Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

BS.CKII Lưu Văn Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế: An toàn lao động là trên hết!

Ngay trong tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhưng tỉnh Đồng Nai đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) khiến 6 người tử vong và 5 người bị thương. Vậy ngành Y tế đã phối hợp xử lý vụ việc như thế nào? Và thời gian tới, ngành sẽ có những giải pháp gì để góp phần giảm thiểu tối đa những vụ tai nạn đáng tiếc như vừa qua? Sau đây là chia sẻ của BS.CKII Lưu Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở Y tế về vấn đề này.

Bs Dung.jpg 
 
 

​     PV: Thưa ông, vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại Công ty gỗ Bình Minh khiến 11 người thương vong, vậy ngành Y tế đã phối hợp với các ngành liên quan xử lý vụ việc như thế nào?

     BS.CKII Lưu Văn Dũng: Ngay sau khi nhận được thông tin vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh, Ngành Y tế đã huy động các Bệnh viện ĐK Đồng Nai, Bệnh viện ĐK Thống Nhất, Bệnh viện y dược Shingmark, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cữu và một số đơn vị liên quan khẩn cấp đến hiện trường để sơ cấp cứu các nạn nhân bị tai nạn; vận chuyển kịp thời đến Bệnh viện ĐK Thống Nhất để chăm sóc, điều trị.

    Đối với 5 trường hợp bị tai nạn nặng, Sở chỉ đạo Bệnh viện ĐK Thống Nhất tiếp nhận, huy động toàn bộ lực lượng nhân viên y tế của Bệnh viện qua “báo động đỏ” và đã phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp. Đến nay, 5 bệnh nhân đã ổn định, còn 1 ca chờ mở kết hợp xương vai.

     Đối với 6 nạn nhân không may tử nạn, Sở Y tế  chỉ đạo Bệnh viện ĐK Đồng Nai phối hợp với cơ quan Công an tiếp nhận và khám nghiệm tử thi, giám định pháp y theo quy định. Đến nay, đã bàn giao 5 nạn nhân tử nạn cho gia đình, còn 01 người quốc tịch Trung Quốc, Công an và các sở ngành liên quan đang làm các thủ tục tiếp theo.

    PV: Trước tình hình đó, thời gian tới, ngành Y tế sẽ có giải pháp gì để tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh? 

   BS.CKII Lưu Văn Dũng: Công tác đảm bảo ATVSLĐ là công tác thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, qua vụ tai nạn nghiêm trọng vừa rồi thì các ngành chức năng, trong đó có ngành Y tế chúng ta cần phải nhìn thấy những nguy cơ mất ATLĐ đang thường trực cũng như những điểm yếu trong trong công tác quản lý để chấn chỉnh và thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. 

   Việc đầu tiên, chúng ta cần nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác y tế lao động; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế thực hiện nhiệm vụ y tế lao động. Tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Trung tâm y tế các huyện, thành phố, các cơ sở có đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động; khám, điều trị bệnh nghề nghiệp nhằm mở rộng diện bảo phủ và đối tượng chăm sóc y tế lao động cơ bản. Đồng thời, rà soát, củng cố nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế để đáp ứng nhu cầu quản lý vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn quản lý.

   Đối với y tế doanh nghiệp, kiện toàn tổ chức; nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho y tế cơ quan, nông, lâm trường, doanh nghiệp. 

    Thứ hai là tăng cường công tác quản lý: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn về quan trắc môi trường lao động, hồ sơ vệ sinh lao động; hồ sơ quản lý sức khỏe người lao động, bệnh nghề nghiệp, sức khỏe người lao động và tập huấn sơ cấp cứu theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ; Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 và Thông tư 28/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế.

   Thứ ba là chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người sử dụng lao động và người lao động. Đặc biệt, tập trung các cơ sở lao động có yếu tố có hại, có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp gây mất an toàn lao động.

   Thứ tư là phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hôi và các Sở, ngành liên quan kiểm tra liên ngành hoặc chuyên đề đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt là việc chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật.

   PV: Tháng 5 cũng là tháng hành động về ATVSLĐ với chủ đề “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”, vậy ngành Y tế tỉnh sẽ làm như thế nào để truyền đi tốt nhất thông điệp này, nhằm huy động sự vào cuộc của toàn xã hội thực hiện tốt công tác đảm bảo ATVSLĐ?

   BS.CKII Lưu Văn Dũng: Tháng 5 hàng năm là tháng được chọn để tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ. Ngành Y tế là một trong các ngành có chức năng quản lý ATVSLĐ. Vì vậy, để thông điệp “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng” được truyền đi và thực hiện tốt nhất, ngành cũng đã và đang triển khai nhiều hoạt động. Trong đó, truyền thông là công tác đi đầu. Truyền thông bằng nhiều hình thức đa dạng từ báo đài cho đến nền tảng mạng xã hội và các buổi tuyên truyền trực tiếp tại các địa phương, doanh nghiệp. Thông tin kịp thời về nguyên nhân các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố, cách thức phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ trong các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cộng đồng. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức về đảm bảo ATVSLĐ cho cả người sử dụng lao động và người lao động.

   Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện công tác y tế lao động như: tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc; khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, tập huấn sơ cấp cứu; hướng dẫn lập hồ sơ vệ sinh lao động, hồ sơ quản lý sức khỏe người lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định.

   Trong tháng này, Sở Y tế cũng tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSLĐ tại đơn vị, tổ chức, doanh ngiệp để có những chấn chỉnh, hướng dẫn khắc phục, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ dẫn đến tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

   Ngoài ra, ngành cũng phối hợp với các ban ngành, địa phương tổ chức thăm, tặng quà gia đình bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. 

   Với những hoạt động đó, ngành Y tế mong rằng sẽ truyền đi tốt nhất thông điệp “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng” để toàn xã hội cùng hưởng ứng và hành động.

   Xin cảm ơn những chia sẻ của BS.CKII Lưu Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở Y tế!

Thiên Thanh (thực hiện)



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn