Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Nhiều hoạt động giảm thiểu chất thải trong ngành y tế

Tại Đồng Nai, tổng lượng chất thải phát sinh của các cơ sở y tế trên địa bàn vào năm 2018 là hơn 6,5 ngàn tấn, trong đó chất thải y tế nguy hại khoảng 2,5 tấn/ngày đêm. Nhằm hạn chế tối đa sự phát sinh chất thải y tế, ngành Y tế nói chung và các cơ sở y tế đã và đang đưa ra nhiều giải pháp để quản lý, xử lý tốt chất thải y tế, góp phần bảo vệ môi trường.

Racthainhua.jpg
Các thùng chứa rác thải được dán nhãn theo từng loại để người dân dễ phân biệt
 

Phân loại rác để xử lý tốt hơn

     Theo báo cáo của Bệnh viện ĐK Đồng Nai số lượng bệnh nhân nội trú, ngoại trú, bệnh nhân phẫu thuật từ đầu năm đến tháng 9-2019 tăng hơn 24 ngàn người so với năm 2018. Cụ thể mỗi ngày bệnh viện điều trị cho gần 2 ngàn bệnh nhân nội trú và khám bệnh cho khoảng 4-6 ngàn bệnh nhân ngoại trú.

     Phó Giám đốc Bệnh viện ĐK Đồng Nai Đinh Cao Minh cho hay, lượng bệnh nhân tăng kéo theo chất thải phát sinh trong quá trình chăm sóc y tế, cũng như các hoạt động sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế cũng tăng lên. Tuy nhiên nhờ việc phân loại rác thải rõ ràng, cùng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế nên mặc dù lượng bệnh nhân tăng nhưng chi phí chi trả xử lý rác thải lại giảm hơn so với năm 2018. Cụ thể tính đến tháng 9-2019 lượng rác thải, chất thải nguy hại không lây nhiễm đã giảm gần 500 kg  và tổng chi phí xử lý rác thải giảm hơn 100 triệu đồng ao với năm 2018.  

     “Bệnh viện đã trang bị các thùng đựng rác phù hợp với từng loại rác thải để bệnh nhân, người nhà bệnh phân, nhân viên y tế thực hiện đúng nhằm tạo thuận lợi trong việc xử lý rác thải. Để giảm thiểu rác thải nhựa, bệnh viện có chủ trương từ nay trở đi sẽ hạn chế sử dụng các chai nước bằng nhựa trong các cuộc họp, giao ban hằng ngày, thay vào đó là các bình nước, ly nước bằng thủy tinh, sành sứ” – BS. Đinh Cao Minh nói. 

     Nếu như trước đây việc phân loại rác chỉ có 3 loại đó là rác thải thông thường, rác thải lây nhiễm và rác thải độc hại, nay Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tách ra làm 4 loại rác thải khác nhau và được dán nhãn từng loại thùng rác để cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế có thể dễ phân biệt. Cụ thể, bệnh viện tách loại rác thải thông thường ra làm 2 loại khác nhau, đó là rác thải có khả năng tái chế như giấy, báo, vỏ hộp sữa, vỏ chai nhựa, chai thủy tinh… và loại rác thải hữu cơ dễ phân hủy như thức ăn thừa, các loại thực phẩm bẩn. Đối với rác thải có khả năng tái chế sẽ được bệnh viện bán lại cho các cơ sở thu mua để tái chế lại, góp phần tăng nguồn thu cho bệnh viện.

Nhiều hình thức giảm thiểu rác thải nhựa

     Bác sĩ Trần Thị Hà Phương, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện ĐK Đồng Nai cho biết việc giảm thiểu chất thải nhựa trong y tế đã được bệnh viện triển khai nhiều hình thức như phát động các phong trào thi đua hưởng ứng giảm thiểu sử dụng sản phẩm một lần, treo băng rôn phát động tại các khu vực đông người để nhằm thay đổi hành vi, thói quen cho nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Tại các hội thi văn nghệ, kỷ niệm các ngày lễ bệnh viện lồng nghép các tiểu phẩm liên quan nói về giảm thiểu rác thải nhựa.

     Bên cạnh đó hàng năm bệnh viện xây dựng kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa và nhắm vào 2 nguồn rác thải nhựa có số lượng lớn có thể thay thế đó là túi ny-lông đựng thuốc và hộp đựng cơm. Hiện bệnh viện đã kêu gọi nhà thầu cung cấp mẫu túi giấy để sắp tới thay thế hoàn toàn túi đựng thuốc bằng túi giấy. Bệnh viện cũng yêu cầu nhà thầu cung cấp suất ăn cho nhân viên y tế bằng hộp cơm bằng nhựa có thể sự dụng được nhiều lần. 

     “Về phía bệnh nhân, hiện mới có khoảng 25% bệnh nhân tham gia ăn cơm bệnh viện, nhưng thời gian tới bệnh viện sẽ tuyên truyền đến người nhà cũng như bệnh nhân để có thể đạt 100% bệnh nhân điều trị tại bệnh viện sẽ ăn cơm ở đây, vì việc sử dụng các loại khay cơm inox sẽ góp một phần giảm bớt lượng rác thải ra môi trường”, bác sĩ Hà Phương cho biết thêm.

     Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cũng đã triển khai nhiều hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa như: Ở phòng mổ dịch vụ bệnh viện đã trang bị bịch đựng thuốc bằng giấy và có in lời dặn cũng như hướng dẫn sử dụng của các loại thuốc; thay bộ phun khí dung dùng một lần sang bộ phun khí dung hấp tiệt khuẩn có thể tái sử dụng nhiều lần; đối với các phòng chụp phim tăng cường ứng dụng công nghệ số trong chụp X-Quang, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ thì sử dụng công nghệ lưu trữ và chuyển tải hình ảnh bằng công nghệ, hạn chế rửa phim; đối với các bác sĩ lâm sàng thì tăng cường chỉ định đường uống nhiều hơn đường chích… 

     Cử nhân Đồng Thị Lan, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết: “Bệnh viện đã đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động của bệnh viện, tổ chức ký cam kết giữa Ban Giám đốc bệnh viện với lãnh đạo các khoa phòng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại cơ sở y tế về việc giảm thiểu chất thải nhựa; thực hiện khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảm thiểu chất thải nhựa tại bệnh viện để tạo động lực cho nhân viên y tế, bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân có thêm động lực”.

     Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, để giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế cần phải nghiên cứu, đánh giá, phân loại xem những loại chất thải nhựa nào chúng ta có thể giảm được để đưa ra các phương pháp cụ thể, thiết thực, tùy từng tình huống thực tế thì mới triển khai thành công. Ngoài ra, Sở Y tế sẽ tổ chức các buổi tập huấn, phối hợp cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa để nâng cao nhận thức cho người dân cũng như nhân viên y tế trong việc giảm thiểu chất thải nhựa để chung tay bảo vệ môi trường.

Thanh Tú



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn