Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Phòng ngừa các biến chứng của bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp (THA) là bệnh lý tim mạch nguy hiểm được xem như “kẻ giết người thầm lặng” vì toàn bộ sự tiến triển của bệnh thường diễn ra âm thầm không có triệu chứng cảnh báo trước, khi phát hiện bệnh thì bệnh đã nặng với nhiều biến chứng nghiêm trọng.

khambenhCDC.jpg 
BS.Nguyễn Văn Tuấn – phòng Tư vấn phòng chống bệnh không lây nhiễm CDC Đồng Nai kiểm tra huyết áp định kỳ cho bệnh nhân tăng huyết áp.
 
 

​     Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc bệnh toàn cầu (12,7%) cao hơn các nguyên nhân khác như sử dụng thuốc lá (8,7%) hay tăng đường máu (5,8%). Tần suất THA nói chung trên thế giới là khoảng 41% ở các nước phát triển và 32% ở các nước đang phát triển.

    Tại Việt Nam, tần suất THA ở người lớn ngày càng gia tăng. Trong những năm 1960 tỷ lệ THA là khoảng 1%, năm 1992 là 11,2%, năm 2001 là 16,3% và năm 2005 là 18,3%. Theo một điều tra gần đây nhất của Viện Tim mạch Việt Nam tiến hành ở người lớn (≥ 25 tuổi) tại 8 tỉnh và thành phố của nước ta thì thấy tỷ lệ THA đã tăng lên đến 25,1% nghĩa là cứ 4 người lớn ở nước ta thì có 1 người bị THA.

    Cũng theo Viện Tim mạch Việt Nam, trong số những người bị THA ở nước ta thì có tới 52% là không biết mình có bị THA; 30% của những người đã biết bị THA nhưng vẫn không có một biện pháp điều trị nào và 64% những người THA đã được điều trị nhưng vẫn chưa đưa được huyết áp về số huyết áp mục tiêu. 

    Tại Đồng Nai, đến hết năm 2022 tổng số người bệnh THA được quản lý là 79.163 người, trong đó chỉ có 38.645 (48,8%) người được khám, cấp thuốc điều trị còn lại vẫn chưa có một biện pháp điều trị nào.

Triệu chứng cảnh báo bệnh tăng huyết áp

    Bệnh không có dấu hiệu đặc trưng. Các triệu chứng của bệnh THA rất phức tạp và nặng nhẹ khác nhau, biểu hiện tuỳ thuộc theo thể trạng của từng người. Những triệu chứng thường gặp của THA là: Choáng váng, nhức đầu; mất ngủ, chóng mặt, ù tai, hoa mắt; khó thở, đau tức ngực, hồi hộp; đỏ mặt, buồn nôn. Tuy nhiên đa số người mắc bệnh THA không có triệu chứng gì và phần lớn người THA thậm chí còn không biết mình bị bệnh. Các triệu chứng kể trên thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã tiến triển nặng. 

Biến chứng của bệnh tăng huyết áp 

   Tăng huyết áp nếu không được điều trị đúng và đầy đủ sẽ có rất nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí có thể gây tử vong hoặc để lại các di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, sức lao động của người bệnh và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. 

Một số biến chứng chính của tăng huyết áp gồm:

    Các biến chứng về tim: Cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim…

    Các biến chứng về não: Xuất huyết não, nhũn não, bệnh não do THA…

    Các biến chứng về thận: Phù, suy thận…

    Các biến chứng về mắt: Mờ mắt, xuất huyết, xuất tiết và phù gai thị.

    Các biến chứng về mạch máu: Phình hoặc phình tách thành động mạch, các bệnh động mạch ngoại vi… 

    Các biện pháp phòng biến chứng bệnh tăng huyết áp

    Để phòng các biến chứng nguy hiểm từ bệnh THA, người bệnh cần thực hành lối sống lành mạnh và tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ. 

    Thực hiện lối sống lành mạnh gồm các biện pháp: chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng; giảm ăn mặn (< 5 gam muối hay 1 thìa cà phê muối mỗi ngày); tăng cường rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế thức ăn có nhiều chất béo có hại (thức ăn nhanh, các loại đồ nướng, bánh ngọt…); tích cực giảm cân (nếu quá cân), duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9 kg/m2; cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90 cm ở nam và dưới 80 cm ở nữ; hạn chế uống rượu, bia; ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá, thuốc lào; tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày; tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần có chế độ thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; tránh bị lạnh đột ngột. Các biện pháp này được áp dụng cho mọi bệnh nhân để ngăn ngừa bệnh tiến triển và giảm được số đo huyết áp, đưa chỉ số huyết áp về số huyết áp mục tiêu, giảm số thuốc cần dùng.

    Bên cạnh đó, người bệnh cần tuân thủ điều trị, uống thuốc đúng, đủ liều, đồng thời cần tái khám theo đúng chỉ định của của bác sĩ để phát hiện sớm các biến chứng cũng như tác dụng phụ của thuốc.

BS.Hồ Thị Hồng

CDC Đồng Nai

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn