Rửa tay trước và sau khi chế biến thức ăn là một trong những cách phòng nhiễm khuẩn Salmonella.
Theo đó, kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR và cấy phân tìm tác nhân gây ngộ độc trên 29 mẫu bệnh phẩm do các bệnh viện và Viện Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh thực hiện ghi nhận: 16/29 mẫu dương tính đồng thời với 2 chủng vi khuẩn Salmonella và E.coli, 09/29 mẫu dương tính với vi khuẩn E.coli. Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm lấy tại cơ sở bánh mì nêu trên khi vụ ngộ độc xảy ra do Viện Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh thực hiện ghi nhận: 04/08 mẫu thực phẩm như: patê, thịt heo đã qua chế biến, chả lụa, dưa muối chua, có kết quả phát hiện vi khuẩn Salmonella.
Sự nguy hiểm của vi khuẩn Salmonella
Salmonella là 1 trong 4 nguyên nhân chính gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tiêu chảy là bệnh phổ biến nhất do thực phẩm không an toàn, có khoảng 550 triệu người mắc bệnh tiêu chảy liên quan đến thực phẩm mỗi năm, trong đó có 220 triệu trẻ em dưới 5 tuổi. Vi khuẩn Salmonella cũng là nguyên nhân gây ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trong thời gian qua ở Việt Nam.
Bệnh do nhiễm khuẩn Salmonella thường có các triệu chứng được đặc trưng là sốt, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và đôi khi nôn mửa. Các triệu chứng bệnh bắt đầu xuất hiện từ 6–72 giờ (thường là 12–36 giờ) sau khi ăn phải Salmonella và bệnh thường kéo dài 2–7 ngày.
Các triệu chứng của bệnh nhiễm khuẩn Salmonella tương đối nhẹ, đa số người bệnh đều tự hồi phục mà không phải điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đặc biệt ở trẻ em và người cao tuổi, tình trạng mất nước có thể trở nên nghiêm trọng và đe dọa tính mạng.
Con người thường bị nhiễm khuẩn Salmonella do ăn phải thực phẩm bị nhiễm Salmonella có nguồn gốc động vật (chủ yếu là trứng, thịt, thịt gia cầm và sữa), một số thực phẩm khác như rau xanh bị ô nhiễm phân, cũng có liên quan đến sự lây truyền của bệnh. Sự lây truyền từ người sang người cũng có thể xảy ra qua đường phân-miệng. Một số trường hợp khác có thể nhiễm Salmonella khi tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh, bao gồm cả vật nuôi trong gia đình (gà, vịt, lợn, bò,…). Những con vật bị nhiễm bệnh này thường không có dấu hiệu bệnh tật.
Các biện pháp phòng ngộ độc thực phẩm do Salmonella
Để phòng ngộ độc thực phẩm do Salmonella người dân cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo Tổ chức Y tế thế giới, có 5 chìa khóa để đảm bảo thực phẩm an toàn, phòng ngộ độc thực phẩm, cụ thể:
Giữ vệ sinh
Rửa tay trước khi chuẩn bị thực phẩm và thường xuyên trong quá trình chế biến thực phẩm. Rửa tay sau khi đi vệ sinh. Rửa sạch toàn bộ bề mặt và dụng cụ chế biến thực phẩm. Giữ sạch thực phẩm và khu vực bếp để tránh côn trùng, sâu bọ và các động vật khác xâm nhập.
Để riêng thực phẩm sống và chín
Không để lẫn thịt gia súc, gia cầm và hải sản sống với các thực phẩm đã nấu chín. Sử dụng riêng các đồ dùng nhà bếp như dao, thớt để chế biến thực phẩm sống và chín. Để thực phẩm trong các dụng cụ chứa có nắp để tránh tiếp xúc giữa thực phẩm sống và chín.
Nấu và chế biến đúng cách
Đun nấu kỹ thực phẩm, bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70°C, đặc biệt là thịt gia súc, gia cầm, trứng và hải sản. Đun kỹ thức ăn còn dư lại từ bữa trước.
Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn
Không để thực phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ. Làm lạnh ngay tất cả thực phẩm đã chế biến và thực phẩm dễ hỏng (dưới 5oC). Giữ thực phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ cao (trên 60oC) trước khi ăn.
Sử dụng nước sạch và nguyên liệu an toàn
Sử dụng nước sạch hoặc nước đã qua xử lý để chế biến thực phẩm. Rửa sạch rau quả, đặc biệt là rau quả ăn sống. Lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn an toàn như sữa tươi tiệt trùng. Chọn mua thực phẩm tươi, nguyên dạng. Không dùng thực phẩm đã hết hạn sử dụng.
BS. Hồ Thị Hồng
CDC Đồng Nai