Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

BÌNH ỔN HUYẾT ÁP “ÁO CHOÀNG TRẮNG”

Chỉ số huyết áp bình thường ở người trưởng thành là 120/70 milimet Thủy ngân (mmHg) và huyết áp thường dao động theo chu kỳ ngày và đêm, cũng như thường xuyên tăng giảm để thích ứng với lúc nghỉ ngơi hoặc khi lao động nặng hay khi làm việc trí óc. Huyết áp chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố tâm lý, môi trường và thuốc men. Tuy nhiên có một số người, huyết áp thường xuyên tăng cao khi đến đo tại nơi khám bệnh, với sự có mặt của bác sĩ hay y tá, nhưng chỉ số huyết áp lại hoàn toàn bình thường khi được đo tại nhà. Hiện tượng này được gọi là tăng huyết áp triệu chứng hay tăng huyết áp “áo choàng trắng”.

do-huyet-ap.jpg
 

     Tăng huyết áp triệu chứng nếu không được đánh giá, chẩn đoán đúng sẽ đưa đến việc điều trị không đúng, sẽ gây tốn kém, ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống và thậm chí đôi khi còn có thể gây hậu quả xấu về sức khỏe của người bệnh. 

Phương pháp xác định huyết áp “áo choàng trắng”

     Để xác định huyết áp triệu chứng tốt nhất là sử dụng máy đo huyết áp tự động 24 giờ (Holter huyết áp). Người bệnh được mang một máy đo huyết áp đã được đặt chương trình đo tự động liên tục trong ngày (thường 30 phút đo huyết áp 1 lần vào ban ngày và 60 phút 1 lần vào ban đêm). Việc đo huyết áp tự động này giúp bệnh nhân tránh khỏi những ảnh hưởng tâm lý, môi trường nên phản ảnh được huyết áp thực sự của bệnh nhân. Nếu chỉ số huyết áp đo liên tục trong 24 giờ mà thấp hơn 125/80 mmHg, thì người bệnh không bị tăng huyết áp “áo choàng trắng”.

     Người bị huyết áp “áo choàng trắng” cũng nên làm các xét nghiệm cần thiết để tìm kiếm, xác định các yếu tố bất thường về chuyển hoá như: đái tháo đường, béo phì, rối loạn chuyển hoá mỡ máu và tổn thương cơ quan đích như: Dầy thất trái, suy tim, suy thận, mờ mắt, suy vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não... Và những xét nghiệm cơ bản để tầm soát như: soi đáy mắt, đo điện tim, xét nghiệm nồng độ Glucose máu, chỉ số Bun – Creatinine, các thành phần mỡ trong máu như Cholesterol toàn phần và HDL, Triglycerid và tổng phân tích nước tiểu.

     Người bị huyết áp “áo choàng trắng” không cần phải dùng thuốc khi người bệnh không có những tổn thương về tim mạch được xác định. Việc theo dõi đều đặn những bệnh nhân này là lẽ đương nhiên. Bởi vì một số bệnh nhân có thể sẽ tiến triển thành bệnh tăng huyết áp. Mặt khác cần phải đề phòng tăng huyết áp, bằng cách thay đổi về chế độ ăn uống, giảm trọng lượng, giảm muối và rượu, tập thể dục đều đặn. 

     Việc điều trị cần phải dựa chủ yếu vào chỉ số huyết áp được đo tại nhà hoặc đo tại phòng khám bệnh, chỉ số huyết áp cao hay thấp. Để từ đó đưa ra quyết định điều trị hay tăng cường biện pháp phòng bệnh. Việc sử dụng thuốc hạ huyết áp chỉ nên áp dụng khi có bằng chứng bị tổn thương cơ quan đích hoặc có những nguy cơ về tim mạch. 

Phương pháp bình ổn huyết áp “áo choàng trắng”

     Đối với những người tăng huyết áp “áo choàng trắng”, để nâng cao hiệu quả điều trị và giúp ổn định huyết áp, liệu pháp tâm lý thường được lựa chọn. Trong đó, phương pháp thư giãn - tự kỷ ám thị sẽ làm thay đổi cơ bản về nhận thức của người bệnh, giúp họ hiểu đúng về bệnh huyết áp, từ đó giúp họ an tâm, không lo lắng về tình trạng bệnh tật của mình nữa.

     Có nhiều phương pháp thư giãn và tự kỷ ám thị, phương pháp này thường hay áp dụng vào trước lúc ngủ, khi vỏ não trong trạng thái lơ mơ, nửa tỉnh nửa ngủ thì hay nhất. Hình thức tập đơn giản là nhẩm thầm trong óc liên tục về một câu chữ, mà có nội dung liên quan đến sự tiến triển tốt đẹp của cơ thể như: “huyết áp tôi luôn ổn định”, “ngày mai tôi sẽ khỏe”...

     Thông thường nên tập phương pháp này ở tư thế nằm ngửa. Trước khi vào các bài tập cho đến khi kết thúc, người tập liên tục nhẩm thầm trong tâm trí một câu: “toàn thân tôi thoài mái, nặng ấm, dễ chịu”.

     Người tập nên chọn một nơi yên tĩnh, tránh mọi suy nghĩ miên man, tâm trí tập trung vào những vùng trên cơ thể và đọc nhẩm thầm một câu: “tay chân tôi nặng dần” và mường tượng từng phần cơ thể: vùng đầu mặt, đến hai tay, rồi qua ngực bụng và xuống hai chân. Cố gắng tập trung tâm trí và để ý vào từng phần trên cơ thể, sao cho mỗi lúc có cảm giác càng nặng thêm. Sau đó tiếp tục lại vài lần nữa từ đầu đến chân với cách thức tập tương tự. Nếu tập có kết quả thì hai chân và toàn thân sẽ có cảm giác nặng trĩu, cảm giác như bị dính chặt xuống dưới giường. Theo quy luật về tâm sinh lý, khi các cơ vân được thư giãn thì sẽ xuất hiện cảm giác nặng trĩu ở tay chân.

     Tiếp tục lần nữa, lần này cũng tương tự như phần tập nêu trên, khi đã có cảm giác nặng trĩu tay chân, lúc này người tập nên thay đổi câu ám thị: “toàn thân tôi ấm dần”, người tập đọc thầm câu này liên tục nhiều lần trong trí não và hãy mường tượng vài lần những vùng trên cơ thể như có một làn hơi ấm lan tỏa ra toàn thân, bắt đầu từ vùng đầu mặt, hai tay, ngực bụng và xuống hai chân. Theo quy luật, khi cơ trơn được thư giãn, giãn các mạch ngoại biên, máu chuyển đến tăng sẽ gây cảm giác ấm nóng dễ chịu. Khi đã tìm được cảm giác ấm ở tay phải, rồi chuyển sang tìm cảm giác ấm ở tay trái, rồi lần lượt đến hai chân, rồi lan tỏa cảm giác ấm nóng toàn thân là đạt kết quả tốt.

     Khi đã có cảm giác nặng ấm toàn thân, người tập nên tiếp tục đọc thầm câu “toàn thân tôi hoàn toàn nặng ấm, dễ chịu”. Đồng thời tưởng tượng toàn thân đang nặng ấm dần và cảm giác toàn thân đang hoàn toàn thư giãn, thoải mái dễ chịu.

     Phần tập dưới đây chỉ nên luyện tập khi đã tập những phần trên một cách thuần thục và có kết quả. Phần tập này giúp người bệnh biết cảm nhận về hoạt động của tim mạch. Lúc này người tập cũng tự ám thị bằng cách đọc thầm câu “tim tôi đập đều đặn, huyết áp tôi ổn định”. Người tập tưởng tượng ra khung cảnh tại một phòng khám bệnh, lúc này bác sỹ đang đo huyết áp cho mình, máy đo huyết áp được đeo vào cánh tay, sau đó tiếp tục mường tượng tay mình đang bị ép chặt, nặng trĩu bởi băng quấn máy đo huyết áp, lúc này người tập cố mường tượng ra chỉ số huyết áp của mình là 120/70 mmHg và tiếp tục đọc thầm trong tâm trí: “huyết áp tôi không cao”. Sau đó chuyển qua phần tập theo dõi, lắng nghe nhịp đập của tim, cố gắng chú ý lắng nghe từng nhịp tim đập đều đặn, cùng lúc nên đọc thầm câu: “nhịp tim tôi đều đặn” nhiều lần. Tiếp tục tập liên tục và lập lại nhiều lần trong vài phút, cho tới khi có cảm giác yên tĩnh, thư giãn. Đến lúc này nếu cơ thể trong trạng thái tĩnh lặng và hoàn toàn thư giãn, người tập có thể đếm được nhịp tim, nhịp thở một cách dễ dàng và có thể tự điều hòa và kiểm soát chúng.

     Điều kiện để tập thư giãn có kết quả là phải quyết tâm, kiên trì và liên tục áp dụng phương pháp một cách đều đặn; tập từ ít tới nhiều, mới tập thời gian từ 20-30 phút, mỗi ngày hai lần; khi tập lâu dần thì số lần và số lượng thời gian tăng dần. Phương pháp thư giãn khi tập đúng rất mau có hiệu quả. Tập thư giãn có tác dụng phòng tránh căng thẳng thần kinh, giúp ổn định huyết áp và bảo vệ hoạt động của hệ thần kinh trung ương được tốt hơn. 

BS Nguyễn Văn Nghị 
Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai.


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn