Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Khoán việc để thu hút và giữ chân bác sĩ

Tình trạng bác sĩ có tay nghề ở bệnh viện công lập nghỉ việc đang ở mức đáng báo động. Giữ chân bác sĩ, nhất là bác sĩ giỏi đang là vấn đề đau đầu của lãnh đạo các bệnh viện và ngành Y tế.

Mo BV TNhat.jpg

Các bác sĩ có tay nghề cao của Khoa Ngoại - lồng ngực Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đang kiểm tra vết mổ cho bệnh nhân sau ca mổ tim hở. 


     Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế Hà Đức Minh cho biết, trong 3 năm gần đây số lượng bác sĩ ở bệnh viện công lập nghỉ việc ngày càng tăng. Năm 2016 có 65 bác sĩ nghỉ việc, đến năm 2017 con số này đã lên tới 98 và năm 2018 là 102 người (gồm 97 bác sĩ và 5 dược sĩ, cử nhân y tế). Riêng 2 tháng đầu năm 2019, đã có 18 bác sĩ nghỉ việc. Điều đáng nói, phần lớn các bác sĩ nghỉ việc đều có trình độ chuyên môn cao, tay nghề vững.

“Đau đầu” vì bác sĩ nghỉ việc

     Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bác sĩ CKII Lê Thị Phương Trâm cho biết bệnh viện hiện có hơn 300 bác sĩ, trong đó 40% số bác sĩ làm việc từ 2-5 năm, hơn 24% bác sĩ làm từ 6 năm trở lên. Khoảng 50% bác sĩ có thu nhập từ 9-15 triệu đồng/tháng. Năm 2018 bệnh viện có 32 bác sĩ nghỉ việc gồm 3 phó khoa, 8 bác sĩ có trình độ CKI.

     Từ đầu năm 2019 đến nay, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã có 5 bác sĩ nghỉ việc và hiện 6 bác sĩ có trình độ CKI đang nộp đơn xin nghỉ. Nhiều bác sĩ làm việc từ 2-5 năm, có chứng chỉ hành nghề hoặc học xong CKI là nghỉ việc do được các bệnh viện tư nhân mời gọi với chế độ đãi ngộ và  bố trí chức vụ cao hơn.

     Còn TS-BS.Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thì ngậm ngùi: “Không chỉ bác sĩ mà cả những điều dưỡng giỏi của bệnh viện cũng đang được các cơ sở y tế tư nhân mời gọi. Mới đây, hơn 10 điều dưỡng giỏi, có kinh nghiệm của bệnh viện đã chuyển ra ngoài làm việc cho các cơ sở y tế tư nhân. Điều này đã gây ra sự xáo trộn và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh tại bệnh viện”.

     Cũng “đau đầu” với tình trạng bác sĩ nghỉ việc, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, bác sĩ CKII Nguyễn Lê Đa Hà bộc bạch, có những bác sĩ được bệnh viện quy hoạch chức vụ phó giám đốc cũng xin nghỉ việc để ra ngoài làm với mong muốn có thu nhập cao hơn. Vì thiếu bác sĩ, bệnh viện phải luân chuyển các bác sĩ từ khoa này sang khoa kia, choàng gánh công việc cho nhau, song song đó phải thu hút, mời gọi các bác sĩ là sinh viên tốt nghiệp các trường y, dược về.

     Không chỉ các bệnh viện tuyến tỉnh mà đến nay hầu hết các trung tâm y tế tuyến huyện cũng đều thiếu bác sĩ, nhất là bác sĩ giỏi; trong đó thiếu nhiều nhất là các trung tâm y tế: Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Tân Phú, Thống Nhất và 2 bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán, Long Thành.

Thu nhập, môi trường làm việc không đáp ứng

     Trước thực trạng thiếu bác sĩ ở các cơ sở y tế công lập, từ năm 2017 ngành Y tế thực hiện chế độ thu hút, hỗ trợ viên chức, nhân viên ngành Y tế theo Quyết định số 4690 của UBND tỉnh, có hiệu lực đến hết năm 2020. Theo đó, đối tượng thu hút là bác sĩ tốt nghiệp đại học hệ chính quy tại các trường đại học y, dược về công tác tại các trung tâm y tế huyện Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch; Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán, các bệnh viện chuyên khoa phổi, da liễu, Trung tâm giám định y khoa, Trung tâm pháp y, Trung tâm HIV/AIDS với mức thu hút 150 triệu đồng/người.

     Mức thu hút bác sĩ về các trung tâm y tế các huyện Thống Nhất, Trảng Bom; Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai là 100 triệu đồng/người. Kèm theo đó là những quyền lợi như được hỗ trợ tiền thuê nhà hằng tháng, hỗ trợ đối với bác sĩ nữ.

     Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế Hà Đức Minh, mức thu hút trên vẫn chưa làm hài lòng nhiều bác sĩ. Minh chứng là có nhiều bác sĩ sau khi được thu hút về vài năm, có chứng chỉ hành nghề lại xin nghỉ việc. Có người chấp nhận đền bù gấp 5 lần số tiền thu hút đã được nhận vì không thực hiện đúng cam kết, xin thôi việc, chuyển công tác ra khỏi ngành Y tế Đồng Nai.

May BVLoKhanh.jpg 
 
 Bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh chuẩn bị chụp phim cho bệnh nhân.

     Lý giải nguyên nhân vì sao nhiều bác sĩ cứng tay nghề “dứt áo” ra đi, lãnh đạo các bệnh viện cho hay, trong đơn xin nghỉ việc các bác sĩ đều viện lý do gia đình nhưng ai cũng hiểu đằng sau đó là vấn đề thu nhập.

     Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Lê Thị Phương Trâm chia sẻ, qua khảo sát đối với các bác sĩ trong bệnh viện cho thấy, có 70% bác sĩ mong muốn có thu nhập từ 20-25 triệu đồng/tháng. 20% bác sĩ muốn có mức lương từ 25 đến trên 30 triệu đồng/tháng. “Mặc dù rất muốn đáp ứng nhu cầu của bác sĩ nhưng nguồn thu của bệnh viện có hạn nên lãnh đạo bệnh viện cũng không biết phải làm cách nào” - bác sĩ Trâm trải lòng.

     Một bác sĩ vừa nghỉ việc ở bệnh viện công lập chuyển sang tư nhân lý giải: “Điều trước tiên mà các bác sĩ mong muốn khi bước vào ngành Y là được làm đúng chuyên môn, được nâng cao trình độ tay nghề. Thứ 2, mức thu nhập phải đủ để nâng cao chất lượng cuộc sống, báo hiếu cha mẹ, nuôi dạy con cái. Thứ 3 là mong muốn được đào tạo để có một vị trí công tác tốt. Thứ 4 là môi trường làm việc thân thiện. Ở các cơ sở y tế tư nhân đáp ứng rất tốt nhu cầu thứ 2 và thứ 4, các bác sĩ cũng dễ dàng thực hiện nhu cầu đầu tiên. Có thể do cơ chế bệnh viện công khác bệnh viện tư nên ở môi trường tư nhân, bác sĩ càng giỏi càng được ông chủ quý trọng. Ngược lại ở bệnh viện công lập chưa làm được điều này”.

Khoán việc để tăng thu nhập

     “Dòng chảy” bác sĩ từ bệnh viện công sang bệnh viện tư vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này sẽ đặt ra nhiều bất lợi cho các bệnh viện công lập nhưng cũng là “hồi chuông” để lãnh đạo ngành Y tế, lãnh đạo các bệnh viện công lập nhìn nhận lại cách quản lý, cơ chế chính sách của mình xem chưa đúng ở đâu để chỉnh sửa nhằm giữ chân người tài.

     Với mục đích tăng thu nhập để giữ chân bác sĩ ở bệnh viện công lập, vừa qua Sở Y tế đã đồng ý để Bệnh viện đa khoa Ðồng Nai, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thực hiện khoán việc cho bác sĩ, đồng thời “bật đèn xanh” cho các bệnh viện khác thực hiện nếu cảm thấy đủ nguồn lực. Sở Y tế lựa chọn 3 đơn vị này bởi từ đầu năm 2018 đến nay, 3 bệnh viện đã thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Đây là thuận lợi để các bệnh viện chuyển sang khoán việc, khoán chỉ tiêu cho bác sĩ.

     Theo đó, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh tiến hành khoán việc cho cả bác sĩ nội trú và ngoại trú. Thu nhập của bác sĩ sẽ dựa trên tổng số bệnh nhân. Mỗi bác sĩ có trách nhiệm tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân đến khi ra viện. Tổng kinh phí điều trị của bệnh nhân sau khi trừ tất cả các chi phí sẽ chia phần trăm cho bác sĩ điều trị, cho bệnh viện và các khoa, phòng không trực tiếp tham gia điều trị. Điều này giúp bác sĩ có trách nhiệm hơn với chuyên môn của mình, làm sao để nâng cao tay nghề và xây dựng được “thương hiệu” cho bản thân để tạo sự tin tưởng cho người bệnh. Phản hồi của người bệnh chính là thước đo để đánh giá bác sĩ. Càng nhiều bệnh nhân đến với bệnh viện, bác sĩ nào làm việc nhiều thì thu nhập nhiều và ngược lại.

     Không chỉ khoán cho từng bác sĩ, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh còn khoán việc đối với từng khoa. Căn cứ vào tổng mức thu hằng tháng của các khoa, trừ đi các chi phí, còn lại bao nhiêu tiền nếu vượt định mức quy định của bệnh viện sẽ đem chia cho bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế trong khoa đó.

     Còn Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đưa ra giải pháp lấy tổng thu trừ tổng chi của khoa, sau đó lấy phần lợi nhuận thu được chi phần trăm cho các bác sĩ trong khoa. Ngoài thu nhập từ mức lương tháng cố định, các bác sĩ sẽ có thêm các nguồn thu nhập tăng thêm.

     Điều mà các bệnh viện công lập mong muốn là các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc trong cơ chế tự chủ tài chính đối với các bệnh viện công lập. Tránh tình trạng bệnh viện công “nai lưng” ra đào tạo bác sĩ đến khi họ “đủ lông đủ cánh” lại “bay” sang các bệnh viện tư nhân. Mặt khác, nếu không có đội ngũ nguồn nhân lực có tay nghề thì khi ngân sách nhà nước đầu tư thiết bị máy móc hiện đại cho các bệnh viện công cũng không có người để sử dụng, gây lãng phí lớn.

     Giám đốc Sở Y tế, TS-BS.Phan Huy Anh Vũ cho rằng, dù áp dụng mô hình gì đi nữa thì mục đích cuối cùng mà các bệnh viện công phải thực hiện tốt là sự hài lòng của người bệnh. Muốn tăng nguồn thu phải có bệnh nhân. Muốn bệnh nhân tin tưởng phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thái độ phục vụ đối với người bệnh. Cần phải thay đổi tư tưởng và cách nhìn của bác sĩ, phải gắn liền lợi ích của bệnh viện với lợi ích của từng cán bộ, nhân viên y tế để làm việc cho tốt.

Hạnh Dung



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn