Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Bác sĩ, điều dưỡng ở khoa cấp cứu

Những bác sĩ, điều dưỡng làm ở khoa cấp cứu lúc nào cũng tất bật, chạy đua để giành lại mạng sống cho bệnh nhân. Có những lúc họ vỡ òa hạnh phúc vì cứu sống được người bệnh, nhưng nhiều khi phải ngậm ngùi tiếc nuối vì đã cố gắng hết sức, nhưng không thể níu giữ được bệnh nhân.

Cap cuu TNGT.jpg
Một bệnh nhân bị rơi trên trần nhà xuống được cấp cứu tại BV ĐKKV Long Khánh
 

Căng thẳng với những ca cấp cứu

     Bác sĩ Nguyễn Văn Sửu – Phó Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, công việc ở khoa cấp cứu lúc nào cũng tất bật và ít có được thời gian rảnh rỗi. Đặc biệt trong những trường hợp bệnh nhân nguy kịch, lúc đó y, bác sĩ mỗi giây mỗi phút đều căng thẳng, lo âu và phải huy động bác sĩ từ nhiều khoa để hội chẩn cứu sống bệnh nhân. Tuy nhiên, không phải bất kỳ ca bệnh nào vào cũng may mắn được cứu sống, bởi một số trường hợp bị chấn thương quá nặng và đưa vào bệnh viện quá trễ, dù có chuyển lên tuyến trên cũng sẽ tử vong. 

     Đứng trước những ca cấp cứu rất nguy kịch, mong manh giữa sự sống và cái chết, đòi hỏi bác sĩ cấp cứu phải có những quyết định thật nhanh và tập trung những phương tiện tốt nhất để cứu bệnh nhân. Bác sĩ Sửu nhớ lại một trường hợp cách đây gần 4 năm. Trong ca trực, bác sĩ Sửu tiếp nhận một bệnh nhi gần 2 tuổi bị ngạt nước do bị té xuống hồ. Bệnh nhi được đưa vào trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, ngay lập tức ê kíp trực lúc đó nhanh chóng đặt ống thở, xoa bóp tim, cho bệnh nhân uống thuốc trợ tim… và sau đó chuyển bệnh nhân sang Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc tiếp tục cấp cứu điều trị. “Rất may mắn là bệnh nhân qua khỏi, cả ê kíp lúc đó thở phào nhẹ nhõm và coi đó như là một điều kỳ diệu”, bác sĩ Sửu nói. 

     Khoa khám bệnh, Bệnh viện ĐKKV Long Khánh trung bình mỗi ngày phải cấp cứu cho hàng trăm bệnh nhân. Bởi vậy, ngoài việc chuẩn bị tốt máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác cấp cứu, đội ngũ bác sĩ ở đây cũng được tăng cường những bác sĩ có chuyên môn cao. 

     Với 18 năm theo nghề, bác sĩ Nguyễn Văn Diễn, Trưởng khoa khám Bệnh, Bệnh viện ĐKKV Long Khánh cho hay, đã làm ở khoa cấp cứu thì phải xác định áp lực, căng thẳng từ nhiều phía, vì chúng tôi không chỉ cứu sống người bệnh mà còn trấn an người bệnh và người thân bệnh nhân. Bệnh nhân đến với khoa chủ yếu là bị tai nạn giao thông, đâm chém, tự tử… Có nhiều trường hợp rất nặng, đòi hỏi chúng tôi phải cứu chữa kịp thời. Tuy nhiên, phía người nhà thì sốt ruột, mất bình tĩnh, đổ lỗi bác sĩ chậm trễ, không chu đáo, thậm chí còn nặng lời với bác sĩ… khiến chúng tôi càng áp lực hơn. 

     Cũng theo bác sĩ Diễn, làm ở khoa cấp cứu có khi bệnh vào tới tấp, dồn dập, nhiều lúc ê kíp trực xoay xở bở hơi tai. Chẳng hạn như vào dịp Tết Nguyên đán bệnh nhân nhập viện đông, có ngày lên tới gần 200 ca. Đòi hỏi phải huy động thêm nhân lực và các bác sĩ, điều dưỡng phải làm việc hết công suất để kịp thời cấp cứu cho người bệnh. “Khoa cấp cứu được coi là nơi rất quan trọng của bệnh viện, do đó, đòi hỏi chúng tôi lúc nào cũng phải tỉnh táo trong cấp cứu và chẩn đoán bệnh nhanh và chính xác”, bác sĩ Diễn chia sẻ thêm. 

Tất cả vì người bệnh

     Với y, bác sĩ ở khoa cấp cứu, khi bắt đầu công việc luôn có cảm giác lo sợ và e ngại, vì hàng ngày đều phải chứng kiến người bệnh của mình trong tình trạng “thập tử nhất sinh”, người bê bết máu… Thế nhưng, trải qua nhiều trường hợp cấp cứu, họ quen dần và ngày càng gắn bó, yêu công việc của mình hơn.

     6 năm gắn bó với nghề, điều dưỡng Vũ Xuân Quý, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tâm sự: “Mới đầu nhận việc, lúc nào tôi cũng thấy lo sợ và căng thẳng khi chứng kiến nhiều ca bệnh nguy kịch. Nhưng giờ đây, tôi thấy thương những bệnh nhi còn quá nhỏ này và tự nhủ bản thân phải trau dồi chuyên môn thật tốt, cố gắng hết mình trong công việc để cùng các bác sĩ giành lại sự sống cho các em”.

     Tuy thời gian làm việc chưa lâu, nhưng với điều dưỡng Quý, mỗi ca bệnh đến đều để lại trong anh lòng trắc ẩn. Anh vẫn nhớ như in trường hợp một em bé 3 tháng tuổi nhập viện vào năm 2014 bị sặc sữa, người tím tái, ngưng tim, ngưng thở… Nhìn em bé mà điều dưỡng Quý không cầm lòng được, tuy nhiên anh và ê kíp nhanh chóng thực hiện các thao tác bóp bóng thở nhân tạo, vừa nhồi tim và hút sữa. 30 phút sau bệnh nhi hồng lại, mọi dấu hiệu sinh tồn đã hồi phục. Người thân của bệnh nhi rất vui mừng, họ tươi cười cầm tay y, bác sĩ cảm ơn ríu rít… Đó cũng niềm hạnh phúc và là món quà vô giá đối với đội ngũ làm cấp cứu.

     Bệnh nhân đến với khoa cấp cứu thường đột xuất, có những bữa cơm của y, bác sĩ cũng không được ăn trọn vẹn. “Đối với những người làm cấp cứu như chúng tôi nói về thời gian ăn bữa cơm cho đúng bữa cũng hiếm, huống gì nói đến thời gian nghỉ ngơi. Có những đêm cũng phải thức trắng cùng với bệnh nhân”, bác sĩ Diễn nói. 

     Mặc dù công việc khá vất vả nhưng những người làm công tác cấp cứu đều có một quan niệm là tất cả vì người bệnh. Bác sĩ Diễn tâm sự:  “Có những lúc bác sĩ đứng trước bệnh nhân chỉ là khoảnh khắc. Khoảnh khắc bác sĩ quyết định phải làm điều gì đó để cứu sống họ. Muốn như vậy phải có kinh nghiệm và kiến thức. Tôi luôn tâm niệm, làm hết mức mình có được, mình làm được. Coi người bệnh cũng như người nhà của mình, để cố gắng hết sức. Để nếu kết quả không như ý nguyện của mình thì cũng không phải ân hận”

     Lựa chọn nghề vất vả và nhiều áp lực, thế nhưng những  y bác sĩ nói chung và y, bác sĩ cấp cứu nói riêng luôn hết lòng với công việc. Với họ, cứu sống được bệnh nhân là điều tuyệt vời nhất không gì có thể sánh bằng. Đó cũng chính là niềm tin, là động lực để các y, bác sĩ vươn lên và nỗ lực nhiều hơn nữa trong “cuộc chiến” giành lại sự sống cho bệnh nhân.  

 
Sao Mai

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn