Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Hiểu đúng về xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2

Trong đại dịch Covid-19, xét nghiệm mẫu bệnh phẩm được xem là công cụ quan trọng nhất giúp xác định chẩn đoán, ngoài ra còn để dự phòng, theo dõi những trường hợp nghi ngờ.

Xetnghiem.jpg
Các nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân khu vực cách ly trên đường Hồ Văn Đại. Ảnh: Hồ Hồng
 

     Hiện nay, Việt Nam có hai kỹ thuật xét nghiệm để phát hiện sự hiện diện của vi rút SARS-CoV-2, bao gồm: xét nghiệm Real-time Polymerase Chain Reaction (RT-PCR) để tìm vi rút và xét nghiệm nhanh để tìm kháng thể kháng vi rút trong máu. Ở Đồng Nai hiện tại chỉ có xét nghiệm RT-PCR.

Xét nghiệm RT-PCR tìm vi rút SARS-CoV-2

     RT-PCR là xét nghiệm sinh học phân tử hiện đại, dùng để phát hiện sự có mặt của vi rút SARS-CoV-2 trong dịch mũi, họng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Do đó, đòi hỏi các kỹ thuật viên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật từ khâu lấy, bảo quản và xử lý mẫu bệnh phẩm, đến quá trình tiến hành xét nghiệm để cho các kết quả xét nghiệm tin cậy, giúp bác sĩ lâm sàng có cơ sở để chẩn đoán, điều trị, theo dõi, giám sát, quản lý bệnh nhân và cộng đồng.

     * Xét nghiệm cho kết quả dương tính: có vi rút SARS-CoV-2 trong dịch mũi, họng, người bệnh sẽ được đưa tới bệnh viện/trung tâm cách ly và được điều trị. Hoặc nếu người đó đang ở bệnh viện/trung tâm cách ly rồi thì sẽ được điều trị.

     * Xét nghiệm cho kết quả âm tính: người đó hiện tại không nhiễm vi rút SARS-CoV-2 hoặc người đó đang trong giai đoạn ủ bệnh, lượng vi rút rất thấp, chưa có vi rút ở trong dịch tiết mũi họng, nên chưa tìm ra vi rút SARS-CoV-2 trong dịch mũi, họng hoặc đó là kết quả âm tính giả (phụ thuộc vào cách lấy mẫu, kỹ thuật xét nghiệm,…). Khi chưa biết kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính thuộc trường hợp nào thì không được chủ quan, vẫn phải tuân thủ quy trình cách ly và cách ly đủ 14 ngày. 

     Khi bệnh nhân cách ly đúng quy trình thì không quá lo lắng về khả năng lây lan cho cộng đồng. Một trường hợp điển hình về xét nghiệm RT-PCR ngay tại Đồng Nai đó là bệnh nhân 669, sau 2 lần có kết quả âm tính ở 3 cơ sở xét nghiệm khác nhau thì lần thứ 3 bệnh nhân đã có kết quả dương tính. Có thể thấy ở 2 lần xét nghiệm đầu bệnh nhân đang trong giai đoạn ủ bệnh, chưa có vi rút ở trong dịch tiết mũi, họng của bệnh nhân, nếu chủ quan không tuân thủ quy trình cách ly sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, trong trường hợp này bệnh nhân đã được cách ly trước khi có kết quả dương tính một tuần và theo các tài liệu y văn, những ca nhiễm Covid-19 có nguy cơ lây lan trong cộng đồng trước 03 ngày tính từ ngày khởi phát bệnh và có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2, cho nên khả năng lây nhiễm của bệnh nhân 669 đối với cộng đồng 03 ngày trước đó ở mức thấp.

Xét nghiệm nhanh tìm kháng thể kháng vi rút SARS-CoV-2 

     Xét nghiệm nhanh là xét nghiệm tìm kháng thể kháng vi rút trong máu, cho phép xác định việc bệnh nhân có đang nhiễm hoặc trước đó phơi nhiễm với vi rút SARS-CoV-2 hay không. Nếu người đang nhiễm hoặc trước đó phơi nhiễm thì trong máu sẽ có kháng thể kháng lại vi rút SARS-CoV-2.

     Kháng thể là một chất do cơ thể sinh ra để tiêu diệt vi rút khi bị vi rút xâm nhập. Nhiều nghiên cứu cho thấy, vi rút SARS-CoV-2 kích thích tổng hợp kháng thể ở bệnh nhân khoảng 7 đến 11 ngày sau khi nhiễm vi rút. Do đó, xét nghiệm phát hiện kháng thể không hữu ích trong giai đoạn sớm của bệnh, nhất là trong 6 ngày đầu khi kháng thể chưa kịp hình thành trong máu.

     * Xét nghiệm cho kết quả dương tính: nguời đó đã có kháng thể hoặc kết quả dương tính giả. Xét nghiệm nhanh dương tính cũng chưa đủ khẳng định được là hiện tại có sự hiện diện vi rút SARS-CoV-2 trong cơ thể, mà cần phải làm thêm xét nghiệm RT-PCR để tìm vi rút SARS-CoV-2.

     * Xét nghiệm cho kết quả âm tính: không có kháng thể do chưa nhiễm vi rút SARS-CoV-2 hoặc đang nhiễm nhưng cơ thể chưa sinh kháng thể hoặc kết quả âm tính giả (phụ thuộc vào kỹ thuật, loại kit xét nghiệm). Chính vì không biết người có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính thuộc trường hợp nào nên tuyệt đối không được chủ quan, không được nghĩ rằng mình chắc chắn không mắc Covid-19, mà vẫn phải tuân thủ quy trình cách ly đủ 14 ngày. 

     Tóm lại là dù xét nghiệm RT-PCR hay xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính thì vẫn phải cách ly đủ 14 ngày đối với những người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

     Để chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19 hãy hạn chế đến nơi công cộng, tập trung đông người; đeo khẩu khi đi ra ngoài, giữ khoảng cách tiếp xúc tốt nhất 2m; thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, hoặc bằng dung dịch sát khuẩn có cồn (ít nhất 60% cồn); không đưa tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên súc họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, khăn vải, khuỷu tay áo; vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc; nếu bạn có dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi, và khó thở, hãy tự cách ly tại nhà, đeo khẩu trang và gọi cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị; cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19, giúp bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

BS.Hồ Thị Hồng

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn