Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Người dân còn ngại đến trạm y tế khám chữa bệnh

Hiện nay, nhiều trạm y tế (TYT) được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia và có tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, có một nghịch lý là nhiều người dân có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở trạm y tế nhưng vẫn không mặn mà đến khám bệnh tại đây, mà sẵn sàng chi trả khoản chi phí khá cao để đi khám ở tuyến trên hoặc các phòng khám tư nhân.

TYT XL.jpg
Người dân đến khám bệnh tại trạm y tế xã thuộc huyện Xuân Lộc.
 

    Xã Suối Nho (H.Định Quán) có hơn 15 ngàn dân, tiếp giáp với các xã Phú Túc, Túc Trưng (H.Định Quán), Xuân Bắc, Xuân Thiện (H.Xuân Lộc), đây cũng là lý do để 3-4 năm về trước trung bình hàng tháng TYT xã Suối Nho tiếp nhận từ 2.000 -2.500 lượt người dân đến khám chữa bệnh. Riêng số người dân đến khám chữa bệnh tại TYT Suối Nho bằng 2-3 TYT khác trong huyện cộng lại. Tuy nhiên, thời điểm này, số lượt người dân đến khám giảm rất mạnh, mỗi tháng ghi nhận 700 -800 lượt người, BS Nguyễn Đức Hiệp – Trưởng TYT xã Suối Nho cho biết.   

    Chị Nguyễn Thị Lệ - ngụ ấp 3, xã Suối Nho đưa con 5 tuổi đến khám tại TYT chia sẻ, con chị 5 tuổi bị ho đến khám tại trạm y tế sau hơn 1 tuần tự mua thuốc ở ngoài không khỏi. Tuy nhiên, đây cũng là lần hiếm hoi chị đưa con thăm khám tại đây. Chị cũng cho biết, mặc dù trong nhà có mẹ chồng lớn tuổi bị tăng huyết áp nhưng gia đình không theo điều trị tại TYT.    

    Tình trạng này cũng xảy ra ở một số TYT trên địa bàn huyện Xuân Lộc, BS Nguyễn Văn Kiên – Phó giám đốc Trung tâm Y tế H.Xuân Lộc chia sẻ: “Người dân bây giờ không còn mặn mà lắm với việc đến khám chữa bệnh tại các TYT. Nguyên nhân chính là hàng loạt phòng khám mở ra quá dày đặc với nhiều ưu điểm như trang thiết bị hiện đại, cơ sở khang trang hơn, không phải chờ đợi. Đối với những người có điều kiện họ lên thẳng tuyến tỉnh hoặc lên TP.Hồ Chí Minh”. 

   Hay theo một nhân viên y tế của TYT phường Hố Nai (TP.Biên Hoà) cho hay, tại TYT phường Hố Nai hàng ngày cũng chỉ tiếp nhận 2-3 bệnh nhân đến sơ cấp cứu ban đầu. 

  Tp.Biên Hoà là địa phương đông dân nhưng hệ thống bệnh viện, phòng khám tư nhân dày đặc lại tập trung hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh nên các TYT trở thành nơi để thực hiện công tác phòng chống dịch như tổ chức phun thuốc khử khuẩn, thuốc diệt muỗi khi có dịch sốt xuất huyết; tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng hay cấp phát thuốc bảo hiểm y tế với số lượng bệnh nhân nhỏ giọt. 

    Hiện nay, khi người dân có vấn đề về sức khỏe, TYT không phải là lựa chọn đầu tiên. Theo BS Nguyễn Đức Hiệp: “Hiện nay, tình hình chung của các TYT xã rơi vào cảnh vắng bóng bệnh nhân. Người dân chỉ đến trạm vào ngày tiêm chủng mở rộng. Các nhà thuốc, phòng khám mọc lên quá nhiều với nhiều ưu điểm, tiện lợi để người dân lựa chọn. Nếu một người dân đi khám có nhu cầu chuyển viện, chuyến tuyến thì thủ tục bên phòng khám đơn giản. Đối với TYT phải chuyển theo tuyến các đơn vị công lập như lên Bệnh viện ĐKKV Định Quán, hoặc Bệnh viện ĐKKV Long Khánh. Còn bệnh nhân đến các phòng khám có thể chuyển bệnh đi nơi nào cũng được”. 

    Bên cạnh vấn đề về chất lượng, năng lực chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ thì vấn đề về cơ sở hạ tầng cũng ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của các TYT.

    BS Nông Thị Kim Hồng, Trạm trưởng TYT xã Xuân Tây (H. Cẩm Mỹ) cho hay: “TYT xã được xây dựng mới từ năm 2009, tuy nhiên đến thời điểm này Trạm đã xuống cấp, tường bong tróc, sân ngập nước mỗi khi mưa xuống. Phòng làm việc không đảm bảo yêu cầu theo quy định. Hệ thống cấp nước của trạm bị hư hỏng, rò rỉ, hệ thống điện không đảm bảo, dễ bị chập mạch, cháy nổ. Tủ thuốc tại trạm y tế chưa đạt chuẩn GPP cũng là nguyên nhân dẫn đến người dân đến khám bệnh tại trạm còn hạn chế”. 

    Sau đại dịch COVID-19, hệ thống y tế cơ sở bộc lộ nhiều bất cập, cần được củng cố để nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của Nhân dân. Vì vậy, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã giao Sở Y tế chủ trì xây dựng Đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở giai đoạn 2023-2030, theo đó, dự thảo của Đề án với tổng kinh phí khoảng 516,5 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2023-2025, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư tiếp tục xây dựng 13 dự án. Ban Quản lý dự án các huyện, thành phố làm chủ đầu tư xây mới 55 trạm y tế, sửa chữa 46 trạm y tế; Sở Y tế làm chủ thực hiện đầu tư mua sắm bổ sung trang thiết bị y tế cho 20 trạm y tế. Sau khi được phê duyệt, hi vọng đề án sẽ là đòn bẩy để đưa TYT thật sự là nơi chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân, để người dân gắn bó với TYT. 

Mai Liên



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn