Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại các cơ sở y tế

Là ngành lao động đặc thù, hầu hết cán bộ, viên chức, người lao động ngành Y tế làm việc trong môi trường có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe; không ít nhân viên y tế thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, từ trường, các bệnh phẩm nguy hiểm độc hại, đối diện với nguy cơ phơi nhiễm bệnh từ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm… Chính vì vậy, các cơ sở y tế luôn chú trọng vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ người lao động trước những rủi ro, tai nạn nghề nghiệp.

xnghiem1.jpg
Lấy máu xét nghiệm HIV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
 

     Trung bình mỗi ngày Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp đón, thăm khám và điều trị cho khoảng 220 bệnh nhân (trong đó 80 bệnh nhân điều trị HIV và 140 bệnh nhân điều trị nghiện bằng Methadone). Do đó nhân viên y tế ở đây thường xuyên tiếp xúc với nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe. Vì vậy bên cạnh việc làm tốt công tác khám chữa bệnh cho người bệnh, thì ý thức đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cũng được toàn thể nhân viên Khoa Phòng chống HIV/AIDS đặc biệt quan tâm. 

     Gắn bó gần 10 năm với công tác khám, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, BS.CKI Vũ Thị Ngọc, Khoa Phòng chống HIVAIDS cho biết: “Chúng tôi xác định làm nghề y là dễ bị phơi nhiễm bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là với những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân HIV/AIDS. Cho nên chúng tôi luôn phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về an toàn lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, thực hiện đúng quy trình an toàn vệ sinh lao động”.

     Thường xuyên tiếp xúc với mẫu bệnh phẩm như máu, dịch tiết của bệnh nhân HIV, nguy cơ lây nhiễm cao, các bác sĩ, kỹ thuật viên trong Khoa phải rất cẩn thận, tỉ mỉ trong từng khâu làm việc để có thể đưa ra những kết quả xét nghiệm chuẩn xác và nhanh nhất. Kỹ thuật viên Nguyễn Thị Oanh – người trực tiếp thực hiện xét nghiệm HIV cho biết: Môi trường làm việc của khoa rất dễ bị lây nhiễm vì vậy chúng tôi phải luôn cẩn thận từ khâu lấy mẫu, đến làm mẫu và trả kết quả, cẩn trọng từ những việc nhỏ nhất như phân loại rác, đến khâu vận chuyển xử lý rác thải, tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc làm việc từ bảo hộ lao động đến quy trình vận hành và chạy mẫu… nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như người khác. Mặc dù đã cố gắng thực hiện tốt các công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, tuy nhiên thời gian vừa qua, trong khoa cũng có người phơi nhiễm với HIV khi đang làm mẫu, vì vậy ngoài việc thực hiện tốt công tác chuyên môn thì mỗi nhân viên y tế cần nâng cao ý thức để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình.  

     Theo BS.CKI Nguyễn An Linh , Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, để đảm bảo an toàn lao động cho nhân viên y tế, hàng năm Trung tâm đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên. Các chế độ chính sách về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động được thực hiện đầy đủ; chú trọng đến công tác bảo hộ lao động cho nhân viên y tế; tăng cường tập huấn cho đội ngũ y, bác sĩ, đặc biệt là những người chịu nhiều ảnh hưởng độc hại về kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Thực hiện đúng các quy định về chế độ độc hại, ưu đãi nghề và các chế độ khác cho nhân viên y tế. 

     Không riêng gì nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực phòng chống HIV có nguy cơ lây nhiễm bệnh trong quá trình làm việc. Trên thực tế, nhân viên ngành y, dù ở bất kỳ vị trí nào, từ buồng tư vấn, phòng xét nghiệm, cũng như tại phòng thăm khám... đều có thể bị lây nhiễm bệnh. Nhân viên làm ở các bộ phận trực tiếp cấp cứu, ngoại sản, nhi, hồi sức cấp cứu có tỷ lệ bị tổn thương do vật sắc nhọn cao nhất, trong đó điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên là bị nhiều nhất, vì họ là người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, thực hiện các kỹ thuật tiêm truyền, lấy máu xét nghiệm, thay băng, đỡ đẻ, phụ mổ, xử lý dụng cụ sau phẫu thuật, thủ thuật... Họ có thể bị phơi nhiễm các tác nhân gây bệnh qua đường máu, dịch tiết cơ thể người bệnh, qua không khí, tiêu hóa. Một số bệnh nghề nghiệp thường mắc phải là HIV, lao, viêm gan B, viêm gan C, sốt xuất huyết, cúm, tả, lỵ...

     ThS Đào Minh Ý, Trưởng Khoa Vi sinh Bệnh viện ĐK Đồng Nai cho hay, bản chất của người làm vi sinh là thường xuyên tiếp xúc với những tác nhân vi sinh vật gây bệnh nguy hiểm và nguy cơ bị lây nhiễm rất cao từ các mẫu bệnh phẩm. Các tác nhân đó có thể là HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai, cúm, lao kháng thuốc. Nhất là tình hình hiện nay khoa phải làm nuôi cấy và kháng sinh đồ cho rất nhiều các vi khuẩn đa kháng trong bệnh viện. Việc nuôi cấy các vi khuẩn này tăng nguy cơ tiếp xúc tác nhân lây nhiễm do công việc chủ yếu dựa vào con người. Do đó, chúng tôi luôn nhắc nhở nhân viên trong khoa thực hiện đúng qui trình đảm bảo an toàn sinh học, khử nhiễm phòng xét nghiệm, tuân thủ theo các quy định, quy trình trong quá trình xét nghiệm cũng như các quy định trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động nhằm đảm bảo môi trường làm việc an toàn và tránh những rủi ro, nguy cơ nhiễm bệnh.

     BS.CKII Lê Thị Phương Trâm – Phó giám đốc Bệnh viện ĐK Đồng Nai cho hay, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động luôn được bệnh viện chú trọng. Cụ thể, bệnh viện thực hiện nghiêm các quy định về bảo hộ lao động (trang bị vật dụng cá nhân, quần áo bảo hộ, khẩu trang, găng tay, mũ, ủng…) cho người lao động trong quá trình làm việc. Thực hiện nghiêm kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, tập huấn cho nhân viên y tế về an toàn trong chăm sóc toàn diện, về kiểm soát nhiễm khuẩn, phổ biến chính sách Luật An toàn vệ sinh lao động… nhằm mục đích tạo môi trường làm việc an toàn để nhân viên y tế yên tâm làm việc.

Thanh Tú 



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn