Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Khảo sát vai trò của siêu âm trong chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh lồng ruột tại bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai năm 2015 – 2016

I. ĐẶT VẤN ĐỀ Lồng ruột là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ nhỏ, chiếm tỷ lệ 0,3 – 0,5% trẻ em. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp nhất từ 5 - 9 tháng, đặc biệt ở những trẻ bụ bẫm; trẻ trên 2 tuổi chiếm 15% và tỷ lệ này càng giảm khi trẻ lớn lên. Trẻ em trai bị lồng ruột chiếm 70%. Khi trẻ bị lồng ruột, trẻ có các biểu hiện bất thường như: khóc thét vì đau bụng, nôn mửa, bỏ bú, sau đó bụng chướng căng, đi tiêu phân máu lẫn nhầy và có thể toàn máu tươi. Trong nhiều trường hợp bệnh, các triệu chứng lâm sàng có thể gây nhầm lẫn. Thực tế, chỉ 30 - 68% trẻ có dấu hiệu lâm sàng gợi ý lồng ruột được chứng thực là có lồng ruột. Hiện nay siêu âm được xem là phương tiện cận lâm sàng phổ biến giúp chẩn đoán lồng ruột với độ chính xác cao: độ nhạy 98 - 100%, độ đặc hiệu 88 - 100%. Để đánh giá vai trò của siêu âm góp phần hỗ trợ lâm sàng trong chẩn đoán và điều trị bệnh lồng ruột tại BVNĐĐN, chúng tôi tiến hành đề tài: “Khảo sát vai trò của siêu âm trong chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh lồng ruột tại BVNĐĐN năm 2015 - 2016”. Đề tài được thực hiện với các mục tiêu sau:

​     1. Xác định tỉ lệ các đặc điểm dịch tễ của bệnh nhân lồng ruột.

     2. Xác định mối tương quan giữa lâm sàng và siêu âm trong chẩn đoán và điều trị lồng ruột 

     3. Xác định các yếu tố liên quan đến kết qủa điều trị bệnh lồng ruột.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

     1. Tiêu chí chọn mẫu: Tất cả bệnh nhân được chẩn đoán lồng ruột trên lâm sàng và/hoặc không có siêu âm, được bơm hơi tháo lồng và kiểm tra lại bằng siêu âm, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai từ 01/06/2015 đến 31/05/2016.

     2. Thiết kế nghiên cứu: Hồi cứu mô tả cắt ngang

     3. Xử lý và phân tích số liệu: Bằng phần mềm SPSS 21.0 for Windows

III. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN 

Trong thời gian từ 01/06/2015 đến 31/05/2016, có 152 bệnh nhân lồng ruột đủ tiêu chí chọn bệnh đưa vào lô nghiên cứu, với các đặc điểm sau:

1. Đặc điểm dịch tễ của bệnh nhân lồng ruột:

     - Giới tính: Nam mắc bệnh nhiều hơn nữ: tỷ số nam/nữ = 1,5/1. Theo Vũ Tuấn Ngọc và Nguyễn Đình Đức: tỷ số này là 2/1; Nguyễn Hữu Chí là 1,2/1. Trong nghiên cứu của Lloyd DA thường gặp ở nam nhiều hơn nữ. Điều này được giải thích do áp suất trong bụng trẻ nam mạnh hơn trẻ nữ, nhu động ruột ở trẻ nam cũng khỏe hơn trẻ nữ. 

     - Tuổi: Đa số lồng ruột xảy ra ở trẻ < 24 tháng (60,5%), có 4 trẻ > 60 tháng (2,6%). Phù hợp với nghiên cứu của Lloyd DA xảy ra thường nhất từ 6 - 18 tháng, sau 2 tuổi tỷ suất sẽ giảm dần và chiếm 20% ở trẻ trên 2 tuổi. 

     - Nơi cư trú: Những trẻ sống ở thành phố, gần bệnh viện nên có tỉ lệ nhập viện cao (52,6%); trẻ lồng ruột cũng xảy ra nhiều ở nông thôn và miền núi (47,4%).

     - Tần suất: 127 trẻ (83,6%) bị lồng ruột lần đầu, 25 trẻ bị lồng ruột từ 2 lần trở lên.

2. Mối tương quan giữa lâm sàng và siêu âm trong chẩn đoán và điều trị lồng ruột:

2.1. Triệu chứng lâm sàng

     Ba triệu chứng: khóc thét, nôn vọt, tiêu đàm máu được coi là tam chứng kinh điển để chẩn đoán lồng ruột ở trẻ nhũ nhi. Đa số trẻ có triệu chứng lâm sàng của bệnh lồng ruột, như: quấy khóc 80,3%; nôn ói 75%; đau bụng 96,1%; không đi tiêu 33,7%; tiêu máu 24,3%; bụng chướng 4,1%; sờ thấy khối lồng 64,3%; phản ứng thành bụng 30,4%; hố chậu phải rỗng 45,5%; thăm trực tràng có dính máu theo găng 11,9%.

2.2. Kết quả siêu âm lần 1 

     136 ca lồng ruột (90,7%) được mô tả trên siêu âm là hình bia, thấp hơn các nghiên cứu khác (Nguyễn Viết Hải là 98,7%; Nguyễn Hữu Chí là 100%). Đa số những trường hợp khối lồng nằm trong đại tràng, vùng dưới gan. Hình ảnh corcarde (hình bia) không phải là hình ảnh đặc trưng của lồng ruột, có thể gặp trong bệnh Crohn, viêm ruột non, ruột già, máu tụ hay xoắn ruột. Các hình ảnh khác giúp chẩn đoán lồng ruột không được nhân viên siêu âm mô tả, như: dịch trong khối lồng, dịch tự do trong ổ bụng, dày thành ruột, tắc ruột. Theo Ingrid Britton khi không có dịch tự do hoặc dịch trong khối lồng, không có dấu tắc ruột, tỉ lệ tháo lồng bằng hơi thành công 93%. Ngược lại, khi có dịch trong khối lồng, tỉ lệ thành công 25%. 

2.3. Tương quan giữa chẩn đoán lâm sàng, kết luận của siêu âm và chỉ định điều trị lồng ruột

- Xử trí ngay sau nhập viện 

Kết luận

Chỉ định điều trị

Giá trị p

Bơm hơi

n (%)

Phẫu thuật

n (%)

Theo dõi

n (%)

Lâm sàng (n = 152)

 

Lồng ruột

121 (79,6)

4 (2,6)

27 (17,8)

0,001

Không LR

0

0

0

 

Siêu âm (n = 150)

0,01

Lồng ruột

121 (80,7)

3 (2)

26 (17,3)

 

Không LR

0

1 (50)

1 (50)

 


     Trong số 152 ca lồng ruột trên lâm sàng, 150 ca (98,7%) được chẩn đoán lồng ruột trên siêu âm, có: 121 ca được tháo lồng bằng hơi, 4 ca chuyển sang phẫu thuật do nhập viện muộn và 27 ca tiếp tục theo dõi (17,8%). Như vậy chỉ định điều trị đã được cân nhắc kỹ khi lâm sàng và siêu âm không tương thích với nhau, trong đó mô tả hình ảnh siêu âm không chi tiết đã làm các nhà lâm sàng đắn đo trong cách chọn lựa phương pháp điều trị lồng ruột. 

     - Sau tháo lồng lần đầu: Trong 27 ca theo dõi trước đó: chẩn đoán lồng ruột của lâm sàng là 5 ca trong khi siêu âm là 13 ca, chẩn đoán không lồng ruột của lâm sàng là 22 ca trong khi siêu âm là 14 ca. Như vậy kết luận của siêu âm là lồng ruột và không lồng ruột cao hơn lâm sàng là 16 ca (59,3%). 

3. Các yếu tố liên quan đến kết quả điều trị:

3.1. Các yếu tố thuộc khoa Chẩn đoán hình ảnh

Tỉ lệ bệnh nhân lồng ruột không có chỉ định điều trị cần theo dõi thêm xảy ra ở các biến số như sau:

     - Người siêu âm: Của cử nhân cao hơn của bác sĩ: 22,7% so với 15,7%.

     - Thời điểm siêu âm trong ngày: 7 – 11g30 (22%), 13 – 16g (21,4%) và 5 – 7g (33,3%).

     - Số bệnh nhân siêu âm trong 1 ngày: < 100 bệnh nhân (28,6%) và > 150 bệnh nhân (20%).

     - Kết quả siêu âm: Hình bia (0,7%), hình giả thận (12,5%) với p < 0,05.

3.2. Các yếu tố thuộc BS thực hiện tháo lồng 

Sau tháo lồng bằng bơm hơi, hình ảnh lồng ruột trên siêu âm vẫn còn được mô tả nhiều trên các biến số sau:

     - Áp lực bơm: 80 mmHg (14,3%) và 110 mmHg (13,6%).

     - Số lần bơm hơi: 3 lần (10%), 4 lần (100%).

     - Thời gian lưu hơi trong lòng ruột: 1 phút (7,1%).

     - Cảm giác khối lồng chưa được tháo: 33,3%.

     - Bụng còn chướng sau bơm hơi tháo lồng: 7,8%.

     - Thời điểm siêu âm sau tháo lồng: 30 – 60 phút (5%), 60 – 120 phút (7,2%)

     Theo các tác giả: Tháo lồng với áp lực chuẩn 90 - 110 mmHg, duy trì một áp lực cao nhất không quá 3 - 4 phút một lần, không tháo quá 3 lần, mỗi lần tháo nghỉ 5 phút. Dấu hiệu tháo lồng thành công khi: cột áp lực không lên cao được khi tiếp tục tiến hành bơm hơi vào ruột; bụng chướng tròn đều, đặc biệt là bụng giữa không xẹp đi nhiều sau khi đã ngưng tháo và lưu thông trực tràng; hơi qua thông dạ dày; không sờ thấy u lồng và các triệu chứng của lồng ruột được cải thiện nhanh chóng; X quang hay siêu âm kiểm tra không còn hình ảnh lồng ruột và hơi tràn đầy vào các quai ruột non. Như vậy việc không tiến hành đầy đủ các bước trong quá trình điều trị tháo lồng bằng hơi của các bác sĩ đã ảnh hưởng đến kết quả siêu âm sau đó: chẩn đoán siêu âm vẫn là lồng ruột mặc dù đã tháo lồng thành công.

IV. KẾT LUẬN

     Lồng ruột là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ nhỏ và siêu âm là phương tiện cận lâm sàng phổ biến giúp chẩn đoán lồng ruột với độ chính xác cao.   

TS. BS Nguyễn Trọng Nơi và Cộng sự

Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn