BS.CKII Nguyễn Văn Bình - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai phát biểu tại lớp tập huấn.
Phát biểu khai mạc, TS. Vương Ánh Dương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi ngày có khoảng 3.000 người chết do tai nạn giao thông đường bộ, trong đó 85% số chết và 90% số năm sống khỏe bị mất của các nạn nhân chủ yếu ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Dự đoán cho thấy đến năm 2030 thương tích giao thông đường bộ sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 7 trên thế giới và sẽ gia tăng đều đặn ở nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tai nạn thương tích và tử vong liên quan cao nhất trong khu vực. Những số liệu thống kê năm 2020 cho thấy, tần suất tử vong do tai nạn thương tích là 31,53/100000, trong đó tai nạn giao thông đứng đầu các nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích với tỷ suất 14,26/100000.
Với mong muốn nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức cơ bản cho cho nạn nhân tai nạn giao thông, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã tổ chức lớp tập huấn này, hi vọng qua lớp tập huấn các học viên có thêm nhiều kiến thức bổ ích trong việc cấp cứu người do tai nạn.
Tại lớp tập huấn các học viên đã được các chuyên gia đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM cung cấp một số kiến thức căn bản như: Cơ chế chấn thương do tai nạn giao thông; nguyên tắc cơ bản trong sơ cấp cứu tai nạn tại hiện trường; Hồi sinh tim, phổi cơ bản; Sơ cấp cứu chấn thương đầu - mặt - cổ - cột sống; nguyên tắc xử lý tai nạn hàng loạt; Vận chuyển nạn nhân an toàn… Cuối buổi tập huấn các học viên được thực hành các nội dung đã được học.
Chia sẻ tại lớp tập huấn, BS.CKII Nguyễn Văn Bình - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho hay, trong bối cảnh tai nạn giao thông phức tạp, việc cấp cứu ban đầu để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân vô cùng quan trọng. Sơ cấp cứu không chỉ là biện pháp tạm thời giúp ổn định tình trạng của nạn nhân, mà còn đóng vai trò thiết yếu trong việc giảm thiểu các di chứng sau này nếu được sơ cấp cứu kịp thời và đúng cách, chẳng hạn như giảm thiểu chấn thương tâm lý và cơn đau thể chất mà họ có thể trải qua sau cơn tai nạn.
Đối với cán bộ nhân viên y tế, cán bộ cảnh sát giao thông qua buổi tập huấn này hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc cấp cứu ban đầu; qua đó hướng dẫn, tập huấn cho người thân, gia đình và cộng đồng kỹ năng cấp cứu ban đầu nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết về cấp cứu để họ có thể tự cứu chữa mình cũng như hỗ trợ người khác trong trường hợp khẩn cấp. Việc này không chỉ giúp cá nhân có thể phản ứng nhanh chóng, mà tạo ra một mạng lưới hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời nạn nhân trong tình huống khẩn cấp.
Sau lớp tập huấn này, Sở Y tế cũng sẽ triển khai các lớp tập huấn với nội dung này đến các cộng tác viên, nhân viên y tế thôn bản để họ có thêm kiến thức, kỹ năng trong việc sơ cấp cứu nạn nhân góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân trên địa bàn ngày một tốt hơn.
Thanh Tú