PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng (bên phải), Phó Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội đột quỵ TP. Hồ Chí Minh
trao Chứng nhận kim cương cho Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
PV: Xin ông cho biết để đạt được Chứng nhận Kim cương trong điều trị đột quỵ thì cơ sở y tế cần đạt những tiêu chuẩn gì?
PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng: Hội đột quỵ thế giới (WSO Angels Awards) đưa ra 3 chuẩn cao nhất lần lượt đó là chuẩn vàng (Golden Stastus), chuẩn bạch kim (Platinum Stastus) và chuẩn kim cương (Diamond Status), trong đó chuẩn kim cương là chuẩn cao nhất của Hội đột quỵ thế giới. Khi đạt chứng nhận kim cương đồng nghĩa với 100% người bệnh nghi đột quỵ đều được chẩn đoán bằng CT hay chụp MRI trong vòng 45 phút. Không có bất kỳ ca bệnh đột quỵ nào bị bỏ sót hoặc chậm trễ trong quá trình cấp cứu điều trị và chăm sóc tại bệnh viện và 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần bệnh viện đều có đội ngũ cấp cứu hoàn chỉnh trực sẵn tại bệnh viện.
Sự khác biệt giữa chuẩn vàng, bạch kim và kim cương phụ thuộc vào mức độ, số lượng các bệnh nhân được hưởng lợi từ các phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Nếu đơn vị đột quỵ đạt được càng nhiều % các bệnh nhân hưởng lợi từ áp dụng các chỉ định điều trị tốt nhất sẽ đạt được chuẩn cao hơn. Ví dụ, để đạt được chuẩn vàng thì chỉ cần đạt được 70% trong số tổng bệnh nhân đột quỵ được điều trị tái thông (tức là bao gồm điều trị tiêu sợi huyết hoặc là điều trị can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ), chuẩn bạch kim là 80%, nhưng chuẩn kim cương phải là 90% trở lên, tức là số lượng % các bệnh nhân được hưởng lợi từ các khuyến cáo điều trị đó phải cao hơn hẳn so với các chuẩn khác.
PV: Ông đánh giá thế nào về công tác điều trị đột quỵ của Bệnh viện ĐK Đồng Nai nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung?
PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng: Bệnh viện ĐK Đồng Nai là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên của khu vực phía Nam đạt được tiêu chuẩn kim cương cao quý. Theo dõi trong nhiều năm qua nhận thấy, Bệnh viện ĐK Đồng Nai có những bước phát triển rất vững chắc trong điều trị đột quỵ. Điều đó chứng tỏ bệnh viện có chiến lược luôn nhất quán và ổn định, tiếp cận từng bước và phát triển mỗi ngày một tốt hơn trong một thời gian dài. Việc đạt được chứng nhận kim cương cho thấy chất lượng điều trị đột quỵ của bệnh viện đã tiệm cận với chuẩn điều trị của thế giới. Nghĩa là đã đạt được những tiêu chí rất khắt khe của Hội đột quỵ thế giới đề ra, đó là những chuẩn mực điều trị tốt nhất cho các bệnh nhân đột quỵ.
Trong các tỉnh thành phía Nam, Đồng Nai phát triển rất tốt về điều trị đột quỵ. Điều này được minh chứng bởi con số bệnh nhân điều trị đột quỵ cấp ở Đồng Nai cao hơn rất nhiều so với các tỉnh khác. Phải khẳng định rằng trong phía Nam ngoài TP.HCM, thì Đồng Nai được xem là tỉnh gần như kế cận trong việc áp dụng các phương pháp điều trị mới cho các bệnh nhân đột quỵ. Đây là thành tựu rất quan trọng, bởi lẽ hiện nay một bệnh nhân đột quỵ nếu không được điều trị cấp, điều trị tái thông thì dẫn đến kết cục tỉ lệ tàn phế hoặc tử vong sẽ rất cao. Do đó, khi bệnh nhân đột quỵ được hưởng lợi từ những kỹ thuật và phương pháp mới từ chuẩn kim cương chắc chắn tỉ lệ tàn phế và tử vong sẽ ở mức thấp nhất, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
PV: Dân số của tỉnh Đồng Nai rất đông trên 3,2 triệu người và mạng lưới điều trị đột quỵ của tỉnh cơ bản còn thiếu. Vậy ngành y tế Đồng Nai cần có những giải pháp gì để đáp ứng được nhu cầu của người dân, thưa ông?
PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng: Đồng Nai là địa phương có mật độ dân số đông, trong khi chỉ có 4 đơn vị điều trị đột quỵ gồm các bệnh viện: ĐK Đồng Nai, ĐK Thống Nhất, ĐK khu vực Long Khánh, ĐK khu vực Định Quán là quá ít so với nhu cầu hiện nay. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu về điều trị đột quỵ của người dân thì cần phải xây dựng thêm 6 đơn vị điều trị đột quỵ nữa. Bởi lẽ, ước tính mỗi năm cả nước có hơn 200 ngàn ca đột quỵ mới, với hậu quả hơn 11 ngàn người tử vong và trên 100 ngàn người tàn phế, chỉ 10% bệnh nhân may mắn trở về cuộc sống bình thường. Thực tế con số này vẫn không ngừng gia tăng, trong khi cả nước có hơn 100 đơn vị điều trị đột quỵ, trung bình mỗi đơn vị điều trị cho hơn 2000 bệnh nhân mỗi năm, riêng tại Đồng Nai năm 2024 ước tính có khoảng trên 5.000 bệnh nhân đột quỵ mắc mới. Do đó, Đồng Nai cần xây dựng mô hình mạng lưới điều trị đột quỵ, bao gồm: Trung tâm điều trị đột quỵ lớn nhất tại Bệnh viện ĐK Đồng Nai và nhiều bệnh viện vệ tinh như: Bệnh viện ĐK khu vực Long Khánh, Định Quán, Long Thành, Cẩm Mỹ,… để bệnh nhân đột quỵ được chuyển đến đúng bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ trong thời gian sớm nhất để được điều trị kịp thời, trường hợp bệnh nhân nặng vượt quá khả năng thì sẽ được chuyển đến tuyến trên trong thời gian ngắn nhất. Thực hiện tốt mô hình này cũng đồng nghĩa với việc giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM.
PV: Để giảm số bệnh nhân đột quỵ mắc mới, giảm tỉ lệ tàn phế và tử vong, ông có khuyến cáo gì?
PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng: Quan niệm cao nhất của ngành y tế không phải là cứu sống bệnh nhân mà là làm sao cho bệnh nhân trở về cuộc sống bình thường trọn vẹn như trước đây họ chưa từng đột quỵ. Ví như một bác sĩ bị đột quỵ, sau khi cứu chữa phải trở về làm bác sĩ – Đó mới là mục tiêu chính, mục tiêu hàng đầu.
Do đó, “thời gian vàng” trong cấp cứu đột quỵ nhồi máu não là vô cùng quan trọng trong cứu sống người bệnh, giúp hạn chế tối đa các biến chứng và có thể rút ngắn thời gian hồi phục. Thời gian vàng thường giới hạn trong 3-4,5 giờ đầu (một số trường hợp có thể mở rộng lên 6 đến 24 giờ) kể từ khi người bệnh khởi phát dấu hiệu đột quỵ đầu tiên. Tuy nhiên, người bệnh nên được can thiệp càng sớm càng tốt. Nếu bỏ qua thời điểm đó thì việc can thiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ tàn phế hoặc tử vong sẽ rất cao.
Thực tế hiện nay vẫn còn tồn tại những quan niệm sai lầm khi cấp cứu đột quỵ như cạo gió, chích lễ các đầu ngón tay, vắt chanh vào miệng hoặc uống thuốc theo dân gian, vận chuyển người đột quỵ bằng xe 2 bánh,… Đây chính là những nguyên nhân khiến người bệnh không được cấp cứu đúng cách, bỏ qua “giờ vàng” dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ là vô cùng quan trọng có thể giúp người bệnh được phát hiện, từ đó xử trí nhanh hoặc được cấp cứu kịp thời. Người dân cần ghi nhớ các dấu hiệu như: Tự nhiên khuôn mặt bị mất cân đối, yếu liệt mặt, một bên bị chảy xệ, cười méo mó; cử động khó khăn hoặc không thể cử động tay chân, yếu liệt một bên cơ thể; giọng nói bị thay đổi, nói ngọng, dính chữ,… thì hãy nghĩ ngay đến có thể đã bị đột quỵ. Lúc này hãy gọi ngay cấp cứu theo số 115 hoặc đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế có điều trị đột quỵ gần nhất càng sớm thì tổn thương càng ít, khả năng phục hồi càng cao; nếu đến trễ quá giờ vàng thì khả năng biến chứng nguy hiểm là rất cao.
Xin cảm ơn ông!
Bích Ngọc (thực hiện)