Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Tình hình bệnh lao và lao kháng thuốc

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống lao, tuy nhiên hiện nay trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng số bệnh lao mắc mới vẫn gia tăng rất cao, đây là điều rất đáng lo ngại.

lao web 1.jpg
 ​Xét nghiệm GenXpert rút ngắn thời gian chẩn đoán lao kháng đa thuốc xuống chỉ còn 2 giờ.

Tình hình bệnh lao trên thế giới

     Theo báo cáo năm 2017 của Tổ chức y tế thế giới (WHO), bệnh lao vẫn là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với 10,4 triệu người mới mắc và hơn 1,7 triệu người chết do lao năm 2016. Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng đó, nhưng sự kháng thuốc của vi khuẩn lao, nhất là lao kháng đa thuốc (MDR-TB) là nguyên nhân quan trọng hàng đầu. Theo báo cáo trên, 4,1% số bệnh nhân lao mới và 19% số bệnh nhân đã từng điều trị lao, tương đương 490 ngàn người mắc MDR-TB.

     Nhưng hiện nay mới chỉ có khoảng 20% số bệnh nhân MDR-TB được tiếp cận điều trị, số còn lại hoặc tử vong hoặc tiếp tục là nguồn lây lan ra cộng đồng. 

Tình hình bệnh lao ở Việt Nam

     Tại Việt Nam, công tác phòng, chống lao đã đạt nhiều thành tựu. Theo thông cáo báo chí năm 2017 của Chương trình chống lao quốc gia (CTCLQG): Hằng năm nước ta phát hiện và điều trị cho hơn 100 ngàn người mắc lao; chữa khỏi trên 90% trường hợp mắc lao mới; đã thu nhận điều trị gần 6 ngàn bệnh nhân MDR-TB; Dịch tễ bệnh lao giảm trung bình 4,6 % hằng năm từ năm 2000 đến nay.

     Tuy nhiên, bệnh lao ở Việt Nam vẫn ở mức cao, đứng thứ 14/30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất trên thế giới, thứ 11/30 nước có gánh nặng MDR-TB cao nhất trên toàn cầu. Mỗi năm có khoảng 130 ngàn bệnh nhân mắc lao mới, song chỉ phát hiện được khoảng 70%, còn 30% số bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và chính họ sẽ là nguồn lây cho xã hội. Đặc biệt, có đến 4,1% số bệnh nhân lao mới và 26% số bệnh nhân đã từng điều trị lao mắc MDR-TB mỗi năm, tức có hơn 5,5 ngàn bệnh nhân, trong đó gần 6% là lao siêu kháng thuốc (XDR-TB).    

     Sở dĩ dịch tễ bệnh lao và lao kháng thuốc ở nước ta vẫn còn trầm trọng là do tình trạng bệnh nhân bỏ điều trị, điều trị không đúng, không đủ, không tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, sự hiểu biết về bệnh lao và cách phòng, chống còn hạn chế, xã hội kỳ thị nên người bị bệnh thường giấu bệnh; ý thức phòng, chống lây lan ra cộng đồng chưa tốt. Chính những yếu tố này gây khó khăn cho công tác điều trị và phòng, chống bệnh lao.

Tình hình bệnh lao ở Đồng Nai

     Tỉnh Đồng Nai có dân số hơn 3 triệu người, cộng thêm hàng trăm nghìn công nhân đang sinh sống và làm việc tại các khu công nghiệp. Với tình hình dịch tễ lao hiện nay, công tác phòng, chống bệnh lao rất quan trọng và đã được các cấp lãnh đạo tỉnh và Sở Y tế luôn quan tâm. Hiện nay, tỉnh đã có Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, trong đó có phòng, chống bệnh lao với mạng lưới từ tuyến tỉnh đến huyện và xã/phường.

     Hằng năm, toàn tỉnh phát hiện và điều trị cho trên 3,5 ngàn bệnh nhân lao các thể (năm 2016 là 3.802 bệnh nhân), trong đó 50% là lao phổi AFB (+). Hằng năm toàn tỉnh có từ 150-200 bệnh nhân kháng thuốc. Trước đây việc chẩn đoán bệnh lao kháng thuốc phải gửi bệnh nhân đi Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch làm kháng sinh đồ lao, mất rất nhiều thời gian.

     Từ năm 2015, dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Sở Y tế và sự giúp đỡ của CTCLQG/Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Phổi Đồng Nai đã triển khai kỹ thuật xét nghiệm GenXpert, rút ngắn thời gian chẩn đoán lao kháng đa thuốc xuống chỉ còn 2 giờ. Cho đến nay Bệnh viện Phổi Đồng Nai đã thu nhận điều trị cho 182 bệnh nhân MDR-TB, đã điều trị khỏi cho 42 bệnh nhân đầu tiên và đang quản lý điều trị cho 102 bệnh nhân khác. 

     Do địa bàn tỉnh rộng, để thuận tiện cho bệnh nhân và được Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo, Bệnh viện Phổi đã đề xuất CTCLQG/Bệnh viện Phổi Trung ương triển khai thêm một điểm chẩn đoán lao kháng thuốc bằng kỹ thuật GenXpert tại tuyến huyện vào cuối năm 2017.

     Điều trị lao kháng thuốc rất tốn kém thời gian, tiền bạc, phải mất 20 tháng và chi phí cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên hiện nay bệnh nhân điều trị lao kháng thuốc vẫn được miễn phí tiền thuốc đặc trị và hỗ trợ tiền ăn. Đây là một cơ hội rất tốt cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo.

     Điều trị lao kháng thuốc về nguyên tắc cũng giống như điều trị lao không kháng thuốc, tức là người bệnh phải tuân thủ điều trị và phối hợp chặt chẽ với nhân viên y tế. Điều trị lao kháng thuốc vừa đem lại cơ hội sống sót cho người bệnh với tỉ lệ thành công trên 70%, vừa giúp cắt nguồn lây vi khuẩn kháng thuốc trong cộng đồng. 

BS.CK II Nguyễn Ngọc Khánh

Giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Nai



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn