Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm là làm tăng đường huyết. Tăng đường huyết mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa gluxit (chất bột đường), protein (chất đạm), lipit (chất béo), gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

DTD.jpg
 

     Theo báo cáo của Hiệp hội đái tháo đường thế giới IDF Diabetes Atlas, tại Việt Nam vào năm 2015 đã có 3,5 triệu người mắc bệnh ĐTĐ và con số này được dự báo sẽ tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040. Riêng tại Đồng Nai, đến hết năm 2020 có 60.254 người bị đái tháo đường được phát hiện.

     Trong điều trị ĐTĐ, chế độ dinh dưỡng là vấn đề rất quan trọng. Nếu có một chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể góp phần điều chỉnh tốt đường huyết, duy trì cân nặng theo mong muốn, đảm bảo cho người bệnh có đủ sức khoẻ để hoạt động và công tác phù hợp với từng cá nhân.

Nguyên tắc chung về dinh dưỡng cho bệnh nhân ĐTĐ 

     Nguyên tắc cơ bản về chế độ ăn của bệnh nhân ĐTĐ là hạn chế gluxit (chất bột đường) để tránh tăng đường huyết sau khi ăn, đồng thời hạn chế chất béo để tránh rối loạn chuyển hoá. Chế độ ăn của người bệnh phải đảm bảo cung cấp cho cơ thể một lượng đường ổn định, quan trọng nhất là phải điều độ, ổn định về giờ giấc và hợp lý số lượng thức ăn trong các bữa chính và phụ. Bữa ăn phải có đủ chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ.

     Tuy rằng, nhu cầu dinh dưỡng của mỗi bệnh nhân là khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng bệnh, các bệnh lý, biến chứng đi kèm của mỗi người. Nhưng cũng có những điểm chung như: tuổi, giới; loại công việc (nặng hay nhẹ); thể trạng (gầy hay béo). 

Các khuyến cáo chung về dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường 

     Chất bột đường: chế độ ăn cần hạn chế chất bột đường, vì ở bệnh ĐTĐ đường huyết có chiều hướng tăng vọt sau khi ăn nhưng lại không chuyển hoá được để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Nên dùng các loại chất bột đường hấp thu chậm có nhiều chất xơ, không chà xát kỹ như gạo lứt, bánh mì đen, khoai củ,... Hết sức hạn chế các loại thức ăn có hàm lượng đường cao (bánh, kẹo, nước ngọt...). Tỷ lệ năng lượng do chất bột đường cung cấp nên đạt 50-60% tổng số năng lượng khẩu phần.

     Chất đạm: có trong thịt, cá, trứng, sữa, vừng lạc, đậu, đỗ… Đối với người bệnh ĐTĐ lượng chất đạm nên đạt 0,8g/kg/ngày với người lớn. Nếu khẩu phần có quá nhiều đạm sẽ không tốt, nhất là đối với người suy chức năng thận. Nên ăn cá ít nhất 3 lần/tuần. Người ăn chay trường có thể bổ sung nguồn đạm từ các loại đậu (đậu phụ, đậu đen, đậu đỏ).Trong chế độ dinh dưỡng của người bệnh ĐTĐ tỷ lệ năng lượng do chất đạm nên đạt 15-20% năng lượng khẩu phần.

     Chất béo: nên ăn chất béo vừa phải và giảm chất béo động vật vì có nhiều acid béo bão hoà. Các chất béo có chứa acid béo bão hoà dễ gây xơ vữa động mạch. Nên ăn các chất béo có nhiều trong các loại dầu thực vật như dầu mè (vừng), dầu ô liu, dầu lạc, dầu đậu nành, dầu hướng dương,... Tỷ lệ năng lượng do chất béo nên là 25% tổng số năng lượng khẩu phần và không nên vượt quá 30%. Việc kiểm soát chất béo trong khẩu phần còn giúp cho ngăn ngừa xơ vữa động mạch.

     Chất xơ: đối với bệnh nhân ĐTĐ những thực phẩm giàu chất xơ có tác dụng điều hòa đường huyết do những thực phẩm này ít làm tăng đường huyết sau khi ăn so với loại ít chất xơ. Mỗi người bệnh nên ăn ít nhất 15 gam chất xơ mỗi ngày. Những thực phẩm giàu chất xơ như: một bát cơm gạo lứt (4g chất xơ); một trái táo (5g chất xơ); 1 trái chuối (3g chất xơ); 1 trái lê (4g chất xơ); 1 ly dâu tây xay (4 g chất xơ), 1 bát cà rốt luộc (5g chất xơ), 1 củ khoai lang (4g chất xơ), nửa đĩa rau muống (3g chất xơ). 

     Ngoài ra, cần giảm muối trong bữa ăn, còn khoảng 2300 mg Natri mỗi ngày và nên chú ý bổ sung các yếu tố vi lượng nếu thiếu, ví dụ: bổ sung sắt ở bệnh nhân ăn chay trường.

     Với người bị ĐTĐ nên chia nhỏ nhiều bữa ăn/ngày để tránh tăng đường huyết nhiều sau khi ăn. Có thể chia làm 5-6 bữa nhỏ trong ngày. Với bệnh nhân điều trị bằng insulin tác dụng chậm có thể bị hạ đường huyết trong đêm, do vậy nên cho ăn thêm bữa phụ trước khi đi ngủ.

     Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, bệnh nhân ĐTĐ cũng cần có một lối sống tích cực và chế độ luyện tập thể lực hợp lý. Cụ thể: không hút thuốc lá và hạn chế rượu bia, hút thuốc lá rất có hại cho người bị ĐTĐ, có thể gây ra các bệnh lý đi kèm, gây khó khăn trong quá trình điều trị. Luyện tập thể lực hàng ngày, loại hình luyện tập thông dụng và dễ áp dụng nhất: đi bộ 30 phút mỗi ngày, không nên ngưng luyện tập 2 ngày liên tiếp. Người già, đau khớp có thể chia nhỏ tập luyện nhiều lần trong ngày, mỗi lần 10-15 phút. Bệnh nhân béo phì, thừa cân cần giảm cân, ít nhất 3-7% so với cân nặng cơ thể.

BS.Hồ Thị Hồng

CDC Đồng Nai



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn