Anh Phùng Ngọc Thanh (áo đen) được nhân viên y tế P.Trảng Dài tuyên truyền, hỗ trợ thông tin về phòng chống bệnh dại.
Tăng cường tuyên truyền kiến thức phòng dại cho người dân
Là địa phương từng xuất hiện 3 ổ dịch dại vào cuối năm 2023, nên thời gian vừa qua, P.Trảng Dài rất quan tâm đến công tác phòng chống bệnh dại, nhất là công tác truyền thông và chích ngừa vắc xin phòng dại trên đàn chó. Nhờ đó, ý thức phòng chống bệnh dại của người dân cũng được nâng lên.
Điển hình là hộ anh Phùng Ngọc Thanh, ngụ tại KP.3A, P.Trảng Dài. Tháng 12 năm 2023, một trong 2 con chó anh Thanh nuôi đã lên cơn dại và cắn một bé hàng xóm. Ngay sau đó, anh đã phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện xét nghiệm bệnh dại cho con chó đã cắn người và tiêu hủy theo quy định. Đồng thời, thực hiện tiêm ngừa đầy đủ cho con chó còn lại, và nuôi nhốt trong chuồng, không để thả rong như trước. Anh Thanh cho biết: “Nhờ được cán bộ y tế và cán bộ thú y bên xã tuyên tuyên truyền nên mình đã nắm được các kiến thức về phòng chống bệnh dại khi nuôi chó, như: chích ngừa đầy đủ cho chó, không thả rong chó, nếu cho chó ra ngoài thì phải có rọ mõm. Nếu trường hợp bị chó cắn thì rửa sạch vết thương bằng xà phòng hoặc nước muối rồi đến cơ sở y tế để được tư vấn chích ngừa dại”.
Y sĩ Nguyễn Ngọc Vinh - Nhân viên phòng, chống dịch Trạm Y tế P. Trảng Dài cho biết, để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống bệnh dại, y tế phường đã đăng tải các thông tin liên quan đến bệnh dại và các video về cách phòng chống bệnh dại lên các group zalo của phường và khu phố. Đồng thời, các cộng tác viên y tế cũng tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ dân kết hợp với các thông tin và tiêm chủng và y tế khác.
Nhờ được tuyên truyền về phòng chống bệnh dại và quản lý vật nuôi, bà Nguyễn Thị Thảo, P.Trảng Dài luôn tuân thủ nghiêm túc. Bà Thảo chia sẻ: “Nhà cô nuôi chó nên cô biết để đảm bảo an toàn cho vật nuôi cũng như chính bản thân mình thì hàng năm, cô đều đưa chó đi chích ngừa vắc xin dại, luôn xích chó ở trong nhà, không thả rông ra đường”.
Theo số liệu thống kê của P.Trảng Dài, toàn phường hiện có gần 2.900 con chó được nuôi trong dân. Đến nay, khoảng 2.100 con đã được tiêm ngừa dại, đạt tỷ lệ 73%. Ngoài ra, nhiều hộ nuôi thú cưng cũng tự mang chó đến phòng khám thú y để thực hiện tiêm phòng dại. Ước tính, có khoảng 85% tổng đàn chó, mèo trên địa phường đã được tiêm chủng.
Phường Trảng Dài cũng là địa phương đầu tiên của TP.Biên Hòa tổ chức ra quân bắt chó thả rong và động vật có dấu hiệu mắc bệnh dại. UBND phường cũng đã phối hợp với cơ quan chuyên môn, ban điều hành khu phố thực hiện công tác tiêm phòng dại cho chó, mèo nuôi trên địa bàn.
Ông Phạm Văn Cường - Đội phó Đội bắt chó thả rông P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa cho biết: “Mục đích chính của chiến dịch bắt chó thả rong và vật nuôi có biểu hiện bị bệnh dại là nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc tuân thủ các quy định quản lý vật nuôi. Qua chiến dịch, chúng tôi cũng kết hợp tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức và có thêm kiến thức về phòng chống bệnh dại”.
Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng chống bệnh dại
Từ đầu năm đến ngày 22-8, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận 26 ổ dịch dại trên chó tại 6/11 huyện, thành phố và 19/170 xã, phường, tăng 19 ổ so với cùng kỳ 2023.Trong đó, kết quả tiêm phòng vắc xin dại trên đàn chó, mèo còn thấp. Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, đến hết tháng 4-2024, toàn tỉnh mới tiêm hơn 98,4 ngàn liều vắc xin, đạt tỷ lệ 32,6% tổng đàn chó.
Trước nguy cơ bệnh dại bùng phát và lan rộng, các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực thực hiện các giải pháp chủ động phòng, chống. Theo BS.CKI Phan Văn Phúc – Trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, giải pháp hiệu quả nhất hiện nay là nâng tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó, mèo, xây dựng vùng an toàn để phòng chống bệnh dại và tiến tới thanh toán dứt điểm bệnh dại.
BS Phúc nhấn mạnh, cho đến nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên 100% bệnh nhân đã lên cơn dại đều tử vong. Do đó, việc phòng bệnh dại cực kỳ quan trọng, người dân nên chủ động tiêm ngừa sau khi bị chó, mèo cào, cắn.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh dại theo công văn 148 năm 2024 của Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế). Trong đó, nhấn mạnh mức độ nguy hiểm của bệnh dại để người dân hiểu và tuân thủ các quy định khi nuôi chó mèo, cách xử lý khi bị chó mèo cào, cắn.
Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cũng đã có quy chế phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin kịp thời để cùng thực hiện điều tra, giám sát khi phát hiện các ổ bệnh.
Ông Nguyễn Trường Giang - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Nghị quyết hỗ trợ vắc xin dại để tiêm đồng loạt cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh. Dự kiến tiêm trong vòng 5 năm sẽ khống chế được bệnh dại.
Thiên Thanh