Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Cải tiến nhét mechè mũi sau trong chảy máu mũi bằng Sonde foley tại bệnh viện ĐKKV Định Quán

I. ĐẶT VẤN ĐỀ Chảy máu mũi trước, sau là một cấp cứu tai mũi họng thường gặp ở trẻ em cũng như người lớn. Có nhiều cách cầm máu khác nhau tùy thuộc vào vị trí và mức độ chảy máu. Có thể bịt cánh mũi trong 10 phút đối với trường hợp chảy máu mũi trước mức độ nhẹ; chảy máu điểm mạch Kisselbach có thể dùng miếng cầm máu spon-gel dán vào điểm mạch; trường hợp chảy máu mũi nhiều ở mũi trước thì nhét mechè mũi trước để cấm máu. Nếu chảy máu mũi trước và mũi sau nặng thì ta nhét mechè mũi sau. Phương pháp này gây khó chịu cho bệnh nhân trong việc ăn uống, cục gạc có sự ma sát lớn dễ gây tổn thương và hoại tử cửa mũi sau thành sau họng, thủ thuật lại thực hiện khó khăn, nhiều lúc bệnh nhân đau đớn, bất hợp tác.

     Với việc cải tiến nhét mechè mũi sau bằng sonde foley được thực hiện nhẹ nhàng, không ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân, bệnh nhân dễ chấp nhận và hợp tác hơn. Nó như một “nệm nước” nâng đỡ và bịt kín thành sau họng không cho chảy máu xuống họng. Phương pháp thực hiện đơn giản và không cần bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng thực hiện, chỉ cần hướng dẫn các bác sỹ hay điều dưỡng một vài lần thì có thể thực hiện được dễ dàng và thành thạo.

nckh.jpg 

Nhét mechè mũi sau bằng sonde foley


II. MUC TIÊU NGHIÊN CỨU

     - Mục tiêu cụ thể: Cải tiến thủ thuật nhét mechè mũi sau bằng sonde foley.

     - Mục tiêu lâu dài: Hướng dẫn cho tất cả các bác sĩ cũng như điều dưỡng có thể thực hiện được thủ thuật này một cách thành thạo trong các khoa phòng. 

III. TỔNG QUAN VỀ BỆNH LÝ CHẢY MÁU MŨI

     - Sinh lý cấu tạo niêm mạc mũi:

     Lưới mao mạch dày đặc, nổi rất nông để thực hiện chức năng làm ấm và làm ẩm không khí trước khi vào phổi. Do đó chỉ cần một chấn thương nhẹ như ngoáy hoặc va quệt nhẹ vào cánh mũi là có thể gây chảy máu mũi. Mùa hanh, lạnh niêm mạc mũi dễ bị nứt nẻ gây chảy máu.

     - Chấn thương và bệnh lý gây chảy máu mũi:

     Mạch máu cung cấp cho lưới mao mạch mũi gồm: Động mạch cảnh ngoài với các nhóm động mạch bướm khẩu cái, động mạch khẩu cái lên; động mạch cảnh trong với các nhóm động mạch sàng trước, động mạch sàng sau. Các nhánh động mạch này quy tụ tại một điểm ở phía trước và dưới vách ngăn, cách cửa mũi trước khoảng 1,5cm, gọi là điểm mạch Kisselbach. Nếu va chạm vào điểm mạch này, thường gây chảy máu nặng.

     Chấn thương như: tai nạn lao động, tai nạn giao thông, bị đánh… Bệnh nhân mắc bệnh: tăng huyết áp, bạch cầu tủy cấp, suy tủy, bệnh ưa chảy máu, sốt xuất huyết, suy gan, suy thận…

     - Nhận biết chảy máu mũi nặng nhẹ:

     Chảy máu mũi nặng: Do tổn thương động mạch mũi trong các bệnh cao huyết áp (HA), xơ vữa động mạch, xơ gan…, máu chảy nhiều thành dòng kéo dài, bệnh nhân trong trạng thái kích thích, hốt hoảng, môi mặt xanh nhợt, mạch nhanh, huyết áp hạ, số lượng máu mất nhiều hơn 200ml hay gặp ở bệnh nhân lớn tuổi có bệnh mạn tính; hoặc chấn thương gây tổn thương động mạch sàng và thường chảy máu khó cầm. Soi mũi rất khó thấy điểm chảy vì điểm chảy thường ở trên cao và ở phía sau, nhưng lượng máu chảy ra nhiều.

IV. CÁC KỸ THUẬT CẦM MÁU MŨI:

1. Trường hợp chảy máu mũi nhẹ:

     Nếu chảy máu mũi nhẹ, chảy máu ra từ điểm mạch, người cấp cứu dùng 2 ngón tay bóp hai cánh mũi lại, giữ chặt tay để cho điểm Kisselbach được ép lại cầm máu. Dùng bông có tẩm dung dịch cầm máu như oxy già 12 thể tích, ephedrin 1-3% nhét vào lỗ mũi, ép đè lên chỗ chảy máu.

2. Trường hợp chảy máu nặng: Sử dụng phương pháp nhét mechè mũi trước hoặc mũi sau.

     Nhét mechè mũi trước: Gây tê hốc mũi bằng lidocain, dùng cuộn mechè có bề rộng 1-1,5cm, bề dài 50cm tẩm mỡ kháng sinh vào mũi. Chú ý nhét mechè có hình đáy võng để mechè không bị tụt xuống thành sau họng, nhét chặt từ sau ra trước cho tới khi đầy ra tận cửa mũi trước, dùng đè lưỡi kiểm tra xem máu có chảy xuống thành sau họng hay không, nếu không thấy chảy xuống là tốt. Thời gian lưu mechè từ 24-48 giờ. 

     Đối với trường hợp chảy máu nhiều do chấn thương, tăng huyết áp..., nếu nhét mechè mũi trước mà chưa cầm máu thì phải nhét mechè mũi sau. Cách nhét mechè mũi sau: Dùng cục gạc bịt kín cửa mũi sau để ngăn không cho máu chảy xuống thành sau họng, đường kính cục gạc khoảng 2-2,5cm có buộc dây ở giữa, mỗi đầu dài khoảng 30cm. Sau khi bịt kín được cửa mũi sau phải tiếp tục nhét mechè mũi trước, lưu mechè mũi sau từ 48 – 72 giờ. Trong thời gian này phải điều trị kháng sinh để chống nhiễm khuẩn.

V. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU:

1. Nguyên lý dụng cụ:

     Theo nguyên lý cầm máu mũi trước, sau đối với những trường hợp chảy máu nặng, chỉ cần bịt cửa mũi sau và trước là hết chảy máu. Trước tiên chúng tôi đặt một miếng tăm bông có tẩm dung dịch Rhinex 0,3% vào dưới cuốn mũi để co cuốn mũi dưới, sau dó sử dụng một ống sonde foley tùy theo kích cỡ cửa mũi của bệnh nhân, đảm bảo nhỏ hơn ống mũi của bệnh nhân. Dụng cụ đủ nhỏ để đưa vào khe mũi, đủ độ rộng dễ dàng đưa xuống thành sau họng của bệnh nhân.

     Chuẩn bị y cụ: 1 khay đựng dụng cụ; 1 ống sonde foley; 1 mechè mũi trước; 1 lọ Rhinex (thuốc co mạch); 1 sợi chỉ 2.0; 1 tube Vaseline.

2. Tiến hành thủ thuật:

     Cho bệnh nhân nằm ngửa, đầu bằng phẳng. Trước tiên chúng tôi đặt một miếng tăm bông có tẩm dung dịch Rhinex 0,3% vào dưới cuốn mũi dưới để co cuốn mũi dưới làm rỗng hốc mũi. Sau 5 phút lấy tăm bông ra, sau đó sử dụng một ống sonde foley tùy theo kích cỡ cửa mũi của bệnh nhân có bôi trơn bằng mỡ Vaseline đưa từ cửa mũi trước ra thành sau họng, đến lúc bệnh nhân có cảm giác vướng họng, dùng đè lưỡi xác định ống sonde nằm thành sau họng. Tiến hành bơm 5ml nước cất vào bóng của ống sonde, kéo ngược ống sonde nhẹ nhàng về phía cửa mũi sau đến khi có cảm giác chựng lại, tiếp tục bơm 4- 6ml nước cất, kiểm tra thành sau họng không chảy máu là được. Kéo căng ống sonde về phía cửa mũi trước, nhét mèche mũi trước, cố định ống sonde bằng sợi chỉ 2.0 vào một miếng gạc, giữ đầu ống sonde bằng cách băng dính vào niêm mạc má. Sau 48- 72 giờ thì rút mechè.

     Dùng kháng sinh điều trị trong thời gian lưu mechè mũi thường là cephalexin 0,5g x 3v/ngày hay cefixim 0,2g x 2v/ngày x 3-5 ngày.

     Rút mechè mũi cũng đơn giản, chỉ cần lấy mechè mũi trước ra, sau đó hút nước trong ống sonde foley ra hết, tiếp tục rút sonde ra khỏi mũi. 

Biến chứng của phương pháp nhét mechè mũi sau:

     - Tụt mèche mũi.

     - Vỡ bóng ống sonde foley

     - Suy hố hấp do thiếu khí.

     - Hoại tử vách ngăn mũi.

     - Tổn thương niêm mạc cửa mũi sau.  

VI. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN 

     Bệnh viện ĐKKV Định Quán đã sử dụng phương pháp nhét mechè mũi sau bằng sonde foley từ tháng 4-2013 trong điều trị cầm máu mũi của các bệnh lý gây chảy máu mũi như: cao huyết áp; chấn thương vùng mũi, mặt; sốt xuất huyết Dengue; xuất huyết giảm tiểu cầu… 

Kết quả đạt được:

     - Không có trường hợp nào chảy máu, tụt mechè trong thời gian lưu mechè mũi sau. 

     - Không có viêm nhiễm hoặc hoại tử vách ngăn mũi, thành sau họng, cửa mũi sau.

     - Bệnh nhân ăn uống bình thường không cảm thấy khó chịu, ăn uống kém như nhét mechè kiểu cổ điển.

     - Không có trường hợp nào hoại tử vách ngăn mũi. 

     - Tùy từng trường hợp chúng tôi rút mechè mũi sau 48 giờ nhẹ, vừa và 72 giờ đối vối những trường hợp chảy máu nặng. 

     - Thường dùng kháng sinh nhóm betalactam trong 3-5 ngày kết hợp kháng viêm và giảm đau.  

     So với phương pháp nhét mechè mũi sau cổ điển trước đây (bằng cục gạc lấp cửa mũi sau) thì phương pháp này ưu việt hơn nhiều. Nó đơn giản, tiến hành dễ dàng, ít gây khó chịu cho bệnh nhân, không gây tổn thương niêm mạc cửa mũi sau và thành sau họng. Phương pháp này có thể thực hiện được bởi bác sỹ, điều dưỡng không phải thuộc chuyên khoa tai mũi họng.

VII. KẾT LUẬN

     Nhét mechè mũi sau bằng sonde foley nhanh chóng, hiệu quả, đơn giản hơn nhiều so với các phương pháp trước đây. Có thể áp dụng rộng rãi cho nhân viên các khoa, phòng có giường bệnh của bệnh viện trong điều trị cấp cứu chảy máu mũi của nhiều bệnh lý khác nhau./.

BS.CKI Nguyễn Sông Cửu Long

Bệnh viện ĐKKV Định Quán



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn