Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng

Tiêm chủng là cách tốt nhất để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em. Tiêm chủng là việc sử dụng hình thức như (tiêm, uống,...) để đưa vắc xin vào cơ thể con người với mục đích tạo cho cơ thể đáp ứng miễn dịch phòng bệnh.

tiem chung cdc1.jpg
Người dân cần theo dõi phản ứng sau tiêm chủng 30 phút, ngay sau khi được tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng
và cần theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm. Trong ảnh: Khu vực theo dõi sau tiêm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai.  
 

     Khi đưa vắc xin vào cơ thể có thể xuất hiện những phản ứng không mong muốn xảy ra gọi là phản ứng sau tiêm chủng. Đó là hiện tượng đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với các vắc xin. Hầu hết đều ở mức độ nhẹ, một số ít ở mức độ vừa, rất hiếm có phản ứng ở mức độ nặng (hội chứng sốc nhiễm độc, phản ứng phản vệ).

     Có 5 nguyên nhân dẫn đến phản ứng sau tiêm chủng theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới:

     * Phản ứng liên quan đến vắc xin: Là phản ứng của từng cá nhân đối với các thành phần có trong vắc xin, ngay cả khi vắc xin đã được sản xuất, bảo quản, vận chuyển và chỉ định mộtcách chính xác. Hầu hết các phản ứng liên quan tới vắc xin là nhẹ và tự khỏi, phản ứng nghiêm trọng liên quan tới vắc xin rất hiếm gặp.

    * Phản ứng liên quan đến chất lượng của vắc xin: Do sai sót trong quá trình sản xuất dẫn đến chất lượng vắc xin và làm tăng nguy cơ các phản ứng sau tiêm chủng. Hiện tại, rất hiếm gặp nguyên nhân này, do các cơ sở sản xuất vắc xin đều đã áp dụng thực hành sản xuất tốt (GMP) và sự giám sát của cơ quan quản lý Quốc gia (NRA). 

    * Phản ứng liên quan đến sai sót tiêm chủng: Bao gồm phản ứng liên quan quá trình bảo quản, vận chuyển, chỉ định và tiêm chủng vắc xin không đúng. Những phản ứng này đều có thể phòng  ngừa được. 

     * Phản ứng liên quan đến lo lắng khi tiêm chủng: Đây là phản ứng của cơ thể do sự lo lắng quá mức với tiêm chủng như ngất xỉu, thở nhanh, chóng mặt,… Phản ứng này hay gặp ở nhóm trẻ lớn, người lớn, đặc biệt trong các đợt tiêm chủng cho nhiều đối tượng. 

     * Trùng hợp ngẫu nhiên: Là phản ứng sau tiêm không phải do vắc xin hay sai sót tiêm chủng, cũng không liên quan lo lắng khi tiêm chủng, mà là do bệnh lý sẵn có của đối tượng được tiêm chủng. Lịch tiêm chủng cho trẻ em thường bắt đầu rất sớm. Giai đoạn này trẻ rất dễ bị nhiễm trùng hay các bệnh bẩm sinh, kể cả tử vong vì thế rất dễ bị quy do tiêm chủng. 

     Tóm lại, dù bất cứ nguyên nhân gì, để đảm bảo an toàn cho trẻ, các bậc cha mẹ cần theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng đúng cách.

    Tại điểm tiêm chủng: Sau tiêm chủng cho trẻ ở lại theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng để theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra.

     Tại nhà: Sau khi từ điểm tiêm chủng về nhà, tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm. Để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe của trẻ (tinh thần, tình trạng ăn ngủ, dấu hiệu nhịp thở, nhiệt độ, phát ban, các dấu hiệu tại chỗ tiêm).

     Hầu hết những phản ứng sau tiêm thường nhẹ và tự khỏi trong thời gian ngắn như sốt nhẹ < 38,50C, đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc,… Khi trẻ có những dấu hiệu trên, có thể chăm sóc trẻ tại nhà bằng cách: mặc thoáng cho trẻ, duy trì chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cho trẻ uống nhiều nước, bú mẹ nhiều hơn, khi bế trẻ tránh chạm vào vết tiêm. Nếu tại vết tiêm sưng, đỏ, có thể chườm lạnh để giúp giảm đau và giảm sưng cho trẻ, không xoa dầu, chườm nóng, nặn chanh, đắp khoai tây hay bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng vết tiêm. Trường hợp trẻ sốt >= 38,50C, sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ.

     Đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất khi trẻ có một trong những dấu hiệu như: Sốt cao > 390C; quấy khóc kéo dài, kém tương tác cha mẹ, trẻ mệt mỏi, li bì và hôn mê; co giật; nôn, bú kém, bỏ bú; phát ban; thở nhanh, khó thở, tím môi và chi; chi lạnh, da nổi vân tím; hoặc có các dấu hiệu bất thường khác khiến cha mẹ trẻ lo lắng.

    Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất, vì sức khỏe của con mình các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Sau khi tiêm chủng cần chú ý theo dõi chăm sóc trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. 

BS.Hồ Thị Hồng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn