Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

CHÂM CỨU ĐIỀU TRỊ BÍ TIỂU SAU SINH

Bí tiểu là hiện tượng có nước tiểu trong bàng quang mà không đi tiểu được. Đây là một trong những biến chứng thường gặp sau sinh, nhất là khi sinh ngả âm đạo. Theo nghiên cứu của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, năm 2001 – 2002 có trên 384 trường hợp sinh ngả âm đạo, thì tỷ lệ bí tiểu sau sinh chiếm 13,5%. Tuy không gây nguy hiểm, nhưng bí tiểu gây khó chịu về vận động và cảm giác cho người mẹ.

cham-cuu.jpg
 

Biểu hiện lâm sàng

     Sau sinh khoảng 3 – 4 giờ trở đi, người mẹ có cảm giác mắc đi tiểu nhưng không thể nào đi tiểu được. Khám lâm sàng thấy bụng mềm, vùng dưới rốn ngoài khối cầu an toàn đó là khối tử cung co hồi tốt, xuất hiện một khối cầu khác đó là cầu bàng quang, ấn vào cảm giác căng tức. Sau khi được hướng dẫn tập đi tiểu như ngồi theo tư thế tự nhiên, đắp ấm trên bụng vùng dưới rốn và mở vòi nước cho chảy từ từ. Nhưng kết quả người mẹ cũng không tự đi tiểu được. Cảm giác ngày càng căng tức và khó chịu. 

     Một số nguyên nhân dẫn đến bí tiểu sau sinh như: Co thắt cơ cổ bàng quang; cắt may tầng sinh môn gây sưng nề nên không dám rặn tiểu vì đau. Sau khi sinh, bàng quang không nhạy cảm với kích thích khi nước tiểu đầy gây bí tiểu. Ngoài ra khi bí tiểu, động tác thông tiểu nhiều lần gây viêm bàng quang, làm cho triệu chứng bí tiểu thể hiện rõ. 

Biện pháp điều trị bằng châm cứu đạt hiệu quả cao

     Cần giải quyết tình trạng bí tiểu sau sinh với bốn nguyên tắc sau: tập đi tiểu để tạo lại phản xạ đi tiểu, dùng thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng, dùng thuốc kháng viêm chống phù nề chèn ép vào cổ bàng quang và hỗ trợ tăng cường trương lực bàng quang giúp khả năng co bóp bàng quang trở lại bình thường.  

     Y học Cổ truyền cho rằng, bí tiểu hoặc tiểu khó ở phụ nữ sau sinh thuộc chứng Lung bế. Bệnh do sau khi sinh khí huyết suy hư gây ra hoặc trước sinh có tiềm ẩn Bàng quang thấp nhiệt. 

     Điều trị bằng y học cổ truyền có nhiều phương pháp  như: Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, dùng thuốc… Trong đó châm cứu là phương pháp đơn giản nhất và có thể giải quyết ngay tình trạng co thắt cơ và viêm xung huyết ở bàng quang. Năm 2010 – 2011, tại Bệnh viện Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh điều trị 61 sản phụ bí tiểu, tiểu khó ở phụ nữ sau sinh ngả âm đạo bằng châm cứu huyệt: Quan nguyên, Khí hải, Trung cực, Khúc cốt, Tam âm giao, tỷ lệ thành công là 98,36% và được nhiều bệnh viện tại TP. HCM áp dụng đạt hiệu quả tốt. Tại Bệnh viện ĐK Thống Nhất tỉnh Đồng Nai, từ năm 2007 đến nay sản phụ bí tiểu sau sinh được điều trị bằng châm cứu với công thức huyệt như trên, đa số đạt kết quả tốt sau 1 – 2 lần châm.

     Bí tiểu là một biến chứng thường gặp sau sinh, ngoài các biện pháp điều trị Tây y thì nên áp dụng phương pháp châm cứu để đem lại hiệu quả tốt và không gây tác dụng bất lợi cho sản phụ.   

     Để phòng tránh bí tiểu, sau khi sinh người mẹ sớm vận động nhẹ nhàng, không nên lo sợ đau đớn đối với vết may tầng sinh môn mà nín tiểu, tập rặn tiểu bình thường theo tư thế tự nhiên. Uống nhiều nước, vệ sinh vùng âm hộ sạch sẽ bằng nước sạch và dung dịch rửa vệ sinh phụ khoa. Luôn giữ khô vùng âm hộ, tránh nhiễm trùng vết may tầng sinh môn. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ giúp phục hồi sức khỏe sau sinh và cung cấp đủ sữa mẹ cho con bú.

               BSCKI. Đặng Thanh Thế - Bệnh viện ĐK Thống Nhất



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn