Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Quan tâm chăm sóc sức khoẻ cho lao động nữ

Đồng Nai là một trong những tỉnh có khu công nghiệp (KCN) phát triển nhất cả nước. Trên địa bàn tỉnh hiện có 31 KCN đang hoạt động với gần 1 triệu người lao động (NLĐ) làm việc, trong đó hơn 60% là lao động nữ. Tại các doanh nghiệp chuyên sản xuất giày da và may mặc, tỷ lệ lao động nữ có khi lên tới 80%. Để đảm bảo “nguồn vốn sức khỏe” cho sản xuất, kinh doanh, nhiều công ty, doanh nghiệp ngoài việc quan tâm chăm lo cho NLĐ nói chung còn có sự ưu tiên đối với lao động nữ bằng việc đưa thêm nhiều chế độ, chính sách chăm lo trực tiếp.

ksknld.jpg 
Nhân viên y tế CDC Đồng Nai đang khám sức khoẻ cho người lao động tại doanh nghiệp và tại cơ sở 2 (CDC).
 
 ​    Nhiều hoạt động thiết thực chăm lo công nhân nữ

     Ông Đoàn Hải Nam, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Map Pacific Singapore cho biết, trong chiến lược kinh doanh của mình, chúng tôi luôn đặt nhân tố con người lên hàng đầu, không vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi sức khoẻ, tính mạng và sự an toàn của người lao động. Do vậy, Công ty luôn thực hiện các hoạt động thiết thực chăm lo cho sức khỏe người lao động đặc biệt là lao động nữ, như: Công ty đã xây dựng phòng y tế có đầy đủ các thiết bị, thuốc men cần thiết và nhân viên y tế luôn túc trực để chăm sóc sức khoẻ cho ngừơi lao động; Khám sức khoẻ trước khi bố trí người lao động vào làm các công việc có yếu tố độc hại và tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho toàn bộ người lao động theo đúng quy định pháp luật 2 lần/năm. Tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động 6 tháng/lần. Thành lập Hội đồng An toàn vệ sinh lao động cơ sở. Mỗi tháng, các thành viên đều tham gia cuộc họp 1 lần để nêu ý kiến, kiến nghị của người lao động đến ban giám đốc của công ty về việc thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động. Ngoài ra hàng năm đến các Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) hay Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) công ty đều tổ chức ngày lễ chúc mừng chị em phụ nữ, kết hợp tổ chức sinh nhật cho người lao động. Các chế độ đối với phụ nữ mang thai và cho con bú cũng được công ty thực hiện đầy đủ.

    Còn chị Nguyễn Xuân Tương, công nhân Công ty Taekwang chia sẻ, con chị năm nay được hơn 2 tuổi, hàng tháng chị đều được hưởng thêm 100 nghìn tiền trợ cấp nuôi con nhỏ, bên cạnh đó khi gửi con tại nhà trẻ công ty, công ty hỗ trợ sữa uống cho con hoàn toàn khi ở lớp, chi phí tiền học lại rẻ, phòng học thoáng mát nên chị rất yên tâm. Ngoài duy trì các chế độ chính sách phúc lợi cho lao động nữ, công ty  còn có thêm chính sách hỗ trợ cho lao động nữ mang thai từ tháng thứ ba trở lên 5 hộp sữa 400gr/2 tháng. Xây dựng phòng vắt trữ sữa cho chị em nuôi con nhỏ, việc khám sức khoẻ cũng được công ty tổ chức hàng năm. 

     Bà Nguyễn Thị Hà, phụ trách y tế Công ty Saitex Biên Hòa cho biết, công ty luôn đảm bảo môi trường lao động an toàn và các chính sách chăm lo đến sức khỏe người lao động. Việc xem trọng sức khỏe người lao động là một trong những cách để công ty có lực lượng lao động khỏe mạnh, gắn bó lâu dài và nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, giúp công ty phát triển và ổn định.

    Vì vậy, hàng năm công ty đều ký hợp đồng với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai  (CDC)  tổ chức khám sức khỏe cho người lao động 2 lần/năm. Ngoài ra, công ty còn trang bị 5 phòng y tế với khoảng 30 bác sĩ, y sĩ trực thường xuyên để chăm sóc sức khỏe người lao động. Khi người lao động bị bệnh có thể vào khám và được cấp thuốc miễn phí. Bên cạnh đó các bác sĩ còn tư vấn về cách phòng ngừa các loại bệnh như sức khoẻ sinh sản, bệnh HIV/AIDS… giúp người lao động có kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.

    Theo BS.CKI Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng khám đa khoa CDC Đồng Nai, hiện nay đa phần các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không chỉ quan tâm đến sức khỏe của người lao động mà còn thực hiện tốt các Thông tư, Nghị định về việc khám sức khỏe bố trí việc làm, định kỳ cho người lao động, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Điển hình như Công ty TNHH Pousung, Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan, Công ty Saitex Biên Hòa… hàng năm đều phối hợp với trung tâm khám sức khỏe định kỳ, khám bố trí việc làm, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp… cho người lao động.

    “ CDC đồng Nai là cơ quan y đầu ngành của tỉnh về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho người lao động, có chức năng giám sát các hoạt động y tế doanh nghiệp, các TTYT và các cơ sở y tế tư nhân, được cấp phép hoạt động lĩnh vực này. Do vậy để đảm bảo chính xác kết quả khám phát hiện sớm bệnh tật, hướng dẫn cho người lao động đi khám và điều trị bệnh kịp thời tại bệnh viện thì các doanh nghiệp cần lựa chọn những cơ sở y tế khám sức khỏe có nhiệm vụ và đủ chức năng phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho cả NLĐ và doanh nghiệp” – BS Sơn nói. 

    Lao động nữ được khám phụ sản khi khám sức khỏe định kỳ 

    Theo số liệu thống kê của CDC Đồng Nai, 6 tháng đầu năm thực hiện khám sức khoẻ cho hơn 11,7 ngàn lao động, trong đó lao động nữ là hơn 5,7 ngàn người. 

    BS.CKI Lê Hồng Sơn, cho biết: Ngày 5/5/2023 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 09/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 14/2013/TT-BYT ngày 6/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế Hướng dẫn khám sức khỏe. Cụ thể, nội dung khám chuyên khoa phụ sản cho lao động nữ theo thông tư mới gồm khám phụ khoa, sàng lọc ung thư cổ tử cung và ung thư vú, siêu âm tử cung - phần phụ (khi có chỉ định của bác sĩ khám).

    Việc sửa đổi thông tư đã quy định cụ thể hơn về khám sản phụ khoa cho lao động nữ là rất nhân văn vì trên thực tế có rất nhiều lao động nữ bị bệnh sản phụ khoa tuy nhiên họ chưa coi trọng nên không xin nghỉ làm để đi khám, chính vì vậy khi luật sửa đổi sẽ tạo điều kiện cho phụ nữ khám sản, phụ khoa rất nhiều. 

    Cũng theo bác sĩ Lê Hồng Sơn, lao động nữ tại các doanh nghiệp chủ yếu làm việc theo ca và thường xuyên tăng ca, nhiều người do kinh tế khó khăn nên ít có điều kiện tiếp cận các thông tin, dịch vụ liên quan về CSSKSS-KHHGĐ. Đây là nguyên nhân làm cho công nhân, lao động nữ thiếu kiến thức toàn diện về SKSS, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đời sống, để lại nhiều hậu quả đáng tiếc như: Mang thai ngoài ý muốn; mắc bệnh lây qua đường tình dục; nạo, phá thai không an toàn dẫn đến hệ lụy vô sinh...

    Bên cạnh đó các chế tài để thực hiện chăm sóc sức khoẻ cho lao động nữ cũng chưa có. Khi đơn vị đến khám sức khoẻ cho người lao động nhưng lại phải được sự chấp thuận của 3 bên đó là người sử dụng lao động, người lao động và đơn vị khám sức khoẻ, vì vậy kết quả đạt được cũng chưa cao. 

    Bác sĩ Nguyễn Trần Mạnh - Phòng khám đa khoa - CDC Đồng Nai cho biết, để triển khai khám sức khoẻ cho người lao động tại một đơn vị thì phải có đầy đủ các bác sĩ chuyên khoa như: khám nội, sản, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, da liễu và đầy đủ các loại máy móc cần thiết theo từng chuyên khoa như máy siêu âm, đo huyết áp, điện tim, xe xét nghiệm.... Bên cạnh đó trang bị các phòng khám kín khám sản phụ khoa cho các chị em.

    Để bảo đảm đúng quyền lợi cho người lao động, cần có sự phối hợp của các ban ngành tiến hành thanh, kiểm tra các đơn vị khi khám sức khoẻ tại các cơ quan doanh nghiệp để đơn vị thực hiện đúng và đủ theo quy định của Bộ Y tế.

Thanh Tú 



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn