Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Cần chủ động phối hợp trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm

Đó là chỉ đạo của BS.CKII Lưu Văn Dũng – Phó giám đốc Sở Y tế tại Hội nghị sơ kết công tác y tế dự phòng 6 tháng đầu năm và kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối năm 2024 do Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai) tổ chức vào sáng ngày 12-7. Cùng tham dự có Ban giám đốc CDC Đồng Nai và các khoa/phòng trực thuộc; đại diện lãnh đạo các trung tâm y tế, bệnh viện và phòng y tế các huyện/thành phố.

bS dUNG.jpg
BS.CKII Lưu Văn Dũng - Phó giám đốc Sở Y tế và TS.BS Trần Minh Hòa - Giám đốc CDC Đồng Nai đồng chủ trì buổi thảo luận.
 

Các dịch bệnh diễn biến phức tạp  

     Theo báo cáo của CDC Đồng Nai, 6 tháng đầu năm 2024, nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp và tăng so với năm 2023. Cụ thể: Trong 6 tháng đầu năm 2024, dịch bệnh lưu hành tại địa phương như tay chân miệng ghi nhận 2.799 ca bệnh, tăng 27,58% so với cùng kỳ 2023(2.194 ca), một số bệnh truyền nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng ghi nhận ca bệnh tăng so với năm 2023: Sởi, Ho gà, Viêm não Nhật Bản.

    Dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người tăng cao, 6 tháng đầu năm ghi nhận 18 ổ dịch dại trên chó, tăng 15 ổ so với cùng kỳ năm 2023 (03 ổ).

   Có 5/8 bệnh có số mắc tăng so với cùng kỳ 2023 và không ghi nhận tử vong, trong đó: Tiêu chảy: 9.198 ca, tăng 15,38% so với cùng kỳ 2023 (7.972 ca); Quai bị: 35 ca, giảm 20,69% so với cùng kỳ năm 2023 (29 ca); Lỵ Amip: 02 ca mắc, tăng 01 ca so với cùng kỳ 2023 (01 ca); Lỵ trực trùng: 8 ca mắc, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (0 ca); Bệnh Viêm gan vi rút khác: 43 ca, tăng 2,91 lần so với cùng kỳ năm 2023 (11 ca).

   Một số bệnh có ca mắc giảm như: Sốt xuất huyết ghi nhận 1.169 ca, giảm 35,45% so với cùng kỳ 2023 (1.811 ca); Thủy đậu ghi nhận 517 ca, giảm 47,08% so với cùng kỳ năm 2023 (977 ca). Bệnh do vi rút Adeno: không ghi nhận ca mắc, giảm so với cùng kỳ năm 2023 (02 ca). Cúm: ghi nhận 02 ca, giảm 08 ca so với cùng kỳ năm 2023 (10 ca).

   Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về tiêm chủng chưa đạt, cụ thể: Chỉ 2/13 chỉ tiêu đạt theo tiến độ kế hoạch trong chương trình tiêm chủng vắc xin mở rộng, nguyên nhân chính là nguồn cung từ Viện vệ sinh dịch tễ trung ương 6 tháng đầu năm chưa ổn định. Đơn cử như trong tháng 1/2024 chỉ được cấp 18.100 liều vắc xin 5 trong 1, thiếu tất cả các vắc xin còn lại như uốn ván, sởi, viêm gan… 

   Đối với dịch HIV/AIDS, trong 6 tháng qua số ca mắc HIV giảm, ghi nhận 236 người mắc mới HIV giảm 87 ca so với cùng kỳ năm 2023, số ca tử vong giảm. Tại 10 cơ sở điều trị HIV/AIDS tiếp nhận và điều trị ARV cho 5.397 bệnh nhân, trong đó có 177 bệnh nhân nhi được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Toàn tỉnh có 9 cơ sở điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế đã điều trị 1.103/1.404 bệnh nhân đạt 78,5% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. 

   Phát biểu khai mạc hội nghị, BS.CKII Lưu Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay, trong 6 tháng đầu năm, bệnh truyền nhiễm diễn biến khó lường như tay chân miệng, bệnh dại, sởi, bạch hầu, ho gà... Các hoạt động phòng chống dịch được triển khai rộng rãi như: tổ chức mít tinh ngày ASEAN phòng, chống Sốt xuất huyết; các địa phương đồng loạt tổ chức ngày cuối tuần vệ sinh theo công văn của UBND tỉnh; các ổ dịch phát hiện và xử lý triệt để nhưng vẫn ghi nhận số ca mắc cao. Công tác phát hiện bệnh truyền nhiễm qua hệ thống báo cáo giám sát bị hạn chế từ các phòng khám tư nhân như không nhập đầy đủ thông tin, triệu chứng, các kết quả xét nghiệm của người bệnh dẫn đến việc giám sát ca bệnh, xử lý ổ bệnh chưa kịp thời. Hiện nay, mô hình bệnh tật thay đổi, bệnh không lây nhiễm cũng gia tăng một cách đáng báo động như đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư…  

Chủ động, phối hợp trong phòng chống dịch   

   Tại hội nghị, các đại biểu đến từ các đơn vị cũng thảo luận những khó khăn vướng mắc trong công tác phòng chống dịch bệnh. BS Nguyễn Thị Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm y tế (TTYT) H.Cẩm Mỹ kiến nghị Sở Y tế chỉ đạo các phòng khám y tế tư nhân nhập thông tin đầy đủ lên phần mềm bệnh truyền nhiễm để TTYT nhanh chóng giám sát ca bệnh, ổ dịch, nhằm kịp thời lên phương án xử lý. Sở Y tế cũng tham mưu sớm kế hoạch “Ngày cuối tuần phòng, chống Sốt xuất huyết” cho UBND tỉnh, không nên để đến tháng 6, vì đây là bệnh lưu hành và ghi nhận ca bệnh quanh năm.     

   Ông Lương Hải Phong – Phó trưởng phòng Phòng chống dịch, Chi cục chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, cho hay: Toàn tỉnh ghi nhận 18 ca bệnh dại trên chó tại 15 xã, thị trấn của 6 huyện gồm: Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Định Quán. Đồng Nai hiện đứng thứ 3 cả nước về số huyện, đứng đầu cả nước về số xã có dịch bệnh dại, ổ dịch bệnh dại. 75% là thể câm (chưa có triệu chứng lâm sàng nên khó phát hiện bệnh dại), chứng tỏ còn nhiều ổ dịch còn diễn biến âm thầm trong đàn chó ở cộng đồng. Công tác dự phòng bằng vắc xin vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, một phần do công tác tổng hợp đàn thấp hơn so thực tế.

   “Vì vậy, cần sự phối hợp từ ngành y tế, chuyển những thông tin của người dân đến tiêm vắc xin dại từ các cơ sở cho Chi cục thú y để phân công các trạm thú y theo dõi các ổ dịch dại tốt hơn. Hiện nay, 2 địa phương đang làm tốt công tác phối hợp này là H.Trảng Bom và H.Long Thành”, - ông Phong nói.     

   BS.CKII Lưu Văn Dũng chỉ đạo các đơn vị cần chủ động phối hợp với CDC Đồng Nai để quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Đồng Nai đang bước vào mùa mưa, cho nên cần lưu ý các ổ dịch tại những công trình xây dựng, dân di biến động cao, nguy cơ các bệnh truyền nhiễm cao. 

   Phòng y tế các huyện chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn nhập số liệu tiêm chủng lên phần mềm quản lý theo quy định, dẫn tới tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của trẻ em. 

   Cần phối hợp với ngành giáo dục nâng cao vệ sinh học đường để hạn chế ca mắc tay chân miệng trước khi vào năm học mới. Tiếp tục hướng dẫn các trường mẫu giáo, mầm non trong và ngoài công lập thường xuyên tổ chức thanh độc, khử trùng môi trường và dụng cụ học tập. Đẩy mạnh tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng tiêm chủng được tiêm đầy đủ khi được cấp vắc xin. Tăng cường hơn nữa công tác truyền thông bằng nhiều hình thức về tình hình dịch bệnh, tiêm vắc xin phòng dịch vàà triển khai các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho y tế cơ sở.

Mai Liên



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn