị sớm sẽ giữ mức ổn định và không xảy ra các biến chứng. Nhưng nhiều bệnh nhân bị bệnh lại không được phát hiện dẫn đến các biến chứng nặng nề. Ðể phòng tránh, cần có chế độ ăn nhạt, giảm muối trong khẩu phần ăn; hạn chế ăn thức ăn nhanh do có lượng dầu mỡ, muối cao. Bên cạnh đó, cần vận động tập thể dục thể thao, không để béo phì vì đây là nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp; không hút thuốc lá, uống rượu, bia. Khi đã mắc bệnh, bệnh nhân phải uống thuốc, tái khám đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ để duy trì huyết áp ổn định theo lứa tuổi.

Sao Mai


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn