TS.BS Trần Minh Hoà - Giám đốc CDC Đồng Nai chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của CDC Đồng Nai về hoạt động y tế dự phòng 6 tháng đầu năm, tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều diễn biến phức tạp. Một số dịch bệnh lưu hành địa phương như Sốt xuất huyết, Tay chân miệng có số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên bệnh Sốt xuất huyết có tỷ lệ chết/mắc là trên 2‰ cao hơn so với trung bình hàng năm và cao hơn so với tỷ lệ Quốc gia (dưới 1‰), nguyên nhân do tuyp vi rút gây bệnh hoặc do công tác tiếp nhận điều trị bệnh. Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 1.747 ca SXH và có 4 ca tử vong; Bệnh Tay chân miệng trong những ngày cuối tháng 6 số ca mắc đang có chiều hướng tăng cao và gần chạm đỉnh dịch của năm 2022. Có 4/8 bệnh có số mắc tăng so với cùng kỳ 2022 và không ghi nhận tử vong. Cụ thể bệnh Thủy đậu ghi nhận 803 ca, tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2022 (277 ca). Bệnh Tiêu chảy: ghi nhận 6.580 ca, tăng 31,42% so với cùng kỳ 2022 (5.007 ca). Cúm: ghi nhận 10 ca, tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2022 (01 ca); Bệnh do vi rút Adeno: ghi nhận 02 ca, tăng so với cùng kỳ năm 2022 (0 ca).
Công tác tiêm chủng mở rộng gặp nhiều khó khăn: Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đầy đủ chưa đạt do thiếu một số loại vắc xin: Sởi, Sởi -Rubella, bạch hầu, DPT-VGB-Hib, Viêm não Nhật Bản, Lao từ tháng 5 - 2022 nên nhiều trẻ chưa được tiêm chủng, nguy cơ xuất hiện trở lại các loại dịch bệnh là rất lớn.
Một số dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người có nguy cơ mắc/chết cao, trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh đã ghi nhận 3 ổ dịch Dại trên chó tại huyện Vĩnh Cửu và Trảng Bom. Bên cạnh đó, một số bệnh mới nổi như: Đậu mùa khỉ, dịch cúm gia cầm H5N1 xâm nhập vào Việt Nam cùng với mùa mưa tới sớm là nguy cơ bùng phát các bệnh lưu hành địa phương như SXH. Tình hình bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, tuy nhiên vi rút vẫn còn và có nguy cơ biến đổi, do đó việc chủ động phòng ngừa và kiểm soát là không được chủ quan.
Công tác phòng chống các bệnh không lây nhiễm được chú trọng như: triển khai mô hình quản lý bệnh tăng huyết áp; Tăng cường công tác truyền thông về bệnh tăng huyết áp bằng nhiều hình thức. Duy trì quản lý, chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng (PHCN) cho bệnh nhân tâm thần phân liệt; triển khai sàng lọc, quản lý, chăm sóc và điều trị bệnh nhân động kinh, trầm cảm. Công tác quản lý bệnh nhân ung thư trên địa bàn tỉnh: 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn ghi nhận, quản lý bệnh nhân ung thư tại xã, phường. Các TTYT đều có kế hoạch hoạt động hàng năm.
6 tháng cuối năm, CDC Đồng Nai sẽ tăng cường lấy mẫu phân lập vi rút SXH, tay chân miệng để dự báo dịch sớm; đẩy mạnh công tác giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời ca bệnh truyền nhiễm gây dịch, bệnh: COVID-19, SXH, tay chân miệng, Marburg… và thực hiện tốt công tác giám sát, cách ly đối với người nhiễm. Đồng thời tiếp tục kiện toàn và duy trì hoạt động các đội chống dịch cơ động của tỉnh, huyện và các tổ chống dịch xã.
Mai Liên